Multimedia Đọc Báo in

Tìm đầu ra cho nông sản qua mạng xã hội

08:47, 11/08/2019

Không chỉ sử dụng mạng xã hội kết nối, giao lưu với bạn bè, nhiều nông dân ở huyện Cư M’gar, nhất là những nông dân trẻ, tiếp cận nhanh với công nghệ còn xem đây là kênh hiệu quả để tiêu thụ nông sản.

Đủ các mặt hàng, từ gà giống, cây giống tới các loại trái cây, hoa, nấm… đều được nông dân chụp ảnh, quay video, hay trực tiếp livestream để bán hàng trên Facebook. Để tạo sự chú ý cho khách hàng, nhiều người còn đầu tư rất lớn về chất lượng bài viết, trau chuốt hình ảnh, video, thậm chí sẵn sàng thuê người viết bài giới thiệu cho sản phẩm của mình…

Bà con  nông dân còn tham gia vào các nhóm mua – bán, theo dõi các trang liên quan tới nông nghiệp, nông thôn trên mạng xã hội để tìm hiểu tình hình sản xuất ở khắp các vùng miền, gặp gỡ, giao lưu tìm kiếm đối tác, kết nối cung - cầu sản phẩm nông sản. Sự nhanh nhẹn, nhạy bén này trong khai thác lợi thế công nghệ thông tin đã giúp việc tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thuận lợi hơn rất nhiều, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng thu nhập cho gia đình…

Anh Nguyễn Đức Thành (bên trái) giới thiệu cho khách về sản phẩm trái vú sữa của gia đình.
Anh Nguyễn Đức Thành (bên trái) giới thiệu cho khách về sản phẩm trái vú sữa của gia đình.

Điển hình như anh Nguyễn Đức Thành, nông dân ở thôn Hiệp Hòa (xã Quảng Hiệp). Anh Thành hiện đang phát triển mô hình kinh tế tổng hợp với diện tích 2,2 ha, gồm 2.000 m2 trồng hoa, 8.000 m2 ao cá và trồng hơn 1.200 cây ăn quả các loại như: dừa xiêm, ổi lê, vú sữa, hồng xiêm, chanh tứ quý. Trong đó, có 100 cây dừa xiêm, 400 cây ổi đang trong giai đoạn kinh doanh. Anh còn kinh doanh giống cây ăn trái. Không chỉ bán nông sản làm ra tại chợ, hoặc gọi thương lái đến nhà mua, anh Thành đã đăng các thông tin về sản phẩm trái cây, cây giống của gia đình lên mạng xã hội Facebook để giới thiệu, quảng bá, tìm đầu ra.

Ngoài đăng tải các hình ảnh, anh còn đăng các video thực tế về việc trồng, chăm sóc cây, đánh giá của khách hàng về sản phẩm…; tham gia vào các nhóm bạn làm nông nghiệp ở khắp mọi miền đất nước qua Facebook. Nhờ cách làm này, nhiều sản phẩm nông nghiệp của gia đình anh đã tìm được đầu ra, đặc biệt không chỉ bán trong huyện, tỉnh mà còn xuất bán đi nhiều tỉnh, thành trong cả nước như: Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, các tỉnh Bình Dương, Quảng Nam, Đắk Nông, Gia Lai…

“Khách hàng của tôi chủ yếu là bạn bè trên trang cá nhân, cũng có những khách hàng mới khi tôi chia sẻ vào các trang hội, nhóm. Thấy được quá trình trồng, chăm sóc của mình, cũng như có nguồn gốc rõ ràng nên nhiều khách hàng đã tin tưởng mua, có ngày tôi tư vấn, bán sản phẩm cho hơn 60 người” – anh Thành chia sẻ.

Hiện nay, bình quân mỗi năm gia đình anh xuất bán ra thị trường 6 - 7 tấn cá các loại, trên 10 tấn ổi, gần 1 tấn dừa và hàng vạn cây giống các loại, trong đó có khoảng 60% cây giống và 50% sản phẩm trái cây được bán qua mạng xã hội Facebook; sau khi đã trừ hết chi phí đầu tư, gia đình anh lãi hơn 250 triệu đồng/năm...

Chị Trần Thị Thuyết ở thôn 1 (xã Ea Kpam) cũng khá thành công trong việc sử dụng mạng xã hội để thu hút khách hàng đến với cơ sở kinh doanh trái cây, gà… của gia đình. Trước đây, chỉ người nào biết, hay người đi trên đường thấy cơ sở kinh doanh thì vào mua nhưng từ ngày chị Thuyết chụp ảnh, quay clip về sản phẩm rồi đăng trên trang Facebook cá nhân, cơ sở của chị được nhiều người biết đến hơn và khách hàng cũng tìm đến ngày càng nhiều.

Dù là cơ sở kinh doanh nhỏ với diện tích chỉ vài chục mét vuông nhưng hiện nay bình quân mỗi tháng cơ sở của chị Thuyết xuất bán ra thị trường khoảng 2 tạ gà và 1 tấn trái cây các loại như: sầu riêng, bơ, mít...; trong đó có khoảng 30% sản phẩm tìm được đầu ra qua mạng xã hội Facebook.

Chị Thuyết cho hay: “Từ khi đăng bán các sản phẩm trên Facebook cá nhân, hiệu quả mang lại rất tốt, số lượng khách hàng ngày càng gia tăng, không chỉ có người dân trên địa bàn xã mà còn thu hút cả khách hàng từ những địa phương khác trong huyện và tỉnh bạn. Nhờ đó nguồn thu nhập của gia đình ổn định hơn và cao hơn trước đây”.

Trung Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.