Multimedia Đọc Báo in

Tổ hợp tác trồng vải xã Ea Na (huyện Krông Ana): "Cầu nối" giúp người dân phát triển kinh tế

08:58, 19/08/2019

Từ khi thành lập đến nay, Tổ hợp tác (THT) trồng vải xã Ea Na (huyện Krông Ana) đã phát huy được vai trò hỗ trợ thành viên nâng cao hiệu quả sản xuất.

Theo chị Mai Thị Hằng, Chủ tịch Hội Nông dân xã Ea Na, cây vải thiều được trồng trên địa bàn xã từ năm 1999 nhưng người dân chỉ trồng rải rác trong vườn nhà. Sau một thời gian trồng thấy cây vải phù hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương lại có thể ra trái mùa, bán được giá cao, người dân ở một số thôn như Thành Công, Tân Tiến, Quỳnh Ngọc và Quỳnh Ngọc 1 chọn cây vải trồng xen trong các vườn cà phê hay trồng thuần trên những diện tích mới khai hoang để phát triển kinh tế.

Tuy nhiên do người dân chưa nắm vững kỹ thuật  trồng, chăm sóc cây vải mà chỉ làm theo kinh nghiệm nên hiệu quả chưa cao. Với mục đích hỗ trợ người trồng vải về kỹ thuật sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân, đầu năm 2019, Hội Nông dân xã Ea Na đã quyết định thành lập THT trồng vải, với 35 thành viên, tổng diện tích trồng vải của các thành viên là 30 ha, trong đó có 7 ha vải đang trong thời kỳ kinh doanh.

Từ khi THT được thành lập, thông qua các buổi sinh hoạt định kỳ hằng tháng, các thành viên đã cùng nhau trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng và chăm sóc cây vải thiều. Đặc biệt, khi có vườn cây của hộ nào xuất hiện tình trạng sâu bệnh, thì ngay lập tức các thành viên trong tổ sẽ xuống tận nơi để kiểm tra, tìm hiểu nguyên nhân gây bệnh để phòng và chữa trị bệnh kịp thời.

 

Anh Phạm Hải Nam chiết cành vải để làm giống.   
Anh Phạm Hải Nam chiết cành vải để làm giống.

Bên cạnh việc cùng nhau trao đổi kinh nghiệm, THT còn mời một số hộ có kinh nghiệm trồng vải thiều lâu năm ở huyện Krông Pắc, Ea Kar xuống tận vườn tư vấn, “cầm tay chỉ việc” cho thành viên; đồng thời chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan, công ty chuyên về cây ăn trái có uy tín tổ chức các buổi hội thảo, tập huấn về vệ sinh an toàn thực phẩm, chuyển giao ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, hướng dẫn sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đúng cách… giúp cho việc chăm sóc vườn cây của người dân được tốt và hiệu quả hơn so với trước.

Gia đình bà Phạm Thị Năm (thôn Quỳnh Ngọc 1) được xem là một trong những hộ trồng vải đầu tiên ở xã Ea Na. Ban đầu gia đình bà Năm chỉ trồng 3 cây vải thiều xung quanh vườn nhà để ăn nhưng đến mùa vải ra sai quả, ăn không hết nên bà mang đi bán với giá 40.000 - 50.000 đồng/kg, đem lại khoản thu khoảng 30 triệu đồng/mùa. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây vải mang lại, năm 2016 bà Năm đã mạnh dạn chiết 200 cành vải giống trồng xen trong vườn cà phê. Thế nhưng, bà gặp không ít khó khăn trong việc chăm sóc vườn cây do chưa nắm được quy trình chăm sóc.

Sau khi được Hội Nông dân xã vận động, phân tích những lợi ích của mô hình kinh tế tập thể, bà cùng một số hộ dân trong thôn đã tự nguyện tham gia vào THT. Theo bà Năm, nếu như trước đây, các hộ trồng vải mạnh ai nấy làm, mỗi người mỗi kiểu chăm sóc thì nay tất cả các khâu đều làm theo quy trình, có sự thống nhất của các thành viên trong THT.

Anh Phạm Hải Nam trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây vải với cán bộ Hội Nông dân xã Ea Na.
Anh Phạm Hải Nam trao đổi kinh nghiệm chăm sóc cây vải với cán bộ Hội Nông dân xã Ea Na.

Cũng như bà Năm, gia đình anh Phạm Hải Nam (thôn Quỳnh Ngọc) đầu tư trồng 1.700 gốc vải thiều trên diện tích 5 ha đất trắng. Năm 2018, vườn vải của gia đình anh bắt đầu cho ra bói nhưng cho quả rất ít và không đều do khoanh vỏ chưa đúng cách và bón phân sai thời điểm. Từ khi tham gia vào THT, anh có cơ hội được trao đổi kinh nghiệm cũng như nhận được sự hỗ trợ từ các thành viên nên đã nắm vững quy trình chăm sóc cây vải theo từng giai đoạn.

Có thể thấy, dù mới thành lập nhưng hiệu quả bước đầu mà THT mang lại đã phát huy được vai trò làm “cầu nối” giữa nông dân với các cơ quan chuyên môn; giúp các thành viên thay đổi hình thức sản xuất, biết liên kết làm ăn với nhau để nâng cao chất lượng sản xuất, góp phần nâng cao thu nhập. 

Tổ hợp tác trồng vải xã Ea Na đang phối hợp với Trung tâm Chất lượng nông lâm thủy sản vùng 3 tiến hành sản xuất theo quy trình VietGAP trên diện tích 14 ha cho 9 hộ thành viên nhằm xây dựng thương hiệu cho quả vải của địa phương, góp phần nâng cao giá trị và tìm đầu ra ổn định cho sản phẩm.

Tuyết Mai


Ý kiến bạn đọc