Multimedia Đọc Báo in

TP. Buôn Ma Thuột: Cấp thiết chuyển đổi mô hình quản lý chợ

09:59, 27/08/2019

Việc chuyển đổi mô hình đầu tư, xây dựng, quản lý chợ tại TP. Buôn Ma Thuột nhằm nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về quy hoạch, thương mại, dịch vụ, phát huy hiệu quả sử dụng đất là rất cần thiết và phù hợp với xu thế phát triển. Tuy nhiên, công tác này hiện vẫn còn chậm và gặp nhiều khó khăn, cần sự tháo gỡ tích cực của các cấp chính quyền.

Chợ xuống cấp, không bảo đảm an toàn

TP. Buôn Ma Thuột hiện có 23 chợ đang hoạt động, gồm 14 chợ ở khu vực nội thành và 9 chợ vùng nông thôn. Trong đó, mới chỉ có 5 chợ đã và đang thực hiện xã hội hóa đầu tư, xây dựng, quản lý khai thác gồm: chợ trung tâm Buôn Ma Thuột, chợ Tân Hòa, chợ Duy Hòa, chợ Thanh Bình và chợ Hòa Phú. Đa số chợ còn lại (chưa chuyển đổi) đang được giao cho UBND các xã, phường quản lý và 3 chợ do Ban quản lý chợ Buôn Ma Thuột phụ trách (chợ tạm Buôn Ma Thuột, chợ Phan Đình Phùng và chợ Tân An).

Điểm chung dễ nhận thấy tại các chợ chưa thực hiện chuyển đổi mô hình quản lý là tình trạng xuống cấp những hạng mục công trình sau nhiều năm khai thác, kết cấu hạ tầng, hệ thống công trình phụ trợ thiếu đồng bộ, chưa đảm bảo các yếu tố an toàn, mỹ quan... Thậm chí, vẫn còn nhiều nơi mang danh là "chợ", nhưng đang họp trên lề đường chứ chưa được đầu tư, xây dựng. Tình trạng các hộ kinh doanh tự phát, lấn chiếm lòng lề đường không bảo đảm trật tự đô thị, an toàn giao thông vẫn còn tồn tại, gây khó khăn trong công tác quản lý và tạo sức ép cạnh tranh thiếu công bằng đối với những tiểu thương kinh doanh đúng lô, đúng sạp bên trong chợ.

Cơ sở hạ tầng xuống cấp khiến việc kinh doanh của tiểu thương chợ Phan Đình Phùng gặp khó khăn.
Cơ sở hạ tầng xuống cấp khiến việc kinh doanh của tiểu thương chợ Phan Đình Phùng gặp khó khăn.

Chẳng hạn, chợ Phan Đình Phùng (phường Thành Nhất) được khai thác từ tháng 8–2010 với quy mô 322 quầy, sạp tại các khu nhà vòm, nhà lồng và ngoài trời. Trong đó, khu nhà lồng vốn được tận dụng từ khung, mái chợ A Buôn Ma Thuột sử dụng từ năm 1986, nhiều kết cấu thường xuyên hư hỏng, nhất là mái lợp, máng xối... Do chợ chưa được đầu tư giai đoạn 2 nên chưa có hệ thống tường rào, không có bể nước, máy bơm, đường ống phục vụ công tác phòng cháy, chữa cháy. Cũng chính vì chưa được đầu tư hoàn chỉnh nên tình trạng kẻ gian lẻn vào trộm cắp hàng hóa của tiểu thương, đối tượng nghiện tiêm chích ma túy vào ban đêm vẫn xảy ra, bất chấp các nỗ lực tuần tra, kiểm tra của Ban quản lý chợ.

Tương tự, chợ Tân An (phường Tân An) cũng đang đối diện với tình trạng cũ kỹ, ẩm thấp do đã đưa vào sử dụng gần 20 năm qua. Hệ thống thoát nước kém hiệu quả, các lối đi nội bộ xuống cấp, nhiều quầy sạp khu vực bán các mặt hàng tươi sống được tiểu thương chắp vá tạm bợ. Tại khu B, tình hình kinh doanh tương đối ổn định, tiểu thương chấp hành tốt các quy định thì lại khá ế ẩm do sức ép cạnh tranh từ các hộ kinh doanh bên ngoài chợ. Trong khi đó, khu A quy tụ các tiểu thương buôn bán tự phát khu vực đường Ngô Gia Tự, Ngô Quyền trước đây vào chợ thì có phần nhộn nhịp hơn, song lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất trật tự, thường xảy ra mâu thuẫn giữa các tiểu thương, thậm chí có trường hợp còn hành hung cả nhân viên quản lý chợ.

Nhiều khó khăn, bất cập trong quá trình chuyển đổi

Việc chậm chuyển đổi cũng đang tạo gánh nặng tài chính không nhỏ cho ngân sách nhà nước. Tại một số chợ, nguồn thu hiện đang không đủ bù chi. Đơn cử như chợ Phan Đình Phùng, theo bà Nguyễn Thị Thanh Thủy, Trưởng Ban quản lý chợ TP. Buôn Ma Thuột, tổng thu phí mặt bằng và bảo vệ chợ hằng năm chưa đến 600 triệu đồng. Trong khi đó, chỉ riêng chi lương cho đội ngũ nhân viên quản lý, bảo vệ chợ đã lên đến 700 triệu đồng/năm, chưa kể các khoản sửa chữa, duy tu cơ sở hạ tầng thường xuyên phát sinh.

Theo lộ trình được UBND thành phố thông qua, chợ Phan Đình Phùng sẽ là chợ thí điểm chuyển đổi trong năm 2019 - 2020 sang hình thức do doanh nghiệp hoặc hợp tác xã đầu tư, quản lý, khai thác. Cũng theo lộ trình này, sau khi chuyển đổi mô hình quản lý đối với chợ Phan Đình Phùng, mỗi năm thành phố sẽ tiếp tục chuyển đổi thêm 2 - 3 chợ, hoàn thành việc chuyển đổi tất cả các chợ trên địa bàn vào cuối năm 2026.

Gian hàng tươi sống bên trong chợ Phan Đình Phùng.
Gian hàng tươi sống bên trong chợ Phan Đình Phùng.

Tuy nhiên trên thực tế, việc thỏa mãn lợi ích cả ba bên: Nhà nước, nhà đầu tư và tiểu thương vẫn còn nhiều trở ngại vì khi xã hội hóa đầu tư, xây dựng chợ thì đương nhiên giá cho thuê quầy sạp sẽ tăng nhiều so với giá đang áp dụng tại từng chợ hiện nay. Trong khi đó, đa số tiểu thương tại các chợ xã, phường có thu nhập không cao, quầy sạp bỏ trống nhiều, tình trạng bán hàng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường vẫn còn tồn tại. Bên cạnh đó, các vấn đề của Chợ tạm Buôn Ma Thuột vẫn chưa được giải quyết thỏa đáng nên cũng ảnh hưởng đến tâm lý tiểu thương. Việc đầu tư, khai thác chợ chưa thực sự phát huy hiệu quả, khó thu hút nhà đầu tư, thủ tục, trình tự đầu tư phức tạp, kéo dài, một số chợ hiện đã thất lạc hồ sơ pháp lý...

Phó Chủ tịch UBND TP. Buôn Ma Thuột Đoàn Ngọc Thượng cho biết, để hoàn thành kế hoạch chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh, khai thác chợ đến năm 2026, các ngành chức năng của thành phố đang tích cực tiếp tục tuyên truyền, giải thích các chủ trương, chính sách của Nhà nước đến tiểu thương; bảo đảm nguyên tắc dân chủ, tôn trọng ý kiến tiểu thương khi xây dựng phương án đầu tư chợ mới; chú trọng quyền lợi của tiểu thương đang kinh doanh tại chợ cũ; tạo điều kiện thuận lợi, quan tâm tháo gỡ vướng mắc cho nhà đầu tư và đề nghị các ngành, các cấp có thẩm quyền thực hiện cơ chế hỗ trợ như miễn, giảm tiền thuê đất, ưu đãi lãi suất cho vay đầu tư xây dựng chợ... Về giá cho thuê quầy sạp, thành phố sẽ cùng nhà đầu tư nghiên cứu mức hợp lý và thấp hơn quy định chung của UBND tỉnh. Ngoài ra, thành phố cũng tăng cường giải tỏa những trường hợp mua bán hàng hóa lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, an toàn, văn minh tại các chợ trên địa bàn.

Theo UBND TP. Buôn Ma Thuột, phương án chuyển đổi mô hình kinh doanh, khai thác chợ sẽ được công khai để các doanh nghiệp, hợp tác xã và các đối tượng khác tìm hiểu, tham gia. Việc lựa chọn đơn vị kinh doanh, quản lý chợ sẽ được thực hiện qua hình thức đấu thầu hoặc chỉ định thầu theo quy định của pháp luật.

Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.