Multimedia Đọc Báo in

Trao sinh kế cho người nghèo buôn Ea Na

09:45, 02/08/2019

Buôn Ea Na (xã Ea Na, huyện Krông Ana) có 385 hộ; trong đó có 71 hộ nghèo, 66 hộ cận nghèo. Kinh tế của người dân ở đây chủ yếu dựa vào cây cà phê, hồ tiêu, điều… Tuy nhiên, nhiều gia đình do có ít đất hoặc không có đất sản xuất đã phải đi đến các thành phố lớn để tìm kiếm việc làm, thu nhập thiếu ổn định.

Nhằm chia sẻ khó khăn với người dân buôn Ea Na, cuối năm 2018, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã trao 15 con bò sinh sản tổng trị giá 225 triệu đồng từ Quỹ Vì người nghèo cho 15 hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn của buôn để phát triển chăn nuôi. Mô hình chăn nuôi bò sinh sản không cần nhiều thời gian chăm sóc, tận dụng nguồn thức ăn có sẵn của gia đình… khá phù hợp cho người dân địa phương.

Gia đình chị H’Ngoai Hmok (SN 1983) là hộ nghèo của buôn Ea Na. Nguyên nhân là do sinh đông con, đứa con út chưa đầy 1 tuổi mắc bệnh tiểu đường bẩm sinh, ở bệnh viện nhiều hơn ở nhà. Cả gia đình 8 miệng ăn nhưng chỉ trông chờ vào 5 sào điều năm được mùa, năm mất mùa và tiền công làm thuê của hai vợ chồng chị H’Ngoai nên không đủ trang trải sinh hoạt và chạy chữa bệnh cho con. Hai đứa con trai lớn của chị H’Ngoai mới 15, 16 tuổi đã phải nghỉ học đi làm thuê đỡ đần bố mẹ.

Biết được hoàn cảnh khốn khó của gia đình chị H’Ngoai, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã hỗ trợ gia đình một con bò sinh sản; các mạnh thường quân hỗ trợ kinh phí xây dựng chuồng trại để phát triển kinh tế. Chị H’Ngoai bày tỏ: “Mô hình nuôi bò sinh sản rất phù hợp với hoàn cảnh của gia đình tôi. Từ ngày có bò, tôi trồng cỏ, trồng bắp ở mép vườn để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Thời gian rảnh, các con tôi đi chăn bò, còn vợ chồng tôi tranh thủ đi cắt cỏ, mua thêm cám để bò mau lớn”.  Đến nay, bò cái sinh sản của gia đình chị H’Ngoai đã sinh bê con. Dù kinh tế còn túng thiếu, nhưng mô hình nuôi bò sinh sản sẽ là nguồn sinh kế lâu dài giúp cuộc sống của gia đình chị H’Ngoai thoát nghèo.

Gia đình bà H’Ngoai Hmok (ở buôn Ea Na, xã Ea Na) được hỗ trợ bò.
Gia đình bà H’Ngoai Hmok (ở buôn Ea Na, xã Ea Na) được hỗ trợ bò.

Tương tự, gia đình bà H’Num Byă (SN 1953) cũng được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng một con bò cái để chăn nuôi. Trước đây, con gái của bà H’Num đi làm thuê ở xã Hòa Khánh (TP. Buôn Ma Thuột) nhưng tiền lương thấp không đủ lo cho gia đình nên đành để lại bốn đứa con thơ cho vợ chồng bà H’Num nuôi nấng còn mình về Bình Dương tìm kiếm việc làm. Tuổi cao, lại không có đất sản xuất, sáu thành viên trong gia đình bà H’Num chỉ biết trông chờ vào đồng lương công nhân ít ỏi của con gái đang làm ở tỉnh Bình Dương, cuộc sống ngày càng khốn khó hơn. "Được trao bò, hằng ngày tôi đi cắt cỏ, dọn dẹp vệ sinh chuồng trại để bò sinh sản và phát triển khỏe mạnh. Sau hơn một năm chăm sóc, bò cái đã sinh bê con, đến nay được gần ba tháng tuổi", bà H’Num hồ hởi khoe.

Bà H’Num Byă (buôn Ea Na, xã Ea Na) chăm sóc bò cái sinh sản được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng .
Bà H’Num Byă (buôn Ea Na, xã Ea Na) chăm sóc bò cái sinh sản được Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng.

Ông Y Nia Byă, Trưởng buôn Ea Na cho biết, 15 con bò cái sinh sản của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tặng đều được người dân chăm sóc tốt, trong đó 4 con đã sinh sản. Nhiều năm nay, chính quyền địa phương cũng đã tìm nhiều giải pháp giúp đồng bào buôn Ea Na thoát nghèo, song chưa đem lại hiệu quả. Việc hỗ trợ nguồn vốn sinh kế thiết thực của Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh đã tạo động lực giúp các hộ dân tộc thiểu số nghèo ở buôn Ea Na có điều kiện tự phấn đấu, vươn lên trong cuộc sống.

Thùy Dung


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.