Multimedia Đọc Báo in

Vườn rau "5 không" và thông điệp về sự tử tế

17:44, 26/08/2019
Thời gian gần đây, vườn rau hữu cơ của một nhóm bạn trẻ tại thôn 1, xã Cư Êbur (TP. Buôn Ma Thuột) thu hút sự quan tâm của nhiều người bởi thông điệp lan tỏa những điều tử tế từ sản xuất nông nghiệp sạch.

Phải mất mấy lần hỏi đường, chúng tôi mới tìm được khu vườn nằm trên đồi cao, cách biệt với khu dân cư phía sau Khu du lịch sinh thái Đầu Nguồn. Ngày cuối tuần, có rất đông người đưa bạn bè, gia đình đến đây chơi và mua rau sạch. Trong vườn, nhiều em nhỏ thích thú khi được tự tay hái trái cây hay nhặt rau cho thỏ ăn. Mấy bạn trẻ thì thỏa thích chụp hình bên khu nhà sàn và những luống hoa đủ các loại.

Anh Y Thơ Hwing – chủ vườn vừa điều hành công việc sản xuất, vừa tất bật giới thiệu về các loại rau mà khách muốn tìm hiểu. Anh cho biết, vườn có diện tích hơn 1 ha, một mình không làm được, anh kêu gọi thêm 2 người bạn đam mê làm nông nghiệp cùng hùn vốn vào. Để trồng rau, đất được đầu tư nuôi dưỡng, cải tạo và diệt mầm bệnh kỹ lưỡng, nguồn nước cũng được mang đi kiểm tra bảo đảm không bị ô nhiễm.

Một góc trang trại rau hữu cơ của anh Y Thơ Hwing.
Một góc trang trại rau hữu cơ của anh Y Thơ Hwing.

Anh Y Thơ và các cộng sự thiết kế lại không gian vườn thành nhiều khu vực một cách bài bản, tiến hành làm nhà màng ươm giống, lắp hệ thống tưới tự động rồi lên luống trồng rau. Lứa rau đầu tiên được xuống giống đầu năm 2019 với nhiều loại rau ngắn ngày. Khoảng trống giữa các luống rau được trồng xen cây ăn trái, hoa và những loại cây có tác dụng xua đuổi các loại sâu và vi sinh vật gây hại. Các công đoạn trong vườn luôn quán triệt nguyên tắc “5 không” (không phân bón hóa học, không giống biến đổi gen, không thuốc bảo vệ thực vật, không chất kích thích và không chất bảo quản).

Bên cạnh đó, do áp dụng phương pháp canh tác hữu cơ nên hệ sinh thái trong vườn luôn bảo đảm cân bằng, sử dụng thiên địch để diệt sâu, đuổi côn trùng bằng long não và các hỗn hợp an toàn sinh học tự pha chế. Những lứa rau đầu tiên, một số loại rau cho năng suất kém, thậm chí không được thu hoạch, chủ vườn phải tiếp tục bổ sung chất dinh dưỡng, cải tạo đất. Hiện trang trại này có 4 sào đã canh tác ổn định theo phương pháp hữu cơ hoàn toàn, với 20 loại rau từ rau gia vị, rau ăn sống đến củ, quả, cho thu hoạch thường xuyên với sản lượng 50 kg/ngày. Rau hữu cơ mặc dù giá bán cao hơn so với thị trường, nhưng sản phẩm ở đây được các cửa hàng thực phẩm sạch và khách hàng đến tận vườn mua hết.

Anh Y Thơ cho biết, nhằm phục vụ nhu cầu rau sạch của người dân, thời gian tới, trang trại sẽ mở rộng thêm diện tích trồng và xen canh thêm nhiều loại rau, củ, quả khác và ký kết hợp đồng với các cửa hàng, bếp ăn tập thể để sản xuất rau sạch theo đơn đặt hàng.

Trang trại rau hữu cơ được anh Y Thơ và các cộng sự đặt tên là “Vườn tử tế”. Các anh muốn lan tỏa thông điệp về sự tử tế qua việc làm nông nghiệp sạch, không bóc lột quá mức tài nguyên đất đai, nguồn nước, môi trường, để từ đó mỗi người sẽ làm những điều tốt đẹp cho bản thân và cộng đồng. Vì vậy, thời gian tới, mô hình này sẽ được tư vấn, hỗ trợ kỹ thuật và chuyển giao ý tưởng cho những thanh niên có đam mê làm nông nghiệp sạch tại các huyện, thị xã, thành phố. “Vườn tử tế” là ý tưởng được Tỉnh Đoàn chọn tham gia Cuộc thi Dự án khởi nghiệp sáng tạo thanh niên nông thôn 2019 do Trung ương Đoàn tổ chức.

Bên cạnh trồng rau, Vườn tử tế cũng đang được đầu tư cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch nông nghiệp với khu vườn thực hành diện tích 1.500 m2, có đầy đủ nông cụ phục vụ các em nhỏ trực tiếp tham gia toàn bộ quy trình sản xuất hữu cơ, giúp các em có ý thức yêu lao động và bảo vệ môi trường. Cùng với đó, chủ vườn cũng sẽ liên kết với đồng bào Êđê tại buôn Akô Dhông triển khai hình thức du lịch homestay, phục vụ du khách có nhu cầu trải nghiệm văn hóa cồng chiêng, ẩm thực và phương thức sản xuất nông nghiệp truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ.

Minh Thông

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.