Dẹp loạn thị trường dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng kém chất lượng
Sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị số 17/CT-TTg, ngày 19-6-2018 của Chính phủ về tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng (TPCN), dược liệu, vị thuốc y học cổ truyền (Chỉ thị số 17) và sự vào cuộc quyết liệt của ngành chức năng, tình trạng buôn lậu, sản xuất, kinh doanh ở lĩnh vực này đã từng bước được đi vào quy củ.
Theo Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của tỉnh (Ban Chỉ đạo 389), nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao khiến thị trường dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền trên địa bàn thời gian qua diễn ra rất sôi động, với sự đa dạng về chủng loại, nhiều mẫu mã và giá cả, trải dài từ thành thị đến nông thôn. Kéo theo đó là tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng ở lĩnh vực này vẫn đang diễn ra phức tạp.
Qua kiểm tra, kiểm soát của cơ quan chức năng, vẫn còn nhiều đối tượng sản xuất, kinh doanh vì chạy theo lợi nhuận mà chưa chấp hành đúng các quy định của pháp luật. Hành vi vi phạm thường thấy là kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ; kinh doanh mỹ phẩm có nhãn ghi sai nguồn gốc, xuất xứ, ghi tính năng, công dụng sai với bản chất vốn có của sản phẩm; bán dược liệu không đạt tiêu chuẩn chất lượng theo quy định; vi phạm trong lĩnh vực thuế...
Nguồn nguyên liệu không rõ nguồn gốc được phát hiện tại nhà của Bàn Văn Trường. |
Vì đây là nhóm hàng liên quan đến việc chăm sóc, nâng cao sức khỏe con người nên các cơ quan giúp việc cho Ban Chỉ đạo 389 xác định đây là nhiệm vụ vừa quan trọng cấp bách, vừa mang tính lâu dài. Theo đó, các cơ quan chức năng trong Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh đã bám sát chỉ đạo, chủ động triển khai nhiều biện pháp, thực hiển kiểm tra thường xuyên lẫn đột xuất, quyết liệt xử lý vi phạm. Theo thống kê, sau hơn 1 năm thực hiện Chỉ thị 17, các cơ quan chức năng của tỉnh đã phát hiện và lập biên bản xử lý 43 vụ vi phạm, xử phạt hành chính 776 triệu đồng, giá trị hàng hóa tịch thu gần 125 triệu đồng, truy thu thuế 820 triệu đồng.
Theo Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh, nếu như trước đây, các vi phạm được phát hiện chủ yếu ở những điểm kinh doanh cố định, gian thương thường cố tình mua hàng trôi nổi về bán để kiếm lời thì nay, phương thức hoạt động của đối tượng vi phạm ngày càng đa dạng hơn. Nổi lên gần đây là tình trạng nhiều đối tượng lợi dụng rao bán thực phẩm chức năng được giới thiệu là "hàng xách tay" tràn lan trên mạng xã hội hoặc kinh doanh mỹ phẩm giả, kém chất lượng thông qua mạng Internet. Hình thức kinh doanh này ngày càng phổ biến và diễn biến phức tạp khiến việc kiểm tra, thu thập thông tin, manh mối, chứng cứ để xử lý của cơ quan chức năng cũng không hề dễ dàng.
Điển hình như mới đây nhất, vào tối ngày 2-9, Công an TP. Buôn Ma Thuột phối hợp cùng các lực lượng chức năng tiến hành kiểm tra đột xuất tại số nhà 25/15 Phạm Văn Bạch, phường Thành Nhất (TP. Buôn Ma Thuột) do Bàn Văn Trường (24 tuổi) thuê để kinh doanh, đã phát hiện vợ chồng Trường đang dùng nguyên liệu để pha trộn, đóng gói và dán nhãn mác hàng trăm sản phẩm là thuốc thảo dược, mỹ phẩm các loại. Vợ chồng Trường đã không xuất trình được các loại hóa đơn, chứng từ về nguồn gốc xuất xứ các nguyên liệu nói trên. Việc sản xuất, kinh doanh các loại thuốc thảo dược, mỹ phẩm này cũng chưa được cơ quan chức năng cấp phép hoạt động. Theo khai nhận của Trường, nguồn nguyên liệu để sản xuất số thuốc thảo dược, mỹ phẩm này được đặt mua từ một người ở TP. Hà Nội. Sau đó, Trường lên mạng xã hội Facebook thuê một người lạ ở TP. Hồ Chí Minh in ấn các loại bao bì, nhãn mác sản phẩm, tem chống hàng giả rồi về tự pha trộn, đóng gói và bán ra thị trường để kiếm lời. Hiện vụ việc đang được cơ quan chức năng tiếp tục điều tra, làm rõ.
Cục Quản lý thị trường kiểm tra việc bày bán mỹ phẩm tại TP. Buôn Ma Thuột. |
Theo ông Nguyễn Đào Chí, Trưởng Đoàn kiểm tra liên ngành thường trực 389 của tỉnh, sở dĩ mỹ phẩm, dược phẩm, TPCN trôi nổi vẫn còn “đất sống” trên thị trường nguyên do một phần cũng bắt nguồn từ tâm lý ham hàng giá rẻ và dễ dãi trong chọn mua hàng hóa của người tiêu dùng. Trong khi đó, công tác thanh, kiểm tra của cơ quan chức năng còn gặp nhiều khó khăn như: mặt hàng mỹ phẩm bày bán trên địa bàn tỉnh đa số mang nhãn hiệu nước ngoài (Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản…), song lại không có hàng thật để so sánh, đối chiếu, phân biệt lúc ban đầu nên việc xử lý chỉ có thể dừng lại ở việc xử phạt hành chính về hành vi kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ chứ không thể xác định, xử lý hàng giả; nhà sản xuất không công bố thành phần, nguyên liệu, công thức… gây khó cho công tác xác định, xử lý hàng giả; chế tài xử phạt còn nhẹ chưa đủ sức răn đe; hiện vẫn chưa có quy trình tiêu hủy đối với loại hàng hóa này… Do đó, tỷ lệ phát hiện, xử lý còn thấp so với vi phạm trên thực tế.
Về những giải pháp trọng tâm trong thời gian tới, Ban Chỉ đạo 389 của tỉnh yêu cầu các cơ quan chức năng tăng cường giám sát thị trường, chủ động nắm bắt thông tin, đánh giá thị trường để xây dựng các giải pháp đấu tranh phù hợp; phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, các cơ quan liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, kiểm soát, nhất là đối với những mặt hàng nhập khẩu; thanh tra đột xuất việc thực hiện các quy định của pháp luật đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh có dấu hiệu vi phạm ở lĩnh vực này. Song song với việc kiểm tra về thủ tục hành chính là tiến hành lấy mẫu để kiểm nghiệm chất lượng. Đồng thời, chú trọng tuyên truyền, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN cũng như phát huy tốt vai trò giám sát, phát hiện, tố giác vi phạm của người dân.
Tại Chỉ thị số 17, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát để ban hành hoặc trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các văn bản quy phạm pháp luật mới hoặc sửa đổi phù hợp những văn bản chưa quy định về chuyên môn kỹ thuật, các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quốc gia, quy trình kiểm tra về dược phẩm, mỹ phẩm, TPCN, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của ngành. |
Trâm Anh
Ý kiến bạn đọc