Hội Cựu chiến binh huyện Cư Kuin: Đồng hành hỗ trợ hội viên phát triển kinh tế
Hội Cựu chiến binh (CCB) huyện Cư Kuin có 2.898 hội viên sinh hoạt tại 113 chi hội. Thời gian qua, Hội CCB huyện đã vận động hội viên thay đổi cách nghĩ, cách làm, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất; cải tạo vườn tạp, đất đai và xây dựng các mô hình kinh tế điểm, hướng nhận thức của hội viên từ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa.
Từ năm 2012 đến nay, Hội CCB huyện đã phối hợp với Trạm Khuyến nông, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tổ chức 46 lớp tập huấn về chăm sóc cây trồng, vật nuôi, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Các cơ sở hội đã vận động hội viên đóng góp xây dựng Quỹ hội gần 4,5 tỷ đồng, nhận ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện gần 69 tỷ đồng cho hội viên vay vốn phát triển kinh tế.
Từ sự hỗ trợ của các cấp Hội CCB, nhiều hội viên đã nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo, nâng cao thu nhập cho gia đình. Đến nay toàn huyện có trên 40 mô hình phát triển kinh tế của hội viên CCB cho thu nhập ổn định từ 300 - 400 triệu đồng/năm. Con số 202 hộ nghèo, 41 hộ có nhà dột nát, đến nay Hội CCB huyện đã giảm chỉ còn 65 hộ nghèo và 13 hộ có nhà dột nát.
Ông Dần kiểm tra vườn tiêu của gia đình. |
Điển hình trong phong trào vượt khó vươn lên phát triển kinh tế của Hội có gia đình ông Phạm Ngọc Dần ở xã Dray Bhăng. Từng tham gia quân ngũ làm nghĩa vụ quốc tế tại Lào, ông Dần phục viên với tỷ lệ mất sức lao động 60%. Năm 1986, ông cùng gia đình vào lập nghiệp tại thôn Lô 13, xã Dray Bhăng và tham gia sinh hoạt tại Chi hội CCB thôn Lô 13.
Thời gian đầu, gia đình ông chủ yếu trồng những loại cây ngắn ngày như ngô, đậu, lúa rẫy và đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Khi đã tích lũy được ít vốn, ông đầu tư chăn nuôi heo, trồng cà phê, hoa màu ngắn ngày. Nhờ siêng năng lao động, tích cóp, đến năm 2009 ông mua được 1 ha cà phê; sau đó được Hội CCB xã tạo điều kiện cho vay 25 triệu đồng để đầu tư vào chăm sóc vườn cây. Thu nhập từ cà phê được ông dành dụm mua thêm 2,5 ha hồ tiêu.
Để vườn cây phát triển tốt, tiết kiệm chi phí, nhân công, ông Dần đầu tư hệ thống tưới nhỏ giọt, sử dụng các loại phân sinh học cho cây hồ tiêu; chịu khó tìm hiểu học hỏi cách chọn giống, chăm sóc cũng như phòng chống các dịch bệnh để áp dụng vào vườn của gia đình. Hiện nay, thu nhập từ vườn cà phê, hồ tiêu mang lại cho gia đình ông gần 500 triệu đồng/năm.
Hay như gia đình CCB Vương Mạnh Cường ở thôn 8, xã Ea Hu trước đây có thu nhập bấp bênh bởi 2 ha đất đồi bạc màu trồng hoa màu đạt năng suất thấp. Sau khi tham gia lớp tập huấn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi do Hội CCB xã tổ chức, được Hội CCB huyện hỗ trợ cho vay 20 triệu đồng, năm 2015 ông quyết định chuyển đổi diện tích đất của gia đình sang trồng cam. Ông cũng chịu khó nghiên cứu, tìm tòi, học hỏi và áp dụng khoa học kỹ thuật trong trồng và chăm sóc vườn cam. Niên vụ năm nay, 3.500 cây cam năm thứ tư của gia đình ông Cường cho thu hoạch gần 30 tấn, sau khi trừ chi phí gia đình ông có lãi 400 triệu đồng.
Lãnh đạo Hội CCB huyện Cư Kuin tham quan mô hình kinh tế của ông Vương Mạnh Cường (bìa trái). |
Các hoạt động thiết thực hỗ trợ phát triển kinh tế của Hội CCB huyện Cư Kuin đã giúp hội viên gắn bó với Hội và tích cực tham gia các phong trào khác ở địa phương. Hội viên CCB huyện luôn đóng vai trò nòng cốt trong các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”, vận động thanh niên lên đường nhập ngũ, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, vì người nghèo; xây dựng nông thôn mới.
Mỹ Hằng
Ý kiến bạn đọc