Mùa sầu riêng kém vui
Những ngày gần cuối tháng 9, vùng trọng điểm sầu riêng Krông Năng đang bước vào chính vụ thu hoạch. Khác với những năm trước, năm nay hầu hết các chủ vườn sầu riêng không có niềm vui trọn vẹn khi mà năng suất vừa không đạt, giá lại giảm rất nhiều.
Tất bật mùa thu hoạch
Thời điểm này, đi dọc tuyến đường về các xã của huyện Krông Năng dễ dàng bắt gặp hình ảnh tấp nập vận chuyển, buôn bán sầu riêng của người dân địa phương. Theo ghi nhận, mặc dù năm nay giá sầu riêng giảm so với năm 2018 nhưng lượng thương lái các nơi đổ về vẫn đông nên người dân có quyền mặc cả, lựa chọn thời điểm bán và bán cho ai.
Có mặt tại vườn sầu riêng của gia đình ông Khuất Duy Thái (thôn Ea Chăm, xã Ea Tân) vào sáng 25-9 vừa qua, chúng tôi cảm nhận được không khí tất bật của mùa vụ thu hoạch. Để có đủ lượng hàng hóa trong ngày, cả chục nhân công đang bận rộn hái, gom dưới sự giám sát của chủ hàng và chủ vườn. Theo đó, những quả chín được tách riêng để vận chuyển đi tiêu thụ ở những vùng lân cận trong thời gian sớm nhất. Còn lại những quả già được phân loại theo hàng loại 2, loại 3 và quả đạt chuẩn được xếp vào loại 1 để vận chuyển về điểm tập kết.
Theo lý giải của các thương lái, họ thu mua nguyên vườn và chịu trách nhiệm khâu thu hoạch nên để đạt được lợi nhuận cao nhất và hạn chế sự thất thoát, hư hỏng khi vận chuyển buộc phải thu hoạch theo đợt. Theo đó, bình quân mỗi vườn sẽ thu hái từ 2-3 đợt dựa vào sự đồng đều của vườn cây. Việc phân loại từ vườn sẽ ước lượng được số lượng hàng hóa tập kết mỗi ngày trước khi vận chuyển về nơi tiêu thụ. Điều này được thảo luận và có sự đồng thuận của các chủ vườn để bảo đảm sự sinh trưởng của vườn cây cũng như chất lượng trái sầu riêng khi thương mại trên thị trường.
Thương lái thu mua và tập kết sầu riêng của vườn gia đình anh Khuất Duy Thái (xã Ea Tân, huyện Krông Năng). |
Tại vườn sầu riêng của gia đình ông Lương Xuân Hưng (thôn Ea Chiêu, xã Ea Tân) những ngày này cũng liên tục có thương lái tìm đến xem, trả giá để thu mua. Tuy nhiên, hiện tại ông vẫn chưa quyết định bán vì giá sầu riêng xuống quá thấp. Được biết, dù có đến 7 ha đất nhưng do gia đình trồng xen nhiều loại cây nên hiện tại chỉ có khoảng 200 cây sầu riêng đang thời kỳ thu bói với sản lượng ước đạt 5 tấn.
Theo số liệu của Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Năng, toàn huyện hiện có khoảng 1.150 ha sầu riêng tập trung tại các xã Ea Tân, Ea Toh, Tam Giang, Phú Lộc… Trong đó, diện tích kinh doanh khoảng 400 ha, sản lượng năm 2018 đạt 6.760 tấn. Mặc dù cây sầu riêng được người dân địa phương trồng từ lâu nhưng diện tích không nhiều, chủ yếu là diện tích được trồng vào những năm 2014 và 2015.
Nông dân thất thu
Dù đang vào thời gian cao điểm của vụ thu hoạch nhưng với hầu hết các hộ dân trồng sầu riêng trên địa bàn tỉnh nói chung, xã Ea Tân nói riêng thì niềm vui không trọn vẹn. Theo nhiều tiểu thương, năm nay do sức mua của Trung Quốc - thị trường xuất khẩu sầu riêng chủ yếu của Việt Nam có nhiều biến động nên giá thu mua tại vườn của người dân cũng giảm rất mạnh, chỉ bằng khoảng 1/2 của năm trước. Đến thời điểm hiện nay, giá thu mua cao nhất chỉ khoảng 50.000 đồng/kg đối với loại được tuyển chọn.
"Trước bối cảnh thương mại nông sản ngày càng khó khăn như hiện nay, huyện đang khuyến khích người dân liên kết thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã để sản xuất theo hướng an toàn, bền vững. Qua đó, từng bước đồng nhất cách thức, quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và giá thành trước biến động của thị trường".
Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Krông Năng Cao Xuân Sơn
|
Ông Khuất Duy Thái chia sẻ, hiện tại vườn cây xen canh của gia đình có 180 cây sầu riêng, trong đó có 90 cây sầu riêng Dona đang thời kỳ kinh doanh cho sản lượng khoảng 27 - 28 tấn. Nhờ được chăm sóc kỹ lưỡng nên chất lượng, mẫu mã quả rất đẹp, bán được giá hơn so với các vườn khác trong vùng. Được biết, gia đình ông đã bán nguyên vườn cho thương lái với giá bán xô là 47 triệu đồng/tấn, ước lãi chỉ khoảng 500 – 600 triệu đồng. Ngoài ra, sau 3 đợt mưa gió vừa qua, vườn sầu riêng của gia đình ông bị sốc nhiệt, rụng non khoảng trên 2 tấn, vì thế so với năm 2018 thì năm nay gia đình thất thu khoảng 1 tỷ đồng.
Với vườn sầu riêng của gia đình ông Lương Xuân Hưng, do mới bắt đầu cho thu bói nên sản lượng đạt rất thấp. Cùng với đó, với phương pháp trồng thân thiện môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học nên hình thức quả sầu riêng không đạt theo tiêu chuẩn của bên thu mua khiến giá thành càng thấp hơn. Cụ thể, trong khi sầu riêng nhiều vườn bán ra với giá 45- 47 triệu đồng/tấn thì vườn ông Hưng thương lái trả giá cao nhất chỉ có 37 - 38 triệu đồng/tấn. Như vậy, với khoảng 200 cây sầu riêng của gia đình cho thu về không đến 200 triệu đồng chưa trừ chi phí.
Vườn sầu riêng của gia đình anh Lương Xuân Hưng. |
Theo ông Cao Xuân Sơn, Trạm trưởng Trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện, ngoài giá cả thu mua giảm thì mùa vụ năm nay năng suất sầu riêng cũng đạt thấp hơn năm trước khoảng 2 tấn/ha, một phần do ảnh hưởng thời tiết, phần khác do nhiều nông hộ vẫn chưa am hiểu lắm về quy trình kỹ thuật trồng, chăm sóc. Trước thực trạng trên, để góp phần phát triển sầu riêng theo hướng bền vững, từ đầu năm đến nay huyện đã tổ chức tập huấn quy trình trồng xen sầu riêng, bơ, hồ tiêu trong vườn cà phê và kỹ thuật phòng trừ sâu bệnh hại cho cây sầu riêng cho gần 1.200 lượt nông dân. Tới đây địa phương sẽ phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo để thúc đẩy người dân sản xuất theo quy trình, tiêu chuẩn an toàn như VietGAP, Global GAP… vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao tính cạnh tranh trong hội nhập.
Thúy Hường
Ý kiến bạn đọc