Nghề ép dầu đậu phộng ở Hòa Sơn
Xã Hòa Sơn (huyện Krông Bông) hiện có khoảng 120 ha đậu phộng (đậu lạc), chủ yếu trồng xen canh cùng với cây sắn. Thời gian qua, nhiều người dân trên địa bàn xã đã có thu nhập khá từ nghề ép dầu đậu phộng; tận dụng bánh dầu và các phụ phẩm sau khi ép để chăn nuôi bò rất hiệu quả.
Trước đây, nông dân xã Hòa Sơn chủ yếu thu hoạch đậu phộng về phơi khô rồi bán theo dạng nguyên liệu thô (đậu phộng nhân). Vào chính vụ (từ tháng 6 đến tháng 8 âm lịch hằng năm), các hộ đồng loạt thu hoạch đậu phộng, trung bình mỗi hộ từ vài tạ đến 1 tấn nhân. Số lượng đậu phộng thu hoạch nhiều, dồn dập trong một thời gian ngắn, người dân thường bị tư thương ép giá, hiệu quả kinh tế không cao. Trong khi đó, nếu giữ sản phẩm chờ được giá rồi mới bán thì khó bảo quản vì đậu phộng để lâu dễ bị mối mọt.
Trước thực trạng đó, là người chuyên đi thu mua đậu phộng nhiều năm, chị Trần Thị Trí (ở thôn 2, xã Hoà Sơn) trăn trở suy nghĩ tìm cách để đậu phộng của bà con nông dân được bán với giá cao hơn. Nhận thấy dầu đậu phộng ngày càng được tiêu thụ mạnh do phong trào ăn chay, thực dưỡng phát triển, chị Trí nảy sinh ý định ép dầu đậu phộng. Nghĩ là làm, ban đầu gia đình chị đã mày mò tạo ra máy ép dầu phộng trên cơ sở cải tạo lại chiếc máy xay cám cho bò của gia đình.
Đầu tiên, đậu phộng được cho vào máy xay nhỏ thành bột, sau đó hấp cách thủy trong nồi hơi khoảng 15 - 20 phút bọc kỹ trong 3 lớp bao nhựa PP sạch rồi mang ép bằng máy thủy lực lấy dầu. Tuy nhiên, do hầu hết các công đoạn đều làm thủ công nên dầu không để được lâu, vẫn còn mùi hăng, hao nhiều nguyên liệu, mất từ 2,5 - 2,8 kg đậu phộng mới cho ra được 1 lít dầu thành phẩm, hiệu quả kinh tế không cao.
Đến năm 2016, được Hội Liên hiệp Phụ nữ xã vận động cải tiến sản xuất, hỗ trợ vốn vay ưu đãi, chị Trí đã mạnh dạn vay vốn đầu tư dây chuyền ép dầu hiện đại với số vốn 150 triệu đồng mua máy bóc vỏ, máy xay nhân, máy ép dầu, máy lọc dầu có công suất 70 kg/giờ. Xác định khâu nguyên liệu đầu vào quyết định chất lượng sản phẩm, chị Trí đã liên kết sản xuất bao tiêu với những hộ trồng đậu phộng trong xã; đồng thời, thực hiện cam kết sản xuất đúng quy trình an toàn, bảo đảm nguyên liệu sạch ép lấy dầu.
Cơ sở ép dầu đậu phộng của chị Trần Thị Trí. |
Chị Trí chia sẻ kinh nghiệm, muốn cho ra lò sản phẩm dầu thơm ngon, có vị tự nhiên cần phải lựa chọn những hạt đậu mẩy, săn giòn không bị mốc, lép; trung bình cứ 2 kg đậu phộng thu được 1 lít dầu. Bằng cách làm này, mỗi vụ cơ sở ép dầu Trí Bích của chị đã thu mua từ 9 - 10 tấn đậu phộng cho bà con nông dân.
Từ trung tuần tháng 7-2019 đến nay, cơ sở ép dầu Trí Bích đã sản xuất cung cấp ra thị trường gần 3.000 lít dầu phộng, với giá bán bình quân 80.000 đồng/lít. Bình quân ép 1 tạ đậu phộng, chị Trí lãi được 700 nghìn đồng; mỗi vụ sau khi trừ mọi chi phí sản xuất, chị thu lãi 40 triệu đồng. Ngoài ra, chị còn tạo việc làm cho 5 - 6 lao động với mức thu nhập 250.000 đồng/người/ngày. Phụ phẩm bánh dầu được chị tận dụng nuôi 12 con bò nhốt chuồng vỗ béo; và bán cho bà con địa phương với giá 6.000 đồng/kg. Hiện nay, thu nhập từ nghề ép dầu phộng, nuôi bò và làm rẫy mang lại cho gia đình chị Trí khoảng 300 triệu đồng mỗi năm.
Ngoài hộ chị Trần Thị Trí, còn có 3 hộ khác ở thôn 1, xã Hòa Sơn cũng làm nghề ép dầu đậu phộng và đều có thu nhập khá. Như hộ ông Phạm Minh Huy (77 tuổi) bắt đầu làm nghề từ năm 2015, hiện nay, cơ sở ép dầu Minh Huy của ông sản xuất ổn định với 2 máy ép dầu công suất 50 kg/giờ. Vào chính vụ, mỗi ngày cơ sở tiêu thụ khoảng 1 tấn đậu phộng nguyên liệu, sản xuất được khoảng 300 lít dầu thành phẩm, tạo việc làm cho 3 - 4 lao động với mức thu nhập từ 250.000 – 300.000 đồng/người/ngày. Sau khi trừ mọi chi phí sản xuất, gia đình ông lãi 35 triệu đồng/vụ. Ngoài ra, ông Huy còn nhận ép dầu gia công cho các hộ trong xã, với giá 10.000 đồng/lít. Không chỉ góp phần tiêu thụ nông sản ở địa phương, cơ sở ép dầu Minh Huy còn tiêu thụ sản phẩm cho nhiều xã lân cận như: Dang Kang, Khuê Ngọc Điền, Hòa Lễ, Hòa Phong...
Ông Phạm Minh Huy trong cơ sở ép dầu phộng của gia đình. |
Nói về nghề ép dầu đậu phộng ở địa phương, ông Trương Văn Thanh, Chủ tịch Hội Nông dân xã Hòa Sơn, đánh giá: “Nghề ép dầu đậu phộng không chỉ mở ra một hướng phát triển kinh tế hiệu quả cho nhiều hộ dân, mà còn góp phần tiêu thụ nông sản tại chỗ, thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị, nâng cao hiệu quả kinh tế cho sản xuất trong nông nghiệp”.
Đoàn Dũng
Ý kiến bạn đọc