Nhiều khó khăn trong thực hiện Luật Quy hoạch
Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2019, lần đầu tiên được áp dụng đồng bộ tất cả quy hoạch và mang tính tích hợp rất cao nên việc tổ chức thực hiện Luật này tại Đắk Lắk nói riêng và cả nước nói chung còn gặp không ít khó khăn.
Tích cực triển khai
Luật Quy hoạch được Quốc hội thông qua ngày 27-11-2017 tại Kỳ họp thứ tư, Quốc hội khóa IV và chính thức có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Tiếp đó, tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội thông qua Luật sửa đổi 37 Luật có liên quan đến quy hoạch, có hiệu lực từ ngày 1-1-2019. Luật Quy hoạch là công cụ pháp lý rất quan trọng để các cấp, các ngành lãnh đạo, chỉ đạo toàn diện và thống nhất quản lý. Lần đầu tiên có một luật quy hoạch chung, trước đây nội dung này được thể hiện trong nhiều luật chuyên ngành.
Bên cạnh đó, Luật Quy hoạch còn là công cụ rất quan trọng giúp Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đề ra định hướng, mục tiêu chiến lược, xác định các động lực, không gian phát triển của mỗi ngành, địa phương và của cả quốc gia để bảo đảm cho sự phát triển đồng bộ, thống nhất, khai thác nguồn lực tiết kiệm, hiệu quả, bảo đảm cho phát triển bền vững.
Trung tâm Ngã sáu Buôn Ma Thuột. Ảnh: H.Gia |
Sau khi Luật Quy hoạch được ban hành và thực hiện Nghị quyết số 11/NQ-CP, ngày 5-2-2018 của Chính phủ về triển khai thi hành Luật Quy hoạch, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành, địa phương tiến hành rà soát, tổng hợp danh mục những quy hoạch đã được phê duyệt còn hiệu lực, các quy hoạch đang tiến hành lập, đã được lập, điều chỉnh, thẩm định mà chưa được phê duyệt để gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Chính phủ. Việc tổ chức phổ biến Luật Quy hoạch đến các sở, ban, ngành và các địa phương trong tỉnh cũng nhanh chóng được thực hiện.
Đồng thời, UBND tỉnh đã chỉ đạo thực hiện công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh và chỉ đạo các sở, ngành dừng việc lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch ngành, lĩnh vực và sản phẩm chủ yếu trên địa bàn tỉnh đang lập dang dở, tiến hành xử lý các tồn tại theo quy định của pháp luật. UBND tỉnh cũng đã ra Quyết định bãi bỏ 32 quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ trên địa bàn tỉnh, trong đó có 2 quy hoạch thuộc lĩnh vực giao thông vận tải, 5 quy hoạch thuộc lĩnh vực xây dựng; 8 quy hoạch thuộc lĩnh vực công thương… Ngoài ra, để thực hiện việc lập quy hoạch tỉnh, UBND tỉnh đã bố trí kinh phí 20 tỷ đồng thuộc ngân sách địa phương trong kế hoạch vốn xây dựng cơ bản năm 2019.
Khó thực hiện theo lộ trình
Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Đinh Xuân Hà cho biết, theo quy định của Luật Quy hoạch, Chính phủ phải xây dựng Quy hoạch tổng thể quốc gia trình Quốc hội phê duyệt; các bộ, ngành xây dựng quy hoạch ngành quốc gia, các địa phương xây dựng quy hoạch tỉnh trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước ngày 31-12-2020.
Tuy nhiên, tỉnh ta khó có thể thực hiện theo đúng yêu cầu vì gặp phải nhiều khó khăn trong việc triển khai xây dựng quy hoạch tỉnh mà khó khăn đầu tiên phải kể đến là Trung ương chậm ban hành các văn bản hướng dẫn. Trong khi Luật Quy hoạch có hiệu lực từ 1-1-2019, nhưng hơn 5 tháng sau, đến ngày 7-5-2019 Nghị định 37/2019/NĐ-CP về quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Quy hoạch mới được ban hành.
Hơn nữa, để lập quy hoạch tỉnh thì trước hết cần phải có hướng dẫn về lập dự toán kinh phí cho lập quy hoạch, nhưng đến ngày 17-5-2019, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới ban hành Thông tư hướng dẫn, trong khi Thông tư này đến ngày 1-7-2019 mới có hiệu lực. Việc chậm ban hành các văn bản hướng dẫn làm cho quá trình triển khai Luật Quy hoạch trên địa bàn tỉnh bị chậm lại, hiện mới chỉ ở những bước đầu tiên.
Một góc đô thị Buôn Ma Thuột. Ảnh: H.Gia |
Một khó khăn nữa là việc tích hợp nội dung gì vào quy hoạch chung của tỉnh trong khi những quy hoạch ngành đã bãi bỏ và quản lý những quy hoạch đã bỏ này như thế nào khi chưa có quy hoạch mới thay thế? Bởi theo Luật Quy hoạch thì quy hoạch phát triển ở cấp tỉnh hiện nay chỉ còn quy hoạch tỉnh, các quy hoạch ngành, lĩnh vực đều tích hợp vào quy hoạch tỉnh, nhưng tích hợp như thế nào, chọn bao nhiêu ngành, lĩnh vực để đưa vào tích hợp, các huyện cần tích hợp những nội dung nào… thì vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể.
Hiện nay, các tỉnh thành đều chờ đợi phê duyệt Quy hoạch tổng thể quốc gia mới căn cứ vào đó làm quy hoạch vùng và quy hoạch tỉnh, nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các bộ, ngành vẫn đang hoàn thiện Quy hoạch tổng thể quốc gia để trình Chính phủ xem xét và dự tính sẽ trình Quốc hội vào giữa năm 2021. Dự kiến đến kỳ họp Quốc hội cuối năm 2021 mới được thông qua. Như vậy trong hơn 2 năm nữa, nhiều dự án sẽ bị ngừng trệ, ảnh hưởng đến phát triển kinh tế - xã hội. Đặc biệt, theo đề xuất thay đổi cách phân chia vùng kinh tế của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tỉnh Đắk Lắk nằm trong số các tỉnh dự kiến thay đổi chia lại vùng kinh tế của cả nước càng gây khó khăn cho định hướng phát triển quy hoạch.
Để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai Luật Quy hoạch, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về triển khai Luật Quy hoạch vào trung tuần tháng 7 vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các bộ, ngành sớm trình Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội hướng dẫn một số điều liên quan đến Luật Quy hoạch, trong đó phải thực hiện đồng bộ, đồng thời, để có thể đáp ứng yêu cầu cho đầu tư phát triển nhưng vẫn bảo đảm đồng bộ giữa các quy hoạch. |
Khả Lê
Ý kiến bạn đọc