Nông dân xã vùng III Cư Prao điêu đứng vì hạn
Nắng hạn kéo dài nhiều tháng liền khiến gần 2.000 ha cây trồng của người dân thuộc xã vùng III Cư Prao (huyện M’Đrắk) khô héo, đứng trước nguy cơ mất trắng.
Gia đình bà Vũ Thị Oanh (thôn 4) có 3 ha mía trồng năm thứ 3. Giữa tháng 5 vừa qua, trời đổ cơn mưa đầu mùa nên gia đình tập trung chăm sóc, bón phân cho cây. Thế nhưng từ đó đến cuối tháng 8, trời chẳng có mưa khiến cả vườn mía bị héo rụi, “bạc đầu” từ gốc tới ngọn. Gia đình bà chỉ có một giếng nước đủ để ăn uống sinh hoạt hằng ngày; còn nguồn nước tưới cây trồng đều phụ thuộc vào “nước trời”.
Bà Oanh than thở: "Với 3 ha mía, năm 2018 gia đình tôi thu được trên 200 triệu đồng, còn vụ năm nay không biết được bao nhiêu. Bởi hiện tại những cây mía nhỏ đã chết rụi, cây to ra được 2-3 lóng (đốt mía) cũng teo tóp vì thiếu nước. Tiền mua phân bón, thuốc trừ sâu... chủ yếu ký nợ đại lý, chờ sau thu hoạch sẽ trả. Nhưng vụ mía năm nay coi như mất trắng, ước tính thiệt hại gần 100 triệu đồng. Không biết lấy đâu ra tiền để trả nợ cho người ta...". Không chỉ cây mía mà 2 ha ngô xuống giống hơn 45 ngày của gia đình bà cũng héo queo vì hạn.
Vườn mía gia đình bà Vũ Thị Oanh héo khô vì hạn. |
Không riêng gì ngô hay mía, sắn (mì) là loại cây trồng có khả năng chịu hạn tốt nhưng cũng không thể phát triển được dưới sức nóng dai dẳng của nắng hạn. Anh Y Viên Mlô (buôn Zô) cho biết, nhà anh có 3 ha sắn trồng được 2 tháng. Từ khi xuống giống đến nay trời không mưa khiến cả rẫy sắn chết khô khi mới nhú mầm. Một số ít cây còn sống sót thì cao chưa tới đầu gối. Đây là giai đoạn quan trọng để cây sắn phát triển, tạo củ... Nếu không cung cấp đủ nước, dinh dưỡng sẽ ảnh hưởng lớn đến năng suất.
Hiểu điều này song anh Y Viên đành bất lực, phó mặc cho trời bởi rẫy sắn nằm tít trên đồi cao, việc bơm nước lên cứu là điều không thể thực hiện. Tương tự, gia đình anh Y Sóc Niê (buôn Zô) cũng trông mưa từng ngày để cứu ruộng lúa đang cháy khô vì nắng hạn. Ruộng lúa nhà anh nằm len lỏi giữa những đồi núi cao. Trước giờ, cây lúa sinh trưởng phát triển đều nhờ vào mạch nước ngầm rỉ từ trên đồi xuống. Từ khi nắng hạn, mạch nước tắt hẳn nên cây lúa cũng héo rụi theo. Rẫy lúa này là nguồn lương thực cho cả gia đình anh... nay đã bị cháy khô.
Anh Y Sóc Niê bên ruộng lúa héo rụi. |
Theo thống kê của UBND xã Cư Prao, tính đến ngày 30-8, toàn xã có 1.907,8 ha cây trồng (gồm cây lúa, ngô, mía, sắn) bị ảnh hưởng do nắng hạn. Trong đó, 100% diện tích cây sắn (552,6 ha) và cây mía (1.250 ha) bị thiệt hại ở mức độ từ 30-70%. Ông Y Yi Niê Kdăm, Phó Chủ tịch UBND xã Cư Prao cho biết, năm nay hạn nặng, hết tháng 7 âm lịch vẫn chưa có mưa nên nhiều diện tích ngô, lúa, mía vụ hè thu này coi như mất trắng. Do địa hình đồi núi chia cắt, ao suối nhỏ lẻ, không có hệ thống thủy lợi nên việc gieo trồng đều phụ thuộc vào “nước trời”. Cư Prao thuộc xã vùng III, đời sống người dân đã khó khăn nay càng khốn khó hơn khi thời tiết thay đổi thất thường. Hiện UBND xã đã đề nghị huyện M’Đrắk có cơ chế hỗ trợ giống, vật tư cho nông dân xuống giống vụ mới.
Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc