Multimedia Đọc Báo in

Sản xuất tinh dầu: Thêm hướng đi bền vững cho nhóm cây có múi

12:29, 26/09/2019

Từ những trái cam, quýt không đạt yêu cầu, bị loại bỏ trong quá trình chăm sóc vườn cây, Hợp tác xã Nông nghiệp - Thương mại - Dịch vụ vận tải Thành Công (HTX Thành Công) ở huyện Ea Kar đã tận dụng chế biến thành công sản phẩm tinh dầu cam, quýt.

HTX Thành Công có vùng nguyên liệu trồng các loại cây có múi hơn 110 ha, sản lượng mỗi vụ đạt khoảng 1.000 tấn cam, quýt, bưởi. Để định hướng các thành viên nâng cao giá trị sản phẩm, từ năm 2017, HTX đã xây dựng được 7,8 ha sản xuất theo Chứng nhận VietGAP, thực hiện truy xuất nguồn gốc và bán sản phẩm được chứng nhận cho nhiều đối tác trong và ngoài tỉnh.

Theo ông Trương Phú Định, Giám đốc HTX Thành Công, trước đây các thành viên HTX canh tác theo kiểu “được bao nhiêu, ăn bấy nhiêu” mà không quan tâm nhiều đến việc cắt tỉa, tuyển chọn trái ngay từ đầu. Khi canh tác theo quy trình VietGAP, HTX định hướng thành viên chỉ nuôi trái vừa đủ với sức của cây, không quá 40 kg/vụ đối với cam, quýt và không quá 50 kg/vụ đối với bưởi. Bà con nông dân sẽ phải tỉa bớt trái khi còn non để đảm bảo những trái được tuyển chọn phát triển tốt, đồng đều, mẫu mã đẹp. Cách làm này còn giúp tăng tuổi thọ và sức chống chịu sâu bệnh tự nhiên cho cây.

HTX Thành Công giới thiệu sản phẩm tinh dầu cam quýt đến khách hàng.
HTX Thành Công giới thiệu sản phẩm tinh dầu cam quýt đến khách hàng.
 

"Diện tích cây có múi toàn tỉnh khá lớn, trên 1.300 ha nên tiềm năng về phát triển chế biến tinh dầu từ vỏ quả cam, quýt là rất lớn. HTX đang tích cực tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm, tiến tới mở rộng quy mô sản xuất".

 

 
Ông Trương Phú Định, Giám đốc HTX  Thành Công

Với cách làm này, tỷ lệ trái non tỉa bỏ trong mỗi vụ lên đến khoảng 40%, thường nằm rải rác bên dưới gốc và tự phân hủy dần theo thời gian. Điều này đã làm cho độ pH trong đất giảm, tác động xấu đến chất đất và quy trình sản xuất.

Từ thực tế đó, Ban Giám đốc HTX đã nảy ra ý tưởng tận dụng trái non để sản xuất tinh dầu, tiến vào phân khúc thị trường các sản phẩm chăm sóc sức khỏe và làm đẹp. Tuy nhiên, quá trình hình thành nên sản phẩm cũng không hề dễ dàng. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, lại chưa xử lý tốt các công đoạn nên việc sản xuất tinh dầu không thành công.

Không cam chịu thất bại, các thành viên của HTX dành thời gian đi khắp trong và ngoài tỉnh để học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Mất hàng năm trời thử nghiệm nhiều cách chiết xuất tinh dầu khác nhau, đến tháng 9 vừa qua, HTX mới tạo ra được sản phẩm hoàn thiện. Hiện HTX bắt đầu sản xuất tinh dầu từ các trái cây cam, quýt, với nhiều công đoạn như: ngâm, sục rửa, ép bỏ nước, nghiền, chưng cất, ủ…

Tinh dầu được chiết xuất từ vỏ cam, quýt non có mùi thơm dịu nhẹ, có tác dụng kháng khuẩn, khử mùi, giảm stress, giải cảm, chống lão hóa… được ứng dụng rộng rãi trong đời sống qua các hình thức xông hương khuếch tán, xông hơi hoặc massage trị liệu. Các sản phẩm tinh dầu của HTX cũng đã được cơ quan chức năng kiểm định chất lượng và chứng nhận đủ điều kiện sản xuất an toàn. Dù mới ra mắt thị trường gần một tháng, nhưng sản phẩm đã đạt lượng tiêu thụ khá cao dưới hình thức bán tinh dầu nguyên liệu và bán lẻ. Một số đơn vị đã đặt hàng HTX cung ứng lâu dài các sản phẩm từ tinh dầu.

Sản phẩm cam  đạt chuẩn VietGAP  của HTX Thành Công.
Sản phẩm cam đạt chuẩn VietGAP của HTX Thành Công.

Ngoài việc tăng thêm lợi nhuận từ việc sản xuất tinh dầu, HTX còn tận dụng phần bã, lõi của cam quýt non ủ phân hữu cơ để bón cho vườn cây và đang tiếp tục nghiên cứu hướng biến dịch chiết từ trái non thành chế phẩm sinh học phòng trừ sâu hại trên cam, quýt, bưởi. HTX cũng tiếp tục mở rộng diện tích canh tác được chứng nhận VietGAP lên 40 ha để đủ sản phẩm trái cây sạch cung ứng cho các đối tác và tăng vùng nguyên liệu sản xuất tinh dầu. Đây cũng là đơn vị tiên phong trên địa bàn tỉnh trong việc chiết xuất tinh dầu từ cây có múi, mở hướng canh tác bền vững loại cây này trong tương lai.

Minh Thuận - Đinh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.