Tiện ích từ ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế
Xác định công nghệ thông tin là một trong những giải pháp quan trọng trong công tác cải cách hành chính thuế, Chi cục Thuế huyện Krông Pắc đã và đang đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lĩnh vực này.
Với mục tiêu đẩy mạnh triển khai các dịch vụ thuế điện tử giúp giảm chi phí tài chính, tiết kiệm thời gian cho người nộp thuế và cơ quan Thuế, Chi cục Thuế huyện Krông Pắc đã triển khai nhiều ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác quản lý thuế theo hệ thống. Đơn cử như Ứng dụng báo cáo tài chính doanh nghiệp (BCTC); Ứng dụng thanh tra, kiểm tra (TTR); Ứng dụng hỗ trợ kiểm tra nội bộ (KTNB), Ứng dụng tập trung cơ sở dữ liệu thông tin người nộp thuế tại Tổng cục Thuế (TPH); Ủy nhiệm thu thuế (UNTT); Quản lý hóa đơn, ấn chỉ (QLAC)…
Cán bộ Chi cục Thuế huyện Krông Pắc kiểm tra hóa đơn điện tử của các doanh nghiệp . |
Ông Lê Đình Thế, Chi Cục trưởng Chi cục Thuế huyện Krông Pắc chia sẻ, mỗi ứng dụng chuyên sâu về mỗi lĩnh vực riêng biệt của ngành giúp đơn vị quản lý có hiệu hoạt động thu ngân sách tại địa phương. Trong đó nổi trội nhất là Ứng dụng quản lý thuế tập trung (TMS). Theo đó, việc quản lý thuế được hệ thống xử lý tự động tối đa các nghiệp vụ về đăng ký thuế, hồ sơ khai thuế, chứng từ nộp thuế, tính chậm nộp, tạo thông báo nợ, giám sát hoàn thuế... vừa giảm bớt thao tác thủ công, vừa tiết kiệm thời gian cho cán bộ thuế. Nhờ đó, công tác xử lý dữ liệu về thuế tại đơn vị được thực hiện nhanh chóng, kịp thời. Cũng qua hệ thống này, cán bộ thuế có thể khai thác thông tin trên ứng dụng để nắm tình hình số thuế, chứng từ phải nộp để kịp thời đôn đốc thu thuế, thu nợ thuế theo nhiệm vụ được giao.
134,2 tỷ đồng là tổng thu ngân sách nhà nước của huyện Krông Pắc trong 8 tháng qua, đạt 126% dự toán HĐND huyện giao. |
Việc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý thuế được thực hiện đồng bộ theo từng cấp trong ngành và từ người nộp thuế đến cơ quan quản lý thuế. Bà Trần Thị Vương, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Nữ Vương (xã Ea Phê) cho hay, do đặc thù mặt hàng kinh doanh là hàng hóa tiêu dùng hằng ngày như xà bông, sữa, mì tôm, bột giặt, nước rửa chén… cung cấp cho các cơ sở bán sỉ, lẻ trên địa bàn huyện và các địa phương lân cận nên số lượng hóa đơn, chứng từ hằng ngày rất nhiều.
Với cách làm truyền thống là sử dụng hóa đơn quyển mua tại cơ quan thuế với số lượng nhất định trong mỗi lần mua, khi sử dụng hết mới được mua đợt tiếp theo doanh nghiệp rất bị động. Có nhiều trường hợp các cửa hàng trong chuỗi phân phối hết hàng, hàng tại kho của đơn vị đã chất lên xe tải nhưng chưa vận chuyển được vì phải chờ hóa đơn. Vì thế, khi ngành Thuế có chủ trương cho doanh nghiệp đặt in hóa đơn giá trị gia tăng đầu vào thì doanh nghiệp đã hoàn thiện thủ tục đăng ký với cơ quan Thuế về việc sử dụng hóa đơn giá trị gia tăng lần đầu đặt in theo mẫu và thuê nhà in tại TP. Hồ Chí Minh in với số lượng 50 thùng/lần (khoảng 1.000 cuốn), dùng trong 3 tháng.
Người nộp thuế khởi tạo hóa đơn điện tử trên hệ thống. |
Tuy nhiên, với hóa đơn đặt in theo mẫu, doanh nghiệp chỉ chủ động trong quá trình sử dụng còn chi phí lại cao hơn hóa đơn quyển mua tại cơ quan Thuế do phải đầu tư kho bảo quản hóa đơn chưa sử dụng, hóa đơn đã sử dụng và chi phí vận chuyển hóa đơn. Do đó, chủ trương khuyến khích doanh nghiệp sử dụng hóa đơn điện tử đã đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp nên khi có chủ trương này, đơn vị đã thực hiện các thủ tục liên quan để đăng ký và chính thức chuyển đổi sang sử dụng hóa đơn điện tử tháng 11-2017.
Qua gần 2 năm sử dụng, hóa đơn điện tử đã thúc đẩy đơn vị ứng dụng công nghệ thông tin, tiết giảm thời gian, chi phí khi thực hiện thủ tục hành chính thuế. Đặc biệt, dựa vào hệ thống hóa đơn điện tử, doanh nghiệp dễ dàng hạch toán kinh doanh theo từng giai đoạn để có những điều chỉnh nhất định, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh.
Tương tự, dịch vụ thuế điện tử eTax cũng được ngành Thuế địa phương triển khai rộng rãi và mang đến những kết quả tích cực cho người nộp thuế. Chị Châu Thị Anh Diễn, đại diện một doanh nghiệp trên địa bàn huyện chia sẻ, việc sử dụng dịch vụ thuế điện tử kết hợp hóa đơn điện tử giúp doanh nghiệp tiết kiệm nhân công, chi phí và quản lý tốt hơn hoạt động kê khai thuế, kế toán thuế của đơn vị.
Theo thống kê của Chi cục Thuế huyện, Krông Pắc hiện có 449 doanh nghiệp, tổ chức đăng ký nộp thuế tại Chi cục ( 287 doanh nghiệp, 162 tổ chức khác). Tính đến đầu tháng 9-2019, toàn huyện có 70 đơn vị đăng ký sử dụng hóa đơn điện tử (21 đơn vị doanh nghiệp, 49 tổ chức khác). Về kê khai nộp thuế điện tử, Chi cục hoàn thành 3 chỉ tiêu, với 100% doanh nghiệp trên địa bàn thực hiện tốt công tác kê khai nộp thuế điện tử.
Thanh Hường
Ý kiến bạn đọc