Multimedia Đọc Báo in

Tìm chỗ đứng cho nông sản Đắk Lắk tại Đồng Tháp

14:16, 14/09/2019

Bắt đầu có những tín hiệu tích cực khi sau lần kết nối giao thương đầu tiên vào đầu năm 2019, nông sản của tỉnh Đắk Lắk đã có mặt ở thị trường Đồng Tháp. Thời gian tới hai địa phương nỗ lực để cùng bắt tay, kết nối tìm đầu ra ổn định cho các nông sản thế mạnh.

Theo ông Huỳnh Kim Khuê, Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại, Du lịch và Đầu tư tỉnh Đồng Tháp, cà phê là mặt hàng không xa lạ với nhu cầu tiêu dùng của nhiều người, ở Đồng Tháp cũng vậy. Vấn đề mà nhiều doanh nghiệp (DN) của Đồng Tháp quan tâm là lựa chọn thương hiệu nào để phân phối, phục vụ người tiêu dùng địa phương. Tại hội nghị kết nối giao thương giữa tỉnh Đắk Lắk và Đồng Tháp được tổ chức lần đầu vào đầu năm 2019, một số DN của Đồng Tháp đã tìm hiểu, kết nối với Cà phê Phượng (TP. Buôn Ma Thuột) để mang sản phẩm uy tín này của địa phương về phân phối tại thị trường Đồng Tháp và bước đầu được người tiêu dùng đón nhận nhiệt tình.

Doanh nghiệp, hợp tác xã  hai tỉnh Đắk Lắk và Đồng Tháp tìm hiểu sản phẩm của nhau tại Hội nghị kết nối giao thương.
Doanh nghiệp, hợp tác xã hai tỉnh Đắk Lắk và Đồng Tháp tìm hiểu sản phẩm của nhau tại Hội nghị kết nối giao thương.

Sau cuộc gặp gỡ đó, khâu xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm giữa hai địa phương càng được chú trọng. Mới đây, vào cuối tháng 8, Hội nghị kết nối giao thương lần thứ hai tiếp tục được Sở Công thương hai tỉnh phối hợp tổ chức tại TP. Buôn Ma Thuột, với sự tham gia của 58 DN, hợp tác xã (HTX), nhà phân phối của hai tỉnh Đắk Lắk và Đồng Tháp.

Tại hội nghị này, các DN, HTX, nhà phân phối của hai tỉnh đã trao đổi thông tin về năng lực sản xuất, khả năng cung ứng đối với các sản phẩm của nhau. 58 DN, HTX, nhà phân phối có mặt tại hội nghị cũng đã bàn bạc nhiều vấn đề làm thế nào để kết nối, thúc đẩy tiêu thụ, mở rộng thị trường hàng hóa của nhau tại hai địa phương. Đây được cho là hoạt động cần thiết và có ý nghĩa thiết thực để cung cấp thông tin, nắm bắt nhu cầu thị trường nhằm kết nối giao thương, tạo điều kiện giúp DN, HTX, nhà phân phối của hai tỉnh phát triển thị trường tiêu thụ hàng hóa.

Trên thực tế, mỗi tỉnh có những sản phẩm đặc thù riêng. Tỉnh Đắk Lắk có các sản phẩm chủ lực như cà phê bột, bơ, mắc ca, ca cao, trà thảo dược, tinh dầu sả, mật ong, tinh bột nghệ. Phía Đồng Tháp có hủ tiếu khô, bánh phồng tôm, mãng cầu sấy, các sản phẩm làm từ bột gạo... Vấn đề còn lại là cần sự liên kết để đưa sản phẩm của mỗi tỉnh đi xa. Điểm nhấn của hội nghị lần thứ hai này là các DN đã bắt tay nhau để cung ứng những sản phẩm thế mạnh có chất lượng, với mức giá cạnh tranh đến người tiêu dùng ở mỗi địa phương.

Ông Nguyễn Phước Trí, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Khánh Thu (tỉnh Đồng Tháp) cho hay, DN của ông chuyên sản xuất, kinh doanh các sản phẩm trà từ cây sen và các loại thảo dược. Gặp được người trực tiếp sản xuất ra sản phẩm trà thảo mộc của HTX Hợp Nhất (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) tại hội nghị, ông Trí cho rằng đây là cơ hội cho những người làm nông sản an toàn gặp gỡ nhau để cùng kết nối tiêu thụ, làm phong phú thêm dòng sản phẩm ở lĩnh vực này để phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng địa phương. Không bỏ lỡ cơ hội, DN Khánh Thu và HTX Hợp Nhất đã ký kết biên bản ghi nhớ, hợp tác để đặt mối quan hệ phân phối, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm trà thảo mộc của Đắk Lắk tại Đồng Tháp.

Hội nghị kết nối giao thương thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hai tỉnh.
Hội nghị kết nối giao thương thu hút sự quan tâm của nhiều doanh nghiệp, hợp tác xã hai tỉnh.

Ở một góc độ khác, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công bằng Ea Tu (Đắk Lắk) và Công ty Cổ phần Công nghệ và Du lịch Thành phố Hoa (tỉnh Đồng Tháp) cũng tìm hiểu và ký kết biên bản ghi nhớ hợp tác dài lâu.

Ông Trần Đình Trọng, Giám đốc HTX luôn tâm niệm rằng, sản phẩm làm ra nếu biết lấy chất lượng làm tiêu chí của sự phát triển thì sẽ dễ dàng xâm nhập vào thị trường và chinh phục người tiêu dùng. Với tâm niệm đó, cùng với việc sản xuất, chế biến cà phê theo tiêu chuẩn Fairtrade thì HTX cũng không ngừng cải tiến về mẫu mã bao bì và cách làm thương hiệu. Nhận được sự quan tâm, đặt mối quan hệ hợp tác với DN tỉnh Đồng Tháp lần này, đó tuy chỉ là bước khởi đầu nhưng rất có ý nghĩa để tạo động lực cho những người làm ra sản phẩm sạch ở HTX. Phía Công ty Cổ phần Công nghệ và Du lịch Thành phố Hoa cũng tin tưởng, đơn vị sẽ là kênh quảng bá tin cậy để tiêu thụ sản phẩm, mở rộng thị trường đối với mặt hàng cà phê của HTX.

Theo ông Huỳnh Kim Khuê, cùng với nỗ lực của các DN, HTX, Trung tâm xúc tiến thương mại của hai địa phương đã và đang có nhiều hoạt động hỗ trợ các DN, HTX, nhà phân phối để xúc tiến đầu ra cho nông sản. Phía Trung tâm sẽ là "cầu nối", cung cấp thông tin về doanh nghiệp, thị trường cũng như hỗ trợ, tạo điều kiện để DN, HTX của tỉnh Đắk Lắk quảng bá, giới thiệu sản phẩm qua các kênh như chợ đầu mối, siêu thị, cửa hàng tiện lợi, hội chợ triển lãm tại Đồng Tháp và tiến tới thành lập hệ thống đại lý. Song quan trọng nhất vẫn là những cam kết về chất lượng từ phía nhà sản xuất giữa hai địa phương.

Nhiều DN, HTX có mặt tại Hội nghị kết nối giao thương lần thứ hai đều cho rằng, hầu hết DN giữa hai địa phương đều là DN vừa và nhỏ nên cơ hội để sản phẩm vươn xa còn hạn hẹp. Do đó để mở rộng thị trường tiêu thụ, bên cạnh nỗ lực của DN, HTX, sự bắt tay của các nhà sản xuất, rất cần đến sự hỗ trợ của các cấp chính quyền, cơ quan chức năng liên quan.

Đỗ Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.