Multimedia Đọc Báo in

Trăn trở việc làm cho lao động các lò gạch ở Ea Uy

07:50, 07/09/2019

Trước khó khăn về nguồn vốn, nguyên liệu và cả thị trường đầu ra, các lò gạch nung trên địa bàn xã Ea Uy (huyện Krông Pắc) đang đứng trước nguy cơ giải thể vì không thể chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung hoặc gạch tuynel. Điều đáng lo ngại hơn nữa là hàng trăm lao động ở các lò gạch này cũng mất đi việc làm.

Theo Quyết định số 35/2014/QĐ-UB, ngày 13-10-2014 của UBND tỉnh về lộ trình chấm dứt sản xuất gạch đất sét bằng lò thủ công, thủ công cải tiến, lò đứng liên tục, lò vòng sử dụng nhiên liệu hóa thạch (than, dầu khí), lò vòng, lò vòng cải tiến không sử dụng nhiên liệu hóa thạch mà sử dụng phế liệu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh (Quyết định 35), ngoài việc không được cấp mới thì các cơ sở đang hoạt động hoặc đang trong quá trình đầu tư xây dựng chỉ được phép hoạt động đến năm 2020. Sau thời hạn trên, nếu không chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung hoặc công nghệ lò tuynel thì buộc phải đóng cửa. Tuy nhiên, đến thời điểm này, dù thời hạn chuyển đổi chỉ còn vài tháng nhưng trên địa bàn xã Ea Uy mới chỉ có 1 lò gạch chuyển sang sản xuất gạch tuynel, còn 17 cơ sở còn lại vẫn sản xuất gạch bằng lò nung và đang đứng trước nguy cơ giải thể.

Lao động bốc xếp gạch tại một cơ sở trên địa bàn xã Ea Uy.
Lao động bốc xếp gạch tại một cơ sở trên địa bàn xã Ea Uy.

Ông Phan Công Cường, chủ một lò gạch trên địa bàn xã chia sẻ, lò gạch của gia đình ông đã hoạt động hơn 15 năm nay, giải quyết việc làm thường xuyên cho khoảng 20 lao động với mức lương từ 250.000 - 300.000 đồng/người/ngày. Trước đó, năm 2009, khi UBND tỉnh có chủ trương chuyển đổi từ lò gạch đốt củi sang công nghệ lò nung đứng, gia đình ông đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để san lấp mặt bằng xây dựng lò đứng, nhà bạt để sản xuất gạch. Đó là chưa kể, trong quá trình sử dụng thường xuyên phải bổ sung kinh phí để cải tạo, tu bổ lò gạch. Đến nay, chỉ mới 10 năm sử dụng, số tiền vốn thu hồi chưa thấm vào đâu đã có chủ trương chuyển đổi khiến gia đình ông rơi vào tình trạng "rối như tơ vò".

Cũng trong tâm trạng lo lắng, chị Nguyễn Thị Lan (thôn Tân Lợi 2) làm công nhân bốc gạch (tại lò gạch của ông Cường) hơn 4 năm bày tỏ, gia đình có 5 người nhưng không có đất sản xuất nên cuộc sống khá chật vật. Cũng may, những năm qua nhờ nghề bốc xếp gạch với mức thu nhập khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng đã giúp chị trang trải chi phí sinh hoạt và lo cho 3 đứa con đang đi học. Bây giờ, trước thời hạn chuyển đổi không còn xa, chủ lò gạch đã báo trước không có khả năng chuyển đổi mô hình sản xuất nên chị và các lao động khác đang đứng trước nguy cơ mất việc làm.

Có thể nói, quy định chuyển đổi sản xuất gạch nung sang gạch không nung là cần thiết, góp phần tiết kiệm tài nguyên đất sét, giảm gây ô nhiễm môi trường và nâng cao chất lượng sản phẩm. Tuy nhiên, quyết định này cũng đã tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người dân bởi hiện tại các cơ sở sản xuất gạch giải quyết công ăn việc làm cho hàng trăm lao động ở địa phương; trong đó khoảng 60% lao động là đồng bào dân tộc thiểu số (người Xê Đăng và Êđê). Điều đặc biệt ở đây là đa số các lao động nói trên phần lớn thuộc diện nghèo hoặc khó khăn về kinh tế, bản thân họ thiếu tư liệu sản xuất nên nếu mất việc làm sẽ tác động đến đời sống của cả gia đình.

Mong muốn của các chủ lò gạch hiện nay là cho lùi lại thời gian đóng cửa lò để cơ sở sản xuất thu hồi lại nguồn vốn đã đầu tư, cũng như để địa phương tìm hướng giải quyết việc làm cho người lao động hoặc tạo điều kiện cho các lò gạch vay vốn để chuyển đổi sản xuất.

Ông Nguyễn Văn Vui, Giám đốc Hợp tác xã Công nghiệp sản xuất gạch Ea Uy cho biết: “Hiện nay, 17 lò gạch trên địa bàn xã đều là thành viên của Hợp tác xã đang đứng trước nguy cơ phá sản, đóng cửa vì không có đủ chi phí để chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung. Bởi để thực hiện Quyết định số 71/2004/QĐ-UB, ngày 29-11-2004 của UBND tỉnh về việc ban hành quy định chuyển đổi công nghệ sản xuất gạch đất sét nung - lò gạch liên tục kiểu đứng trên địa bàn tỉnh, năm 2009 các lò gạch phải vay mượn đầu tư trên dưới 2 tỷ đồng mà đến nay có cơ sở còn chưa trả hết nợ. Bây giờ nếu chuyển đổi sang sản xuất gạch không nung thì mỗi lò phải đầu tư 10 - 20 tỷ đồng thì lấy đâu ra mà làm”. Đó là chưa kể việc sản xuất gạch không nung còn gặp khó trong việc tiếp cận và kết nối thị trường tiêu thụ vì thực tế gạch không nung rất ít được người dân tiếp nhận; việc sản xuất gạch không nung, gạch tuynel cũng tốn nguyên liệu hơn so với sản xuất gạch nung nên giá thành khá cao…

Ông Nguyễn Văn Vui (bìa trái) kiểm tra tình hình hoạt động của một cơ sở sản xuất gạch  trực thuộc Hợp tác xã công nghiệp Ea Uy.
Ông Nguyễn Văn Vui (bìa trái) kiểm tra tình hình hoạt động của một cơ sở sản xuất gạch trực thuộc Hợp tác xã công nghiệp Ea Uy.

Theo số liệu thống kê của UBND xã Ea Uy, toàn xã có 18 cơ sở sản xuất gạch với 35 cửa lò hoạt động thường xuyên, giải quyết việc làm cho gần 300 lao động với mức lương bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng. Riêng trong 6 tháng đầu năm 2019, các lò gạch đã sản xuất khoảng 30 triệu viên gạch thu về 12,2 tỷ đồng. Tuy nhiên, đến nay vấn đề giải quyết việc làm cho lao động ở các lò gạch phải đóng cửa nếu không chuyển đổi thì vẫn đang là bài toán chưa có lời giải.

Đây cũng là thực trạng chung của các chủ lò gạch và người lao động ở các địa phương trong toàn tỉnh. Do đó, để thực hiện chuyển đổi theo đúng lộ trình ngoài sự trợ lực, tạo điều kiện của Nhà nước, nhận thức của các chủ sản xuất và đón nhận của xã hội thì việc làm cấp thiết nữa là bố trí, tạo điều kiện giúp lao động ở các lò gạch có công ăn việc làm, ổn định cuộc sống.

Thúy Hường


Ý kiến bạn đọc