Vất vả nghề mưu sinh trên… cây
Ít ai biết rằng, để có những trái cây đẹp mắt, tươi ngon đến tay người tiêu dùng, ngoài sự vất vả của người trồng, còn tốn không ít mồ hôi công sức của những người hái trái thuê.
Anh Nguyễn Văn Quang (xã Hòa An) đã làm nghề hái thuê được 15 năm. Bất kể nắng hay mưa, hằng ngày anh đều đến nhiều huyện xa như Lắk, Krông Bông, Krông Năng… tìm các vườn có cây ăn trái để hái thuê. Loại trái cây mà anh chuyên hái là mãng cầu, mặt hàng mà các chủ vựa trái cây thường xuyên thu mua với số lượng lớn. Vào giữa vụ thu hoạch, trung bình mỗi ngày anh hái được gần 2 tạ mãng cầu, sau đó mang về nhập cho thương lái với giá từ 5.000 - 7.000 đồng/kg. Trừ tiền ăn uống, đổ xăng, anh cũng lãi được khoảng 400.000 đồng/ngày, tạm đủ để trang trải sinh hoạt và lo cho các con học hành.
Anh Nguyễn Văn Quang mang mãng cầu hái được bỏ mối cho các thương lái. |
Chia sẻ về công việc của mình, anh Quang cho biết người làm nghề hái thuê phải biết lựa thế để trèo lên cây, chọn cành chắc chắn để bám nhằm hạn chế tai nạn xảy ra. Bộ đồ nghề “bất ly thân” của người hái thuê gồm cây móc inox để túm lấy những cành ở xa, một bình xịt kiến và đôi bội tre trên chiếc xe “cà tàng”. Những cây lâu năm, cao và nhiều cành lớn thường khiến việc hái quả vất vả hơn.
Tình huống bất trắc thường gặp là cành cao bên ngoài tuy vỏ còn tươi, nhưng bên trong bị sâu đục thân ăn rỗng, nếu trèo không cẩn thận sẽ gặp nạn như chơi. Thậm chí người hái thuê đứng dưới tán sầu riêng phải đội mũ bảo hiểm, nếu không quả có thể rơi xuống đầu bất cứ lúc nào! Khi đưa trái đã hái xuống cũng phải thật khéo léo và cẩn thận, tránh để trái bị xây xước, dập nát sẽ không bán được cho thương lái. Khi vườn cây chín rộ, nhà vườn buộc phải thu hoạch khẩn trương để kịp giao cho thương lái bởi trái cây để chín quá bán sẽ mất giá. Vào lúc đó, nghề hái thuê lại đắt khách, ai cũng dễ dàng kiếm được việc với tiền công khá hậu hĩnh. Những ngày này, cả gia đình anh Quang liên tục chạy “sô”, có hôm mải hái trái cây mà quên cả việc ăn uống.
Anh Nguyễn Công Sơn (khối 2, thị trấn Phước An) trong một lần đi hái mãng cầu. |
Cũng giống như anh Quang, ông Nguyễn Tấn Cam (thôn 6, xã Hòa An) cũng có nhiều năm hái trái cây thuê. Vào chính vụ, nhiều chủ vườn trồng sầu riêng ở xã Ea Yông đều tìm đến ông để thuê hái sầu riêng bởi không chỉ trèo giỏi, ông Cam còn có con mắt “nhà nghề” nhìn vỏ ngoài sầu riêng là biết khi nào trái chín, chất lượng ra sao. Ông Cam tâm sự: “Nghề này kén người, không có sức khỏe và quen việc chắc không trụ nổi. Sợ nhất là gặp các tổ kiến như kiến vàng, kiến eo… nên khi đi hái trái nhất thiết phải mang theo bình xịt côn trùng”. Tùy vào diện tích vườn cây mà nhóm hái thuê gồm ba người của ông Cam phân công công việc cho nhau. Thông thường, hai người sẽ leo cây hái quả, người còn lại làm nhiệm vụ đóng gói.
Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng nhiều phụ nữ chân yếu tay mềm vì hoàn cảnh gia đình khó khăn cũng phải vượt qua nỗi sợ để làm. Theo mẹ đi hái trái cây thuê từ năm lên 6 tuổi, đến nay chị H’Đel Niê (ở buôn Ea Nhái, xã Ea Knuếck) cũng đã có “thâm niên” gần 20 năm trèo cây, hái trái. Chị kể: “Công việc này nguy hiểm nhất là vào những ngày mưa, leo cây rất trơn trượt. Khó chịu, cùng cảm giác ngứa ngáy khi đụng phải tổ ong, tổ kiến vàng, kiến eo, những chỗ bị kiến cắn hôm sau sẽ mưng mủ. Quá trình làm nghề tôi bị té ngã tổng cộng 6 lần, trong đó đáng nhớ nhất là lần bị ngã từ cây chôm chôm cao 12 m xuống rẫy cà phê, bị gãy tay trái, đến nay tôi vẫn không thể mang vác những vật nặng”.
Với những người làm nghề “ăn cơm dưới đất làm việc trên cây”, rủi ro luôn rình rập với họ bất cứ lúc nào. Vất vả, nguy hiểm là vậy nhưng nếu chịu khó thì thu nhập từ nghề này cũng đủ để nuôi sống gia đình. Ngoài sự chịu khó, can đảm, để chủ vườn tin cậy, thuê hái cho đến lúc hết mùa thu hoạch cũng như niên vụ sau, những người hái thuê còn phải có tính trung thực, thật thà, không gian dối khi thu lượm trái cây của nhà vườn.
Đoàn Dũng
Ý kiến bạn đọc