Multimedia Đọc Báo in

Công nghiệp nông thôn: Khẳng định chất lượng từ những sản phẩm tiêu biểu

09:01, 30/10/2019

Thời gian gần đây, nhiều cơ sở công nghiệp nông thôn (CNNT) đã sản xuất được những sản phẩm đạt chất lượng cao, khẳng định được uy tín và vị thế trên thị trường.

Nhà xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Thụ (huyện Ea Kar) xây dựng năm 2016, chuyên sản xuất sản phẩm ngói màu Kata, công suất 4.000 viên/ngày. Ngói được sản xuất theo dây chuyền công nghệ Nhật Bản nên khả năng chống bám bụi, chống thấm, độ bền màu sắc và tuổi thọ cao hơn loại ngói đất. Sản phẩm này được người tiêu dùng đánh giá cao, bởi tính kỹ thuật, mỹ thuật, sự đa dạng về màu sắc, chủng loại và mức giá phù hợp. Sản phẩm công ty không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà còn xuất đi thị trường TP. Hồ Chí Minh, Bình Định, Phú Yên, Quảng Ngãi với số lượng 90.000 viên/tháng. Đơn vị tạo việc làm cho 12 lao động thường xuyên và 30 nhân công thời vụ tại địa phương, trong đó 50% là đồng bào dân tộc thiểu số, với thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng. Năm 2019, sản phẩm ngói màu Kata của công ty được vinh danh là Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia.

Sản xuất ngói màu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Thụ.
Sản xuất ngói màu tại Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Hoàng Thụ.

Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (huyện Krông Ana) có hai sản phẩm được công nhận Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2019 là Bột ca cao nguyên chất và Kẹo chocolate đen. Đây là doanh nghiệp đầu tiên trên địa bàn tỉnh chế biến sâu ca cao theo quy mô công nghiệp với công nghệ và dây chuyền thiết bị của châu Âu. Quy trình sản xuất cũng được chuẩn hóa, đạt tiêu chuẩn quốc tế ISO 9001-2015, tạo ra nhiều dòng sản phẩm với chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường trong nước và quốc tế. Trung bình mỗi năm, công ty cung ứng ra thị trường trong nước và xuất đi Canada, Nhật Bản, các nước châu Âu từ 60 tấn sản phẩm các loại. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đã liên kết với nông dân và các nhà tiêu thụ để xây dựng chuỗi giá trị ca cao bền vững từ nguyên liệu đến chế biến và thương mại.

Đó là hai ví dụ về sự thừa nhận chất lượng, uy tín của sản phẩm do các doanh nghiệp, cơ sở CNNT của tỉnh sản xuất. Theo đánh giá của Sở Công thương, nhiều cơ sở CNNT trên địa bàn tỉnh đã từng bước mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm và khẳng định được chỗ đứng trên thị trường. Năm 2017, lần đầu tiên tỉnh tổ chức bình chọn Sản phẩm CNNT tiêu biểu, trong đó có 8 sản phẩm được trao Giấy chứng nhận Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh. Năm 2018, 15 sản phẩm được công nhận Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp tỉnh, 5 sản phẩm được Cục Công nghiệp địa phương (Bộ Công thương) công nhận là Sản phẩm CNNT tiêu biểu khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Năm 2019, 4 sản phẩm của 3 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được vinh danh Sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp Quốc gia. Các sản phẩm CNNT tiêu biểu được bình chọn và công nhận dựa trên những tiêu chí về đáp ứng thị trường, khả năng phát triển sản xuất, tính văn hóa, thẩm mỹ và tiêu chí về kinh tế, kỹ thuật, xã hội, môi trường.

Khách hàng chọn mua sản phẩm ca cao của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn.
Khách hàng chọn mua sản phẩm ca cao của Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn.

Theo ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (Sở Công thương), để tiếp sức cho hoạt động CNNT, thời gian qua, các chương trình, đề án khuyến công địa phương và Trung ương của ngành công thương đã ưu tiên nguồn lực cho việc hỗ trợ dây chuyền máy móc thiết bị nhằm nâng cao năng lực sản xuất cho các doanh nghiệp, cơ sở để tạo ra những sản phẩm CNNT chất lượng cao và mang nét đặc trưng của địa phương. Tuy nhiên, để sản phẩm CNNT có thêm sức hút và khả năng cạnh tranh trên thị trường, các đơn vị cần chú trọng hơn về công tác xúc tiến thương mại, quy định an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Các doanh nghiệp, cơ sở có sản phẩm CNNT tiêu biểu được Nhà nước hỗ trợ cung cấp thông tin, tư vấn hướng dẫn tiếp cận các chính sách ưu đãi, tư vấn lập dự án đầu tư mở rộng sản xuất, ưu tiên xét hỗ trợ từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia và tham gia các hội chợ, triển lãm của ngành công thương.

Minh Thông


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.