Dấu ấn khuyến công ở vùng khó khăn
Thời gian qua, các chương trình, đề án khuyến công đã phát huy hiệu quả, hỗ trợ tích cực cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và thúc đẩy phát triển công nghiệp nông thôn, nhất là ở những huyện nghèo, địa bàn vùng sâu, vùng xa.
Trước đây, đa phần các cơ sở sản xuất vật liệu xây dựng tại huyện biên giới Ea Súp đều sản xuất gạch nung đất sét bằng lò thủ công, lò đứng, lò vòng. Các cơ sở này đều muốn chuyển đổi sang công nghệ mới, nhất là công nghệ sản xuất gạch không nung, nhưng gặp khó khăn về kinh phí. Một trong những đơn vị đầu tiên trên địa bàn huyện thực hiện được điều này là Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Ngọc Chương, thị trấn Ea Súp.
Cán bộ khuyến công kiểm tra đề án Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai tại huyện Lắk. |
Năm 2018, đơn vị được đề án khuyến công địa phương hỗ trợ 150 triệu đồng để thực hiện đề án “Ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất gạch không nung”. Sau 1 năm hoạt động, việc ứng dụng máy móc thiết bị công suất 7.000 viên/ngày đã giúp doanh nghiệp nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, tạo sản phẩm chất lượng tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường. Về mặt xã hội và môi trường, đề án phù hợp với chủ trương của Chính phủ về chuyển đổi công nghệ trong sản xuất gạch, chấm dứt khai thác đất sét, góp phần bảo vệ môi trường trong sản xuất và tinh thần Chỉ thị số 09/CT-UBND, ngày 17-4-2018 của UBND tỉnh về tăng cường sử dụng vật liệu xây không nung và hạn chế sản xuất, sử dụng gạch đất sét nung trên địa bàn .
Ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp
|
Một đề án khuyến công khác cũng có tính ứng dụng cao tại địa bàn vùng sâu, vùng xa là “Hỗ trợ ứng dụng máy móc thiết bị trong dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai” được chuyển giao cho cơ sở sản xuất nước đá viên - nước uống đóng bình LAKODA tại xã Krông Nô, huyện Lắk, kinh phí 210 triệu đồng. Từ nguồn hỗ trợ này, cơ sở đã đầu tư một hệ thống lọc nước tinh khiết và dây chuyền sản xuất nước uống đóng chai, phục vụ xử lý nguồn nước qua hệ thống thẩm thấu ngược RO, diệt trùng bằng tia cực tím và đóng chai khép kín. Nhờ thụ hưởng đề án, cơ sở đã ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo việc làm cho 10 lao động địa phương với thu nhập ổn định.
Theo số liệu của Sở Công thương, trong giai đoạn 2015 – 2019, đã có 39 đề án ứng dụng máy móc thiết bị và kỹ thuật được hỗ trợ cho các cơ sở công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh, trong đó, gần 20% tập trung vào địa bàn khó khăn. Tuy kinh phí bố trí cho mỗi đề án vẫn còn thấp (đa phần dưới 200 triệu đồng), nhưng với điều kiện thực tế các cơ sở sản xuất vừa và nhỏ có khả năng tài chính hạn hẹp, thiết bị, công nghệ sản xuất còn hạn chế, thì đây là nguồn lực đáng kể.
Dây chuyền sản xuất gạch không nung tại Doanh nghiệp tư nhân sản xuất thương mại Ngọc Chương. |
Theo ông Trương Ngọc Minh, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh, qua theo dõi các đề án sau khi chuyển giao cho thấy, hầu hết các đề án hoạt động đúng mục đích, mang lại hiệu quả thiết thực trong sản xuất, kinh doanh của các đơn vị thụ hưởng. Bên cạnh đó, thành công của các đề án cũng khích lệ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất chủ động, mạnh dạn đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, mở rộng quy mô sản xuất và bảo vệ môi trường; đồng thời thay đổi nhận thức của cấp ủy, chính quyền các cấp cũng như cộng đồng doanh nghiệp về khuyến công, từ đó có thêm nguồn lực cho phát triển công nghiệp nông thôn.
Thời gian tới, việc hỗ trợ sẽ được thực hiện theo nguyên tắc ưu tiên cho phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu và các chương trình, đề án tại các huyện nghèo, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số… Ngoài nội dung trọng tâm là hỗ trợ máy móc, thiết bị kỹ thuật tiên tiến cho các đơn vị, ngành khuyến công cũng sẽ triển khai những hoạt động khác như hỗ trợ quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại và áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp.
Minh Thông
Ý kiến bạn đọc