Multimedia Đọc Báo in

Ea Bung vượt khó xây dựng nông thôn mới

09:32, 24/10/2019

Từ một xã nghèo ở vùng sâu vùng xa, đến nay Ea Bung đã vươn lên dẫn đầu phong trào xây dựng nông thôn mới ở huyện Ea Súp.

Tìm giải pháp phù hợp tháo gỡ khó khăn

Xã Ea Bung có 10 thôn, trong đó có 3 thôn đặc biệt khó khăn; có 1.003 hộ dân, 3913 nhân khẩu thuộc 7 dân tộc cùng chung sống. Kinh tế của người dân phụ thuộc vào nông nghiệp, nhưng đất đai, khí hậu không được thuận lợi như những nơi khác. Hơn nữa, những năm gần đây thiên tai lũ lụt, hạn hán, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, nên cái nghèo cái đói vẫn cứ đeo bám mãi.

Năm 2011, khi bắt đầu triển khai xây dựng nông thôn mới (NTM), Ea Bung mới chỉ đạt 4/19 tiêu chí, gồm quy hoạch, giáo dục đào tạo, y tế, văn hóa. Cơ sở hạ tầng thiếu và yếu, tỷ lệ hộ nghèo cao, thu nhập bình quân đầu người thấp. Trước thực tế này, cấp ủy, chính quyền xã Ea Bung xác định muốn xây dựng NTM phải tìm ra giải pháp phù hợp, hiệu quả để từng bước khắc phục khó khăn. Theo đó, Ban chỉ đạo xây dựng NTM của xã rà soát, phân loại, giao nhiệm vụ cụ thể cho thành viên phụ trách từng tiêu chí, từng  thôn, buôn. Đồng thời, xây dựng lộ trình thực hiện, tiêu chí dễ không cần nguồn lực thì làm trước, các tiêu chí khó, cần nguồn vốn lớn như: giao thông, cơ sở vật chất văn hóa, thủy lợi thì lồng ghép các nguồn lực và huy động sức dân.

Người dân Ea Bung làm đường giao thông liên thôn.
Người dân Ea Bung làm đường giao thông liên thôn.

Ủy ban MTTQ VN xã và các tổ chức thành viên tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân hưởng ứng phong trào xây dựng đời sống văn hóa khu dân cư, tham gia giám sát xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn; Hội Phụ nữ xây dựng mô hình “5 không, 3 sạch”, “hũ gạo tiết kiệm”, tham gia ngày công lao động làm đường giao thông, vệ sinh đường làng ngõ xóm, làm bể nước sạch; Hội Cựu chiến binh vận động hội viên gương mẫu đi đầu trong phong trào xây dựng NTM, làm nòng cốt trong việc cải vườn tạp; Hội Nông dân hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện các mô hình chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nhằm phát triển sản xuất và tăng thu nhập cho gia đình; Đoàn thanh niên xung kích trong phong trào lập thân, lập nghiệp, với các hoạt động “Ngày thứ bảy tình nguyện”, “Ngày chủ nhật xanh”, "xây dựng nông thôn xanh, sạch, đẹp”... Nhờ đó, đời sống của người dân từng bước được cải thiện, tỷ lệ hộ nghèo hàng năm giảm từ 4 - 5%.

Huy động các nguồn lực xây dựng nông thôn mới

Sau 10 năm xây dựng NTM, xã  Ea Bung đã huy động các nguồn lực được hơn 50 tỷ đồng để xây dựng NTM. Trong đó, nhân dân đóng góp tiền mặt, hiến đất, ngày công trị giá 413 triệu đồng. Chính quyền xã cũng đã huy động nguồn lực trợ giúp của các đơn vị như: Vườn Quốc gia Yok Đôn hỗ trợ tu sửa nhà sinh hoạt cộng đồng của thôn buôn, xây dựng đường điện thắp sáng vùng quê biên giới; Bộ đội Biên phòng tỉnh hỗ trợ thắp sáng vùng quê ở thôn đặc biệt khó khăn và hỗ trợ các hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn cải thiện nhà ở; Trung ương Hội LHPN hỗ trợ hội viên phụ nữ biên giới có hoàn cảnh khó khăn giống, vốn cây trồng vật nuôi, phát triển kinh tế gia đình...

Xã Ea Bung phấn đấu năm 2019 đạt thêm 2 tiêu chí về hộ nghèo và môi trường, đến cuối năm 2020 trở thành xã đầu tiên của huyện Ea Súp về đích xây dựng NTM.

Từ một xã biên giới với cơ sở hạ tầng còn thiếu thốn, đến nay, xã đã đạt 15/19 tiêu chí xây dựng NTM, bộ mặt nông thôn có nhiều đổi thay đáng kể, đời sống người dân ngày càng được nâng cao. Chị Đỗ Thị Hằng ở thôn 6 xã Ea Bung bộc bạch: “Từ khi triển khai xây dựng NTM, thôn xóm đã có sự thay đổi mạnh mẽ, trong đó, vui nhất là đường nông thôn được mở rộng, trường học được xây dựng khang trang, công tác chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân cũng tốt hơn rất nhiều”.

Trường tiểu học Ea Bung đạt chuẩn quốc gia.
Trường tiểu học Ea Bung đạt chuẩn quốc gia.

 Ông Phan Thanh Pha, Bí thư Đảng ủy xã Ea Bung cho biết: Hiện nay xã  còn 4 tiêu chí chưa đạt là: môi trường, hộ nghèo, thu nhập và cơ sở vật chất văn hóa. Trong thời gian tới, ngoài việc duy trì, giữ vững các tiêu chí đã đạt, địa phương tìm giải pháp phù hợp để thực hiện các tiêu chí còn lại. Cụ thể, đối với giao thông, thủy lợi, hiện xã đang cho các thôn, buôn rà soát, thống kê nhu cầu làm đường giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng để thực hiện phương châm Nhà nước hỗ trợ, nhân dân thực hiện. Bên cạnh đó, xã chủ động tuyên truyền, vận động, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển sản xuất nông nghiệp, dịch vụ, hỗ trợ phát triển các mô hình kinh tế hiệu quả theo hướng liên kết, hợp tác bền vững; giải quyết tốt các vấn đề an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, có kế hoạch giảm nghèo bền vững.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.