Multimedia Đọc Báo in

Giúp người dân sớm khắc phục hậu quả dịch tả heo châu Phi

08:59, 09/10/2019

Dịch tả heo châu Phi bùng phát khiến người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh lao đao. Chuồng trại bỏ trống, nhiều hộ nợ nần chồng chất.

Đổ nợ vì dịch

Gần hai tháng trôi qua kể từ khi đàn heo bị tiêu hủy, vợ chồng ông Hoàng Văn Khánh (xã Ea Lê, huyện Ea Súp) mất ăn, mất ngủ vì lo lắng  số tiền nợ ngân hàng. Trang trại chăn nuôi heo của gia đình ông Khánh là một trong những trang trại có quy mô lớn ở địa phương. Ông Khánh cho biết, ngoài số vốn tích góp được của gia đình, năm 2014 ông đã thế chấp tài sản vay ngân hàng gần 1 tỷ đồng xây dựng trang trại nuôi heo. Khu trang trại gồm 3 dãy nhà, với tổng diện tích hơn 2.000 m2. Ông đã mua 30 heo nái, 200 heo con về nuôi.

Mấy năm nay, trang trại chăn nuôi heo của gia đình ông Khánh vẫn đạt kết quả tốt, mỗi năm xuất ra thị trường 2 đợt, mỗi đợt từ 150 đến 200 con. Riêng năm 2018, gia đình ông đã xuất ra thị trường hai đợt, với gần 400 con heo thịt, trọng lượng bình quân mỗi con trên 1 tạ. Với giá xuất chuồng xấp xỉ 50.000 đồng/kg, cứ mỗi đợt xuất chuồng gia đình thu lãi gần 250 triệu đồng. Đầu năm 2019 gia đình xuất được một lứa 200 con. Đến tháng 8 vừa qua, khi chuẩn bị xuất lứa heo thứ hai thì bị bệnh dịch tả heo châu Phi tấn công.

Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy heo bị dịch tả heo châu Phi ở xã Ea Bông huyện Krông Ana.
Lực lượng chức năng tiến hành tiêu hủy heo bị dịch tả heo châu Phi ở xã Ea Bông huyện Krông Ana.

Ông Khánh cho biết, heo ủ bệnh lúc nào không phát hiện được vì không thấy  biểu hiện gì, hằng ngày vẫn ăn uống bình thường. Mãi tới khi chuẩn bị bán mới phát hiện heo bỏ ăn, sau đó chảy máu miệng rồi chết. Không xác định được bệnh gì nên ông Khánh đã báo cho cơ quan Thú y đến kiểm tra, lấy mẫu xét nghiệm và kết luận đàn heo bị dịch tả heo châu Phi. Gia đình ông Khánh phải tiêu hủy 10 tấn heo thịt và heo nái, thiệt hại gần 700 triệu đồng. Chuồng trại bỏ trống, không còn nguồn thu, ông Khánh tiếp tục vay mượn vốn mua 1.000 con gà giống lai chọi và vịt siêu thịt về chăn nuôi chưa biết hiệu quả ra sao.

Chị Nguyễn Thị Sang (xã Ea Bông, huyện Krông Ana) vì muốn tạo việc làm cho chồng, con không phải đi làm ăn xa nên năm 2015 vay ngân hàng 750 triệu đồng, cùng với số tiền tích cóp được đã đầu tư gần 1 tỷ đồng xây dựng 3 khu chuồng  trại chăn nuôi với diện tích gần 1 ha, nuôi 10  heo nái và 100 heo thịt. Những năm trước trang trại chăn nuôi của gia đình vẫn ổn định, một năm xuất chuồng 3 đợt heo thịt, mỗi đợt 100 con, mỗi con trên 1 tạ, thu lãi gần 200 triệu đồng. Năm 2019 chị mới xuất được 10 tấn heo thịt, chuẩn bị xuất chuồng đợt 2 thì heo mắc bệnh dịch tả heo châu Phi. Gia đình chị phải tiêu hủy 3 tấn heo thịt và heo nái, thiệt hại gần 400 triệu đồng. Heo chết, gia đình mất nguồn thu, sợ ngân hàng đến xiết nhà nên chị Sang đã phải bán rẻ 1,3 ha đất đang canh tác lấy 800 triệu đồng trả nợ. Chuồng trại bỏ trống gần 2 tháng, rẫy không còn, chồng chị Sang phải đi chăn vịt thuê ở thôn bên cạnh.

Trên đây chỉ là hai trong số hàng nghìn trường hợp bị thiệt hại do dịch tả heo châu Phi trên địa bàn tỉnh. Theo số liệu của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, bệnh dịch tả heo châu Phi đã xảy ra tại 476 thôn, buôn, 103 xã, phường, 15/15 huyện, thị xã, thành phố, khiến 2.718 hộ chăn nuôi phải tiêu hủy 24.387 con heo, trọng lượng hơn 1.410 tấn. Hiện nay dịch vẫn đang diễn biến phức tạp trên địa bàn tỉnh. Nhiều địa phương vẫn còn xảy ra các ổ dịch nhỏ, do đó số lượng heo tiêu hủy vẫn không ngừng gia tăng.

Hỗ trợ người dân sớm khắc phục hậu quả

Ông Thủy Lệ Vũ, Chi cục Trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y cho biết, bệnh dịch này không có vắc xin tiêm phòng cũng không có kháng sinh điều trị mà thực hiện chủ yếu việc tiêu độc khử trùng và giải pháp áp dụng an toàn sinh học. Hiện nay giải pháp tiêu độc khử trùng trên địa bàn tỉnh nói chung đều không có hiệu quả, lý do là dịch tả heo châu Phi xảy ra trúng vào mùa mưa. Do đó sau khi rải vôi bột cũng như phun thuốc tiêu độc khử trùng, gặp một cơn mưa thì gần như đều bị rửa trôi nên hiệu quả không cao. Còn giải pháp thứ hai là áp dụng an toàn sinh học thì chỉ có 20% là chuồng trại đảm bảo, còn lại 80% hộ chăn nuôi nhỏ lẻ không thể áp dụng chăn nuôi sinh học. Do đó, đối với các cơ sở chăn nuôi chuồng trại đảm bảo, áp dụng an toàn sinh học vẫn có thể tái đàn, riêng đối với các cơ sở chăn nuôi nhỏ lẻ hiện nay tạm dừng không được tái đàn và chờ khi dịch qua đi và qua 30 ngày kể từ ngày công bố hết dịch mới được tái đàn.

Khu vực chăn nuôi heo  của gia đình ông Hoàng Văn Khánh nay chuyển sang nuôi vịt.
Khu vực chăn nuôi heo của gia đình ông Hoàng Văn Khánh nay chuyển sang nuôi vịt.

Trước những khó khăn của các hộ chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y cũng đã đề nghị các ngành liên quan hỗ trợ cho người chăn nuôi giảm bớt khó khăn. Sở NN-PTNT đã có công văn gửi  UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường một số biện pháp kỹ thuật tổng hợp về an toàn sinh học trong chăn nuôi heo để phòng chống bệnh dịch.

Cùng với đó, UBND tỉnh cũng đã có quyết định về cơ chế, chính sách, đối tượng, mức hỗ trợ kinh phí trong phòng, chống bệnh dịch tả heo châu Phi trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, mức hỗ trợ đối với heo con, heo thịt các loại 25.000 đồng/1 kg hơi. Đối với heo nái, heo đực giống khai thác 30.000 đồng/1 kg hơi. Thời gian hỗ trợ từ ngày 27- 6 đến ngày 31-12... Sự hỗ trợ này phần nào sẽ giúp người chăn nuôi vơi bớt tổn thất trước mắt, có điều kiện tái đàn hoặc chuyển sang nuôi các loại gia súc, gia cầm khác. Tuy nhiên, đối với những hộ chăn nuôi có mức đầu tư lớn, đang nợ vốn vay ngân hàng thì rất cần có thêm sự hỗ trợ tín dụng như khoanh nợ, giãn nợ... để tránh bị "đổ nợ" như những trường hợp kể trên.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hướng về cội nguồn dân tộc
Cùng với các địa phương trong cả nước, trong hai ngày 17 và 18/4 (nhằm ngày 9 và 10/3 âm lịch), tại Di tích lịch sử văn hóa quốc gia Đình Lạc Giao, tỉnh Đắk Lắk đã long trọng tổ chức Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương nhằm tri ân các Vua Hùng đã có công dựng nước.