Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả kinh tế cao từ mô hình nuôi gà bằng giun quế

09:33, 24/10/2019

Những năm gần đây, nhiều mô hình chăn nuôi mới được áp dụng nhằm tăng năng suất, tiết kiệm chi phí cho người nông dân, trong đó có thể kể đến mô hình nuôi giun quế kết hợp nuôi gà, đem lại thu nhập cao của hộ anh.

Năm 2014, anh Nguyễn Nhật Thành (ở thôn 6B, thị trấn Ea Knốp, huyện Ea Kar) bắt tay vào khởi nghiệp bằng việc xây dựng trang trại nuôi giống gà ri và gà nòi với diện tích 1 ha, tổng số 6.000 con gà. Tuy nhiên, do chưa nắm vững kỹ thuật nên lứa gà đầu tiên của gia đình bị chết rất nhiều vì dịch bệnh.

Không nản lòng, anh Thành đến các trang trại chăn nuôi ở các tỉnh phía Bắc học hỏi kinh nghiệm. Được sự hướng dẫn kỹ thuật của giảng viên khoa Chăn nuôi thú y (Trường Đại học Tây Nguyên), cuối năm 2015, anh vay mượn 300 triệu đồng xây dựng 3 trang trại nuôi gà thương phẩm ngay trên vùng đồi đất trống sau nhà với quy mô hơn 12.000 con. Nuôi gà ở đồi núi có thể tận dụng được nguồn thức ăn có sẵn và ít dịch bệnh.

Anh Thành kiểm tra bể nuôi giun quế.
Anh Thành kiểm tra bể nuôi giun quế.

Để bổ sung nguồn đạm giúp gà phát triển nhanh, anh Thành nuôi thêm giun quế. Nếu chăm sóc tốt, một năm mỗi con giun đẻ được 1.000 trứng và giun trưởng thành nặng khoảng 0,3 gam. Theo tính toán, giá trị dinh dưỡng có trong 10 con giun quế sẽ tương đương với 1 kg tinh bột; gà con từ khi mới nở đến một tháng tuổi cho ăn cám công nghiệp, sau đó cho ăn thóc, bắp và giun quế. Theo anh Thành, nuôi gà bằng giun quế có thể giảm tới 50% chi phí thức ăn, gà nhanh lớn, đề kháng tốt, ít bị dịch bệnh. Ngoài bán gà thương phẩm, anh Thành còn cung cấp giun giống với giá bán 100.000 đồng/kg giun và 35.000 đồng/kg sinh khối.

Anh Thành chia sẻ: “Giun quế rất ưa bóng tối nên các sàn nuôi giun quế phải được che đậy cẩn thận, thoáng mát, không bị ngập úng, đảm bảo các điều kiện về nhiệt độ và độ ẩm, cần ngăn ngừa kiến, cóc, nhái… Giun thu hoạch có thể sấy khô, nghiền làm thức ăn cho cá giống hoặc có thể chế biến thực phẩm cho gia súc, gia cầm. Phân giun sau khi nuôi được tận dụng bón cho các loại rau màu và cây ăn quả.

Bình quân mỗi năm anh Thành nuôi 3 lứa gà, mỗi tháng anh xuất 1 tấn gà thương phẩm. Thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và các siêu thị trong tỉnh. Sản phẩm “gà sạch” của anh luôn được mua với giá cao hơn gà bình thường với giá dao động 150.000 – 160.000 đồng/kg. Bình quân mỗi tháng, trừ chi phí đầu tư, gia đình anh lãi khoảng trên 70 triệu đồng. Anh Thành cho hay: “Để nuôi gà tốt thì khâu chọn giống và phòng bệnh là vô cùng quan trọng, quyết định thành công hay thất bại. Cần nắm vững kỹ thuật nuôi gà, thức ăn phải đảm bảo chất lượng, nước uống sạch sẽ; trong đó, cần chú trọng vệ sinh phòng dịch, tiêm vắc xin cho đàn gà đúng theo quy định; các máng ăn và máng uống đều thường xuyên được phun thuốc khử trùng, chuồng trại phải được thiết kế đúng quy cách”.

Anh Thành dự định trong thời gian tới sẽ mở rộng trang trại và mở xưởng sơ chế gà cung cấp thịt cho thị trường. Đồng thời, đầu tư xây ao nuôi cá để khai thác triệt để hiệu quả của giun quế, hình thành mô hình phát triển kinh tế theo hướng “vườn - ao - chuồng”.

Đoàn Dũng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.