Multimedia Đọc Báo in

Hội Liên hiệp Phụ nữ Krông Pắc: Đồng hành cùng hội viên khởi nghiệp

09:03, 11/10/2019

Với sự đồng hành, hỗ trợ của Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) huyện, thời gian qua, nhiều hội viên phụ nữ ở Krông Pắc đã lên ý tưởng và xây dựng thành công các mô hình khởi nghiệp.

Sau nhiều năm loay hoay tìm hướng phát triển kinh tế, năm 2017 chị Nguyễn Thị Tiến ở thôn Tân Lập 3, xã Ea Kuăng quyết định mở cơ sở sản xuất túi đựng mắt kính. Khuyến khích ý tưởng kinh doanh của chị Tiến, năm 2018 Hội LHPN huyện Krông Pắc đã giải ngân 30 triệu đồng từ nguồn vốn khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh cho chị vay để mua thêm các dụng cụ, máy móc. Sau khi hoàn trả vốn trong lần vay đầu tiên, chị Tiến tiếp tục được vay thêm 20 triệu đồng để mở rộng quy mô sản xuất.

 Mô hình  sản xuất  túi đựng  mắt kính  của chị Nguyễn Thị Tiến ở thôn Tân Lập 3,  xã Ea Kuăng  góp phần  giải quyết  việc làm  cho nhiều  hội viên  phụ nữ  ở địa phương.
Mô hình sản xuất túi đựng mắt kính của chị Nguyễn Thị Tiến ở thôn Tân Lập 3, xã Ea Kuăng góp phần giải quyết việc làm cho nhiều hội viên phụ nữ ở địa phương.

Trải qua nhiều khó khăn, đến nay sản phẩm của gia đình chị đã được tiêu thụ ở nhiều tỉnh thành trong cả nước như: Nha Trang, Bình Dương, TP. Hồ Chí Minh... Cơ sở sản xuất này không chỉ đem lại lợi nhuận cho gia đình chị khoảng 15 triệu đồng/tháng mà còn giúp hơn 10 chị em ở địa phương có thêm thu nhập lúc nông nhàn.

 
“Cùng với hỗ trợ nguồn vốn vay, Hội LHPN huyện còn chủ động khảo sát, nắm bắt tâm tư nguyện vọng của hội viên, nhất là hội viên có hoàn cảnh khó khăn, từ đó phối hợp với các ban, ngành liên quan tổ chức các lớp chuyển giao khoa học kỹ thuật, tư vấn dạy nghề, giới thiệu việc làm... góp phần hỗ trợ hội viên thoát nghèo".
 
Bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pắc

Đi đầu trong phát triển kinh tế địa phương, chị Ngô Thị Dáng Quyên ở thôn Tân Trung, xã Ea Kênh đã khởi nghiệp thành công với mô hình nuôi chim cút. Nhận thấy nhu cầu tiêu thụ chim cút trên thị trường khá lớn, chị Quyên đã mạnh dạn trình bày ý tưởng của mình và được Hội LHPN huyện hỗ trợ 20 triệu đồng. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, chị Quyên không chỉ nuôi cút lấy trứng mà còn bán cút thương phẩm, cung cấp chim cút giống… Chị Quyên cho biết, nhờ sự hỗ trợ kịp thời của Hội LHPN huyện đến nay cơ sở nuôi chim cút của chị luôn duy trì ở mức hơn 3.000 con, giúp gia đình mỗi tháng thu lãi khoảng 8 triệu đồng.

Không chỉ chị Tiến, chị Quyên mà trên địa bàn huyện Krông Pắc còn có nhiều mô hình khởi nghiệp sáng tạo của phụ nữ đã được Hội LHPN huyện hỗ trợ vốn vay khởi nghiệp hoặc giới thiệu các chương trình vay vốn ưu đãi của ngân hàng. Nhờ vậy, nhiều mô hình khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh đã mang lại kết quả cao như: mô hình làm bánh tráng truyền thống của chị Phan Thị Vân ở thôn 2B, xã Hòa Tiến; mô hình nuôi chim bồ câu sinh sản và gà thả vườn của chị Nguyễn Thị Liên ở tổ dân phố 8, thị trấn Phước An; mô hình may gia công quần áo của chị Linh Thị Lài ở thôn Phước Hòa 1, xã Ea Kuăng …

Chị Ngô Thị Dáng Quyên ở thôn Tân Trung, (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) phát triển kinh tế gia đình hiệu quả với mô hình nuôi chim cút.
Chị Ngô Thị Dáng Quyên ở thôn Tân Trung, (xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc) phát triển kinh tế gia đình hiệu quả với mô hình nuôi chim cút.

Theo bà Nguyễn Thị Lan, Chủ tịch Hội LHPN huyện Krông Pắc, một trong những khó khăn trên con đường khởi nghiệp của phụ nữ là nguồn vốn. Trước thực tế đó, Hội đã phát động các cơ sở hội thực hành tiết kiệm 5.000 đồng/tháng/hội viên, xây dựng các mô hình “10+1”, “20+1”, thu gom phế liệu gây quỹ... nhằm tạo nguồn vốn giúp chị em có hoàn cảnh khó khăn được vay vốn khởi nghiệp. Ngoài ra, bằng hình thức tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội huyện, Hội còn giúp phụ nữ được tiếp cận với vốn tín dụng ưu đãi để phát triển sản xuất. Từ năm 2017 đến nay, Hội LHPN huyện Krông Pắc đã hỗ trợ 120 hội viên khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh với tổng số tiền gần 1,3 tỷ đồng; tín chấp với các ngân hàng trên địa bàn cho hơn 260 chị vay vốn khởi nghiệp với số tiền hơn 5 tỷ đồng; quản lý 131 tổ tiết kiệm, vay vốn với tổng dư nợ trên 110 tỷ đồng.

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.