Liên kết trồng cây ăn trái: Hướng đi triển vọng ở Buôn Đôn
Từ những vườn cây ăn trái tự phát, nhỏ lẻ, nhiều nông dân tại huyện Buôn Đôn đã liên kết thành lập hợp tác xã, mở ra hướng canh tác ổn định để phát triển thị trường hàng hóa và định hình cho dịch vụ du lịch nông nghiệp.
Liên kết để tránh bị “ép” giá
Đứng cạnh vườn quýt trĩu quả đang độ thu hoạch, anh Đỗ Văn Long (thôn 9, xã Tân Hòa) kể, vườn của anh nằm trong số diện tích chuyển đổi sang trồng cây ăn trái đầu tiên tại vùng đất này. Trước đó, anh chỉ trồng các loại cây ngắn ngày như ngô, sắn, đậu. Vườn gần nguồn nước, song đất cằn cỗi khiến cây trồng phát triển kém, năng suất không cao. Sau khi tìm hiểu mô hình trồng cây ăn trái tại các vùng khác có chất đất tương tự, năm 2013 anh Long bắt đầu chuyển đổi dần 2 ha đất trồng hoa màu sang canh tác cây cam, quýt, bưởi.
Thấy những diện tích chuyển đổi sang cây ăn trái đầu tiên trong vùng cho năng suất cao, thu nhập tốt, những nông dân khác bắt đầu học tập, nhân rộng. Tuy nhiên, việc tăng trưởng "nóng" về diện tích đã khiến nguồn cung các sản phẩm trái cây như cam, quýt, ổi… tăng mạnh. Trong khi đó, các loại trái cây này hoàn toàn phụ thuộc vào thương lái và chỉ bán chủ yếu tại các chợ trong địa bàn tỉnh nên việc bị ép giá khi trái cây vào chính vụ là điều khó tránh khỏi.
Ban Giám đốc HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 trao đổi về kỹ thuật canh tác và điều tiết cam sành ra trái đúng thời điểm. |
Trước thực trạng đó, đầu năm 2018, anh Long cùng các nông hộ trong vùng thống nhất xây dựng vùng sản xuất cam, quýt, bưởi theo hướng VietGAP để cung ứng cho các siêu thị, cửa hàng thực phẩm sạch. Nhóm liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Buôn Đôn được thành lập với 18 thành viên. Đến cuối năm 2018, Tổ chức Chứng nhận VSCB đã cấp chứng nhận VietGAP cho 42,6 ha trồng cây ăn trái của nhóm, với sản lượng dự kiến 641 tấn/năm.
Anh Long cho biết, để được cấp chứng nhận VietGAP, các thành viên của nhóm phải mất gần 1 năm ròng thay đổi phương thức canh tác dưới sự hướng dẫn của các kỹ sư nông nghiệp. Thay vì chỉ can thiệp khi vườn cây có dấu hiệu sâu bệnh, từng thành viên được tập huấn kỹ về bản chất và các yếu tố phát sinh dịch bệnh để chủ động phòng tránh. Cây trồng cũng được bổ sung dinh dưỡng bằng các loại phân bón hữu cơ, chế phẩm sinh học với liều lượng hợp lý, tiết kiệm. Ngoài ra, 18 thành viên của nhóm còn ứng dụng tốt các giải pháp phòng trừ sâu hại an toàn như bọc quả, nuôi kiến vàng, sử dụng bẫy dính trừ côn trùng… Nhờ tuân thủ tốt quy trình sản xuất VietGAP, các chỉ số xét nghiệm mẫu trái cây, đất, nước, không khí… trên toàn bộ diện tích của nhóm đều đạt chuẩn an toàn.
(Trích tham luận của Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tại Hội nghị định hướng về sản xuất nông nghiệp gắn với thị trường tiêu thụ một số nông sản, sản phẩm quả tươi của tỉnh Đắk Lắk)
|
Không chỉ thay đổi phương pháp canh tác, các thành viên của nhóm còn ứng dụng biện pháp điều tiết ra hoa giữa các vườn, đảm bảo thời vụ thu hoạch rải đều trong năm. Đây là một trong những điều kiện quan trọng để nhóm ký hợp đồng cung ứng mặt hàng trái cây lâu dài cho các siêu thị như VinMart, BigC…
Mở hướng du lịch nông nghiệp
Thành công của Nhóm liên kết sản xuất cây ăn trái VietGAP Buôn Đôn đã tạo tiền đề cho Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 ra đời. HTX có 38 thành viên với tổng diện tích canh tác lên đến 142 ha, với định hướng xây dựng vùng cây ăn trái dọc sông Sêrêpốk kéo dài từ xã Ea Nuôl đến tận xã Krông Na (huyện Buôn Đôn).
Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX Đỗ Văn Long cho biết, mục tiêu đầu tiên của HTX là hướng toàn bộ thành viên sản xuất theo chuỗi, ứng dụng các biện pháp canh tác bền vững để tăng chất lượng và giá trị các loại cây ăn trái mà bà con trong vùng đang canh tác như cam, quýt, ổi, bưởi, nhãn, mít, hồng xiêm… HTX đã tiến hành phân tổ, phân vùng canh tác, thuê kỹ sư hướng dẫn kỹ thuật cho từng tổ và cử một số thành viên tham gia các khóa tập huấn về nông nghiệp để giám sát kỹ thuật của từng tổ theo đúng quy trình và lịch sản xuất do HTX đề ra.
HTX Nông nghiệp và Du lịch Sêrêpốk 3 giới thiệu các sản phẩm trái cây tươi tại một hội nghị vừa được tổ chức. |
Thuận lợi của HTX hiện nay là phần lớn các vườn bố trí dọc sông Sêrêpốk và thủy điện Sêrêpốk 3, là vùng tiềm năng để khai thác du lịch. Vì thế, ngay từ khâu tổ chức sản xuất, HTX đang định hướng thành viên xây dựng vườn cây hợp lý để tạo cảnh quan phục vụ cho du lịch trong tương lai. Ngoài tiềm năng về dịch vụ tham quan vườn cây ăn trái, thưởng thức trái cây sạch ngay tại vườn, HTX còn có lợi thế về các mặt hàng thủy sản và hình thức tham quan, trải nghiệm tại các lồng bè nuôi cá trên sông Sêrêpốk. Đây được xem là một chiến lược dài hơi, cần được đầu tư nhiều về công sức, tiền bạc. Vì vậy, HTX đang xây dựng dự án, tham vấn các cơ quan chức năng cũng như kêu gọi đầu tư từ các đối tác có năng lực về tài chính và giàu kinh nghiệm trong việc tổ chức du lịch để biến nơi đây thành một vùng sinh thái nông nghiệp lý tưởng trong tương lai không xa.
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc