Phát triển kinh tế từ vườn đa cây
Những năm gần đây, nhiều hộ dân trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn chuyển xen canh thêm các loại cây trong vườn cà phê để phát triển sản xuất, đa dạng hóa sản phẩm, hạn chế được những rủi ro về giá cả, thời tiết và biến động của thị trường…
Thực tế cho thấy, hiện nay hầu hết các hộ dân trồng cà phê ở các địa phương trên địa bàn tỉnh đã và đang thực hiện trồng xen cây công nghiệp và cây ăn quả. Đơn cử như hộ gia đình anh Lương Xuân Hưng (xã Ea Tân, huyện Krông Năng) với 7 ha đất trước đây chỉ trồng cà phê, không có cây che bóng, đai rừng chắn gió, gây nên nhiều bất lợi cho cây cà phê, nhất là trong mùa khô. Đó là chưa kể đến những rủi ro tiềm ẩn khi giá cả lên xuống thất thường, thời tiết ngày càng có nhiều biến động... ảnh hưởng đến nguồn thu nhập của gia đình. Do đó, khoảng 5 năm trở lại đây, anh bắt đầu trồng xen các loại cây khác như hồ tiêu, chanh dây, cây ăn quả.
Anh đã đầu tư hệ thống tưới béc trên cả 7 ha cây trồng; hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học mà chủ yếu là dùng các loại phân hữu cơ nên vườn cây phát triển xanh tốt. Hiện nay, trong vườn cà phê của gia đình anh có thêm trên 6.000 trụ tiêu, 800 cây sầu riêng, 200 cây bưởi, 150 cây bơ và nhiều loại cây trồng khác như na, mít, chanh dây. Các loại cây ăn quả đã bắt đầu cho thu bói, hứa hẹn mang lại nguồn thu nhập ổn định trong những năm tới.
Theo anh Hưng, việc trồng đa cây trong vườn cà phê không chỉ đem lại nguồn lợi lớn về kinh tế, hạn chế được rủi ro mà còn có tác dụng tạo cây che bóng, chắn gió cho cà phê; đặc biệt, giúp điều hòa khí hậu, hạn chế tình trạng bốc hơi nước vào mùa khô, tiết kiệm nước tưới khoảng 20% so với trồng thuần cà phê. Mặt khác, do thời vụ thu hoạch của các cây khác nhau nên còn tạo việc làm cho lao động nông thôn trong cả năm; trung bình gia đình anh tạo việc làm thường xuyên cho khoảng 5 lao động.
Vườn bưởi bắt đầu cho thu bói của gia đình anh Lương Xuân Hưng (xã Ea Tân, huyện Krông Năng). |
Tương tự, hộ ông Nguyễn Cúc (phường An Bình, thị xã Buôn Hồ) cũng có 3 ha đất trồng cà phê và các loại cây gồm: 1.500 cây tiêu, 300 cây sầu riêng, 150 cây bơ, trên 100 cây mít và 100 cây chuối. Trong đó, năm nay cây sầu riêng cho thu hoạch trên 11 tấn với giá bán từ 37.000 - 58.000 đồng/kg mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho gia đình.
Được biết, cách đây khoảng 7 năm, khi nhiều hộ dân trong vùng đổ xô chặt cà phê để trồng tiêu và các loại cây ăn quả thì gia đình ông vẫn kiên trì không chặt phá cà phê mà tiến hành trồng xen canh cây ăn quả. Nhờ vậy, mỗi năm trên cùng diện tích gia đình có nhiều đợt thu hoạch sản phẩm từ bơ đến sầu riêng, cà phê rồi hồ tiêu với nguồn thu không nhỏ. Theo kinh nghiệm của ông Cúc, phần lớn các loại cây ăn quả trồng trong vườn cà phê tuy ít được đầu tư chăm sóc nhưng vẫn mang lại hiệu quả kinh tế cao. So với độc canh cây cà phê thì khi trồng xen việc canh tác khó hơn, nhưng thu nhập ổn định và cao hơn khoảng 2-3 lần.
Ông Nguyễn Cúc, phường An Bình, thị xã Buôn Hồ (bìa trái) chia sẻ kinh nghiệm sản xuất với các hộ dân trong phường. |
Có thể nói, đa dạng hóa cây trồng, nhất là các loại cây ăn quả trên cùng một diện tích đất là một trong những giải pháp tốn ít chi phí, đem lại lợi nhuận cao và thích ứng tốt với biến đổi khí hậu. Không những thế, hiện nay phần lớn nông dân trồng xen canh cũng đã hướng đến sản xuất bền vững, sử dụng các loại giống cây trồng có nguồn gốc xuất xứ, áp dụng hệ thống tưới nước tiết kiệm, hạn chế tối đa việc sử dụng phân bón hóa học, tăng cường sử dụng các loại phân vi sinh, phân hữu cơ… để cải tạo đất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu ngày càng khắt khe của khách hàng.
Theo số liệu thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, toàn tỉnh hiện có trên 39.000 ha cà phê được người dân trồng xen các loại cây công nghiệp và cây ăn trái; gồm: trồng xen hồ tiêu gần 20.000 ha, sầu riêng trên 3.270 ha, bơ trên 8.370 ha, điều 469 ha và cây trồng khác trên 7.000 ha. |
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc