Phát triển thương mại điện tử: Tăng cường tuyên truyền, hỗ trợ người dân và doanh nghiệp
Thương mại điện tử (TMĐT) đang phát triển khá nhanh và ngày càng trở nên phổ biến trong nền kinh tế hiện nay. Đối với Đắk Lắk, TMĐT đã bắt đầu xâm nhập vào đời sống của doanh nghiệp và người dân. Tuy nhiên, việc phát triển TMĐT trên địa bàn đang gặp không ít khó khăn, thách thức.
Theo số liệu của Sở Công thương, sau 5 năm thực hiện kế hoạch phát triển TMĐT (giai đoạn 2016 - 2020), hiện có khoảng 5% dân số trên địa bàn tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến với giá trị mua hàng đạt khá cao; 15% doanh nghiệp có trang thông tin điện tử, cập nhập thường xuyên các thông tin hoạt động và quảng bá sản phẩm của mình; 80% doanh nghiệp sử dụng thư điện tử trong hoạt động giao dịch và trao đổi thông tin; 100% siêu thị, trung tâm thương mại và 70% các đơn vị cung cấp dịch vụ điện, nước, viễn thông và truyền thông cho phép người dùng thanh toán bằng thẻ ngân hàng và qua phương tiện điện tử; có khoảng 10% cá nhân, hộ gia đình ở TP. Buôn Ma Thuột sử dụng phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt trong mua sắm...
Người tiêu dùng tìm kiếm thông tin và sản phẩm thông qua website của doanh nghiệp. |
Ông Vũ Đình Trưng, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết, để thúc đẩy TMĐT phát triển, thời gian qua Sở thường xuyên thực hiện tuyên truyền, phổ biến đến người dân và doanh nghiệp trên địa bàn hiểu rõ về TMĐT trên website của Sở. Đồng thời tổ chức thực thi những quy định của pháp luật cũng như rà soát, kiểm tra hoạt động TMĐT và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực này. Bên cạnh đó, tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn để nâng cao kiến thức pháp luật về TMĐT cho cán bộ quản lý nhà nước.
Hiện nay, tỉnh cũng đã thành lập Trung tâm phục vụ hành chính công - đây là đầu mối tập trung, có chức năng thực hiện việc công khai, hướng dẫn thủ tục hành chính, tiếp nhận hồ sơ, đôn đốc, theo dõi việc giải quyết hồ sơ và kết quả cho cá nhân, tổ chức theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông trên địa bàn.
Đặc biệt, đối với các doanh nghiệp kinh doanh, xuất khẩu nông sản, Sở cũng khuyến khích ứng dụng TMĐT vào tiêu thụ nông sản, nhất là các mặt hàng nông sản chủ lực của tỉnh; hỗ trợ và động viên các doanh nghiệp xây dựng website phù hợp với mô hình sản xuất của doanh nghiệp và ứng dụng TMĐT chuyên ngành trong kinh doanh, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, hàng hóa, hướng dẫn doanh nghiệp triển khai quy trình bán hàng kết hợp thanh toán trực tuyến... nhằm tăng cường khả năng tiếp cận thị trường, mở rộng quy mô sản xuất và xuất khẩu. Các doanh nghiệp xuất nhập khẩu cũng tăng cường hợp tác về TMĐT với các đối tác thương mại trên thế giới để thúc đẩy hoạt động đầu tư, xuất khẩu những sản phẩm có lợi thế của mình.
Ứng dụng TMĐT trong hoạt động bán hàng tại Công ty TNHH Cao cao Nam Trường Sơn. |
Với sự vào cuộc tích cực của cơ quan chức năng, doanh nghiệp và người dân trên địa bàn, hiện toàn tỉnh đã có 31 website bán hàng đã được phê duyệt, hai website cung cấp dịch vụ TMĐT đã được xác nhận (gồm sàn giao dịch TMĐT và website đấu giá trực tuyến). Riêng trong năm 2018, Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp (thuộc Sở Công thương) phối hợp với Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công thương) triển khai “Đề án hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất kinh doanh” cho 4 doanh nghiệp trên địa bàn đăng ký website gồm: Công ty TNHH Thương mại dịch vụ Hương Mỹ (sản xuất cà phê rang xay), Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (sản xuất các sản phẩm ca cao), Công ty TNHH MTV 721 (sản xuất gạo) và Cơ sở sản xuất trà thảo mộc Xuân Sang (sản xuất trà thảo mộc). Theo ông Phan Đình Xuân, chủ Cơ sở sản xuất trà thảo mộc Xuân Sang, kinh doanh trong thời đại công nghệ số, cơ sở đã tận dụng được mạng xã hội để bán hàng trong phạm vi cả nước. Bước đầu, việc làm này đã mang về nhiều kết quả tích cực, giúp giảm bớt khâu trung gian và tiết giảm chi phí đi lại, từ đó cũng giúp hàng hóa của cơ sở được nhiều người tiêu dùng biết đến hơn.
ông Nguyễn Xuân Lợi, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển An Thái
|
Tuy nhiên, vấn đề phát triển TMĐT trên địa bàn tỉnh hiện đang gặp không ít khó khăn, thách thức. Đây là một lĩnh vực còn khá mới, phát triển nhanh và khó quản lý trong khi nguồn nhân lực ứng dụng TMĐT trong các doanh nghiệp trên địa bàn vẫn còn hạn chế, đội ngũ cán bộ chuyên trách TMĐT còn thiếu. Hầu hết các doanh nghiệp của tỉnh là doanh nghiệp vừa và nhỏ, quy mô hạn chế, chưa thật sự quan tâm, chú trọng công tác ứng dụng TMĐT trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.
Trong khi đó, các doanh nghiệp có ứng dụng dịch vụ TMĐT thì chủ yếu là làm dịch vụ, cung cấp sản phẩm với quy mô nhỏ lẻ, nhân lực về công nghệ thông tin chưa đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn, chưa có chính sách đãi ngộ đối với nhân lực công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp. Một số doanh nghiệp đã có website nhưng chỉ mới dừng lại ở mức độ cung cấp thông tin cơ bản chứ chưa tích hợp được các dịch vụ cộng sinh cho một quy trình TMĐT khép kín...
Bên cạnh đó việc giao dịch theo các phương thức truyền thống hiện vẫn đang là chủ yếu, một số doanh nghiệp và người dân chưa có sự tin tưởng vào hệ thống thanh toán và giao dịch TMĐT, điều này cũng là rào cản lớn trong việc thúc đẩy TMĐT phát triển ở địa phương...
Trước thực tế đó, để TMĐT phát triển trên địa bàn trong gian tới, Sở Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân và doanh nghiệp về luật an ninh mạng; phổ biến lợi ích của hoạt động này đến các doanh nghiệp và cá nhân kinh doanh trên địa bàn được biết và hiểu rõ; hỗ trợ doanh nghiệp xây dựng, thiết kế, nâng cấp website có đầy đủ chức năng bán hàng, thanh toán, quản lý hoạt động trực tuyến… Đồng thời, đơn vị cũng kiến nghị Bộ Công thương, Cục Thương mại điện tử và Kỹ thuật số có kế hoạch tổ chức các lớp tập huấn chuyên sâu về TMĐT cho cán bộ trên địa bàn cũng như xây dựng các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với hoạt động TMĐT; tiếp tục hỗ trợ địa phương tổ chức tập huấn nâng cao nhận thức về TMĐT, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực, xây dựng phát triển kết cấu hạ tầng TMĐT trong doanh nghiệp, hộ kinh doanh...
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc