Sản phẩm bột ca cao: Mập mờ nguồn gốc
Chất lượng ca cao Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường thế giới, đặc biệt là sản phẩm xuất xứ tại Đắk Lắk. Chính vì vậy mà hiện nay rất nhiều sản phẩm bột ca cao các nơi lấy nhãn hiệu của Đắk Lắk được bán tràn lan trên thị trường dưới nhiều hình thức.
Trong vài năm trở lại đây, trên thị trường trong nước xuất hiện rất nhiều sản phẩm bột ca cao nguyên chất ghi xuất xứ từ Đắk Lắk, với rất nhiều mức giá. Qua tìm hiểu có thể thấy một số sản phẩm không rõ ràng về nguồn gốc, chất lượng. Trên thực tế quy trình chế biến bột ca cao khá phức tạp, đòi hỏi phải có hệ thống máy móc và kỹ thuật cao, không phải ai cũng có thể chế biến được như các loại bột thông thường.
Song hiện nay, sản phẩm từ ca cao được rao bán tràn lan trên thị trường với số lượng lớn, trong đó nhiều loại được quảng cáo là "nhà làm", nhất là qua kênh bán hàng online. Nếu cần sản phẩm bột ca cao chỉ cần liên hệ qua Facebook, hoặc gọi điện trực tiếp thì các mối bán hàng sỉ, lẻ lập tức báo giá, số lượng có thể lên đến hàng tạ, thậm chí hàng tấn, trên bao bì đều ghi bột ca cao nguyên chất Đắk Lắk với những lời quảng cáo có cánh như “chống trầm cảm, chống oxy hóa cực cao, giúp cải thiện tuần hoàn máu hiệu quả, giảm nguy cơ bệnh mạch vòng và đột quỵ...”.
Công đoạn chế biến hạt ca cao thô ở Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana). |
Bột ca cao "nhà làm" cũng đủ mức giá, nhập sỉ hàng số lượng lớn thì giá “mềm” hơn. Trao đổi thông tin qua một trang chủ Facebook bán sản phẩm bột ca cao “có tiếng” trên địa bàn tỉnh được biết, nếu nhập hàng từ 1 tạ trở lên, giá nhập 68.000 đồng/kg; 10 kg giá nhập 80.000 đồng/kg; 5 kg giá 85.000 đồng/kg… Trong khi đó, giá bán lẻ trên thị trường ở các trang, nhóm bán hàng online thường có giá từ 150.000 – 180.000 đồng/kg.
Theo Sở NN-PTNT, thông thường, người trồng ca cao ở Đắk Lắk sau khi thu hoạch quả hoặc sẽ bán luôn cho các cơ sở thu mua hoặc sẽ tự làm các công đoạn chế biến thô như: lên men, phơi khô hạt rồi bán hạt thô cho doanh nghiệp chế biến. Sản lượng ca cao của Đắk Lắk đạt khoảng 1.300 tấn khô, phần lớn được các công ty, doanh nghiệp thu mua hết để phục vụ chế biến và xuất khẩu. Chính vì vậy, tình trạng bán bột ca cao xuất xứ Đắk Lắk với số lượng lớn ở các cơ sở nhỏ lẻ là không thể có, vì sản lượng ca cao Đắk Lắk không đủ nhiều để có thể sản xuất một lượng hàng lớn như vậy.
Hiện nay, việc sơ chế lên men hạt ca cao thường thực hiện ở các nông hộ, doanh nghiệp thu mua. Công nghiệp chế biến ca cao tại Việt Nam đến nay mới ở giai đoạn đầu, quy mô nhỏ với hình thức chế biến sản phẩm ca cao bán thành phẩm như bột nhão, bột ca cao, bơ ca cao, bánh kẹo, sữa, rượu. Những mặt hàng này chủ yếu cung ứng cho sản xuất thực phẩm trong nước. Trên phạm vi cả nước có một số doanh nghiệp có quy mô sơ chế và lên men ca cao lớn đã thu mua quả hoặc hạt ướt để sơ chế, lên men.
Đắk Lắk nên sớm có giải pháp đối với việc phát triển sản xuất ca cao cũng như việc bảo hộ sản phẩm, chủ động ngăn chặn các hành vi mạo danh sản phẩm để trục lợi. |
Ở Đắk Lắk, Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn (xã Ea Na, huyện Krông Ana) là doanh nghiệp tiên phong trong việc đầu tư máy móc, công nghệ chế biến hạt ca cao của Đắk Lắk thành các sản phẩm như: bơ ca cao, bột ca cao nguyên chất, chocolate… và đã có đăng ký thương hiệu sản phẩm. Trung bình, mỗi năm Công ty cung ứng ra thị trường từ 50-60 tấn sản phẩm làm từ ca cao (bột ca cao 3 trong 1, sôcôla đen, sôcôla sữa, ca cao xay nhuyễn), chủ yếu thị trường các tỉnh Khánh Hòa, TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội…
Ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho biết, việc chế biến ca cao trải qua từ 10-12 công đoạn, để cho ra bột ca cao cần một quy trình nghiêm ngặt, nếu không sẽ ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng của sản phẩm. Ông cũng khuyến cáo người tiêu dùng trước khi lựa chọn các sản phẩm chế biến từ quả ca cao như bột ca cao, sôcôla… cần đọc kỹ các thông tin trên bao bì về cơ sở sản xuất, nguồn gốc, công dụng, hạn sử dụng… Bởi thực tế hiện nay, một số thương lái, người bán hàng ở tỉnh ta và một số tỉnh, thành khác nhập bột ca cao từ Indonesia, Malaysia, với giá chỉ từ 30.000 – 40.000 đồng/ký, rồi về dán mác “Ca cao nhà làm”, “Ca cao Đắk Lắk”. Thực chất, đó chỉ là bột hương liệu có vị ca cao hoặc bột ca cao chất lượng thấp thường được sử dụng trong sản xuất bánh, kẹo. Việc làm nhái sản phẩm bột như vậy đang làm ảnh hưởng nhiều đến uy tín sản phẩm cũng như giảm lòng tin của khách hàng đối với các sản phẩm làm từ ca cao của Đắk Lắk.
Thu hoạch trái ca cao chín ở nông hộ tại huyện Krông Pắc. |
Thực tế cho thấy, các sản phẩm được chế biến từ hạt ca cao của Đắk Lắk có chất lượng không thua kém gì so với các sản phẩm nhập ngoại. Tuy nhiên, do diện tích, sản lượng ít nên việc xây dựng thương hiệu sản phẩm của tỉnh chưa được quan tâm, dẫn đến người tiêu dùng ở những nơi khác chưa nhận diện được đâu là cao cao của Đắk Lắk.
Minh Thuận-Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc