Multimedia Đọc Báo in

Thí điểm thành công mô hình chợ an toàn thực phẩm

09:05, 11/10/2019

Sau hơn 1 năm thực hiện, dự án xây dựng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm (ATTP) tại chợ Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột) bước đầu đã góp phần thay đổi nhận thức về ATTP của tiểu thương, tạo điều kiện thuận lợi hơn để người tiêu dùng dễ dàng tiếp cận với các loại thực phẩm an toàn, hợp vệ sinh, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng.

Toàn tỉnh hiện có 148 chợ, trong đó có 2 chợ hạng 1 và 15 chợ hạng 2, còn lại là chợ hạng 3 (gồm chợ tổng hợp, chợ dân sinh, chợ nông thôn, chợ tạm), với gần 10.000 hộ kinh doanh. Tại nhiều chợ, vấn đề vệ sinh ATTP chưa thật sự được coi trọng, nhất là những mặt hàng thực phẩm tươi sống như rau xanh, thịt gia súc, gia cầm, thủy, hải sản… Do đó, thực phẩm bẩn vẫn luôn là mối lo ngại của người tiêu dùng khi đi chợ.

Khu bày bán thực phẩm tươi sống tại chợ Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).
Khu bày bán thực phẩm tươi sống tại chợ Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột).

Trước thực trạng đó, tháng 5-2018, chợ Ea Tu được chọn thực hiện mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh ATTP, được cải tạo, nâng cấp cơ bản đáp ứng các tiêu chí TCVN 11856:2017- chợ kinh doanh thực phẩm. Đây là chợ hạng 3, có diện tích xây dựng 700,6 m2, diện tích sử dụng 3.800 m2 và đang hoạt động có hiệu quả. Chợ có khu kinh doanh hàng thực phẩm riêng biệt, chủ thể kinh doanh hàng thực phẩm cố định có đăng ký kinh doanh và xác định được nguồn gốc các mặt hàng thực phẩm chủ yếu đang mua bán trong chợ.

Từ khi triển khai mô hình, chợ có nhiều thay đổi tích cực: Lối đi vào chợ sạch sẽ, thông thoáng hơn; mặt sàn bằng phẳng, không đọng nước; quầy, sạp tinh tươm với nền gạch đá hoa cương, thực phẩm được đựng trong khay bằng inox chắc chắn… Quan trọng hơn, tiểu thương đã ý thức hơn về vệ sinh an toàn và bảo vệ ATTP cho khách, trang bị đầy đủ tạp dề, găng tay khi đứng bán hàng.

Có sự thay đổi này là nhờ trong giai đoạn thí điểm chợ ATTP, Sở Công thương đã hỗ trợ mua dụng cụ đặc thù, phối hợp với Ban quản lý chợ sửa chữa, nâng cấp một số hạng mục, tập huấn kiến thức ATTP, hỗ trợ khám sức khỏe và trang thiết bị phục vụ kinh doanh cho tiểu thương; trang bị sổ theo dõi nguồn gốc, xuất xứ đối với hàng thực phẩm cho Ban Quản lý chợ và các hộ tiểu thương kinh doanh trong chợ. Nguồn thực phẩm đưa bán vào chợ sẽ được các hộ tiểu thương mở sổ theo dõi kỹ càng như: ngày giờ nhập; tên nguyên liệu, thực phẩm, nơi cung cấp, số lượng…, qua đó giúp truy xuất được nguồn gốc, nguyên liệu đầu vào của thực phẩm. Vì thế, mặc dù là chợ nông thôn với nguồn hàng thực phẩm tươi sống chủ yếu là tự cung, tự cấp nhưng chợ Ea Tu vẫn rất nhộn nhịp trong khi nhiều chợ khác đang sụt giảm về lượng khách hàng. Nhờ đó, việc kinh doanh của các tiểu thương tại chợ cũng được thuận lợi hơn.

Tiểu thương chợ Ea Tu đã ý thức hơn về việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
Tiểu thương chợ Ea Tu đã ý thức hơn về việc bảo đảm an toàn thực phẩm.
 
"Nếu được công nhận chợ ATTP thì uy tín thương hiệu chợ sẽ gia tăng, hiệu quả kinh doanh sẽ được cải thiện. Mô hình chợ này sẽ là cơ sở để từng bước hoàn thiện và nhân rộng cho các chợ truyền thống khác trên địa bàn tỉnh theo lộ trình".
 
Ông Vũ Đình Trưng, Phó Giám đốc Sở Công thương

Theo ông Vũ Đình Trưng, Phó Giám đốc Sở Công thương, mô hình chợ thí điểm đã tạo điều kiện nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác quản lý nhà nước cũng như kinh doanh bảo đảm ATTP tại chợ, từ đó thúc đẩy việc liên kết sản xuất, tiêu thụ các sản phẩm có nguồn gốc rõ ràng, chất lượng và an toàn giữa các hộ kinh doanh tại chợ với người sản xuất; thu hút người tiêu dùng mua thực phẩm ở các quầy cố định tại chợ, góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh cho các tiểu thương.

Trước tình trạng vi phạm về ATTP diễn biến hết sức phức tạp, gây hoang mang, lo lắng cho người tiêu dùng thì việc duy trì, nhân rộng mô hình chợ thí điểm bảo đảm vệ sinh ATTP là yêu cầu bức thiết. Bởi nó không chỉ giúp người tiêu dùng được tiếp cận các sản phẩm thực phẩm an toàn mà còn góp phần khuyến khích những tập thể, cá nhân, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh. Và quan trọng hơn là, nếu được công nhận chợ ATTP thì uy tín thương hiệu chợ sẽ gia tăng, hiệu quả kinh doanh sẽ được cải thiện. Từ một số ngành hàng ban đầu, nếu triển khai hiệu quả thì sẽ lan tỏa sang những ngành hàng khác.

Đỗ Lan

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.