Thị xã Buôn Hồ: Nhiều chương trình khuyến công - khuyến nông trợ lực cho sản xuất, chăn nuôi
Để trợ lực cho hoạt động phát triển sản xuất, chăn nuôi của người dân, thị xã Buôn Hồ đã triển khai nhiều chương trình, đề án khuyến công, khuyến nông hỗ trợ các hộ dân nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.
Hơn 20 năm gắn bó với nghề rang xay cà phê bột, từ hai năm nay gia đình chị Nguyễn Thị Thu Nguyệt (Cơ sở sản xuất cà phê bột nguyên chất Buôn Hồ, phường An Lạc) đã ứng dụng tiến bộ công nghệ vào hoạt động sản xuất, không còn phải rang, xay thủ công từng mẻ cà phê như trước nữa.
Cụ thể, năm 2018, với sự hỗ trợ của chương trình khuyến công, gia đình chị đã mạnh dạn đầu tư hệ thống máy rang xay cà phê tự động để chế biến cà phê bột nguyên chất, công suất mỗi mẻ 60 kg, tổng kinh phí đầu tư 250 triệu đồng, trong đó Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh hỗ trợ 70 triệu đồng. Với hệ thống chế biến này, chất lượng sản phẩm cà phê được nâng lên, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.
Hơn thế nữa, việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất đã hạn chế được những nhược điểm so với rang xay thủ công trước đây như: tiết kiệm nguyên liệu, công lao động, kiểm soát được nhiệt độ trong quá trình rang cho chất lượng sản phẩm đồng đều, quá trình làm nguội nhanh nên không bị mất hương cà phê, hạt cà phê nở đồng đều, không bị ám khói, bụi bẩn được tách riêng nên cà phê không bị lẫn tạp chất… Hiện nay, đơn vị vừa gia công cho khách và sản xuất cà phê bột xuất đi nhiều địa phương khác với số lượng khoảng 1 tấn/tháng. Cùng với đó, sản phẩm cà phê nguyên chất Buôn Hồ đã đăng ký nhãn hiệu hàng hóa.
Hệ thống máy chế biến cà phê tự động tại Cơ sở sản xuất cà phê bột nguyên chất Buôn Hồ. |
Ở xã Ea Siên, nhờ chương trình khuyến nông của thị xã, mô hình nuôi gà thả vườn bằng phương pháp sử dụng đệm lót sinh học đã trở thành hướng phát triển kinh tế của nhiều hộ dân. Cuối năm 2017, Trạm Khuyến nông TX. Buôn Hồ đã hỗ trợ Hợp tác xã (HTX) nuôi gà thả vườn Minh Hạnh triển khai mô hình nuôi gà thả vườn trên đệm lót sinh học với 7 hội viên tham gia. Cụ thể, mỗi hộ được hỗ trợ 500 con gà giống và một phần chi phí thức ăn. Chỉ sau một thời gian ngắn, hiệu quả mô hình mang lại khá rõ rệt.
Theo bà Lê Thị Loan, một thành viên HTX, phương pháp chăn nuôi này tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp như trấu, mùn cưa, vỏ cà phê, thân cây ngô… trộn với men vi sinh tạo thành một lớp nền giúp khử được mùi hôi thối, ô nhiễm từ việc chăn nuôi, vật nuôi giảm được tỷ lệ mắc các loại dịch bệnh. Sau 3 tháng, trọng lượng bình quân khoảng 1,8 kg/con với giá bán sỉ hiện nay từ 60 – 65.000 đồng/kg và bán lẻ 70.000 đồng/kg mang lại nguồn thu nhập đáng kể cho các hộ gia đình.
Theo ông Nông Văn Lâm, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Siên, hiện nay, ngoài 7 thành viên trong HTX đang triển khai mô hình nuôi gà thả vườn trên đệm lót sinh học với trên 4.000 con thì nhiều hộ chăn nuôi nhỏ lẻ khác trên địa bàn xã cũng đã ứng dụng phương pháp này. Qua đó, người dân đã chuyển đổi từ mô hình chăn nuôi truyền thống sang nuôi trên đệm lót sinh học giúp giảm chi phí đầu tư nhờ tận dụng nguyên liệu là những phế phẩm nông nghiệp sẵn có; kỹ thuật lại không đòi hỏi cao, môi trường sống cũng như chăn nuôi được bảo đảm… mang lại nguồn kinh tế ổn định, lâu dài.
Chế biến cà phê bột tại Cơ sở sản xuất cà phê bột nguyên chất Buôn Hồ. |
Có thể nói, đây chỉ là một trong số những mô hình khuyến công, khuyến nông trên địa bàn thị xã Buôn Hồ được đầu tư và mang lại hiệu quả thiết thực, giúp người dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập. Trong đó, hoạt động khuyến công đã tạo động lực giúp nhiều các cơ sở sản xuất mạnh dạn đầu tư hệ thống máy móc, thiết bị để sản xuất kinh doanh hàng hóa có chất lượng cao. Hoạt động khuyến nông giúp người dân nắm vững những quy trình sản xuất, chăn nuôi, áp dụng tiến bộ kỹ thuật để nâng cao năng suất và hiệu quả kinh tế. Lợi ích thiết thực mà các đề án khuyến công – khuyến nông mang lại nữa đó chính là tạo ra những sản phẩm có giá trị kinh tế cao, đa dạng hóa sản phẩm của địa phương, nâng khả năng cạnh tranh trên thị trường.
Thúy Hồng
Ý kiến bạn đọc