Multimedia Đọc Báo in

Thu nhập cao nhờ trồng dâu nuôi tằm

10:51, 18/10/2019
Những năm gần đây, người dân xã Krông Nô (huyện Lắk) đã chuyển từ trồng hoa màu kém hiệu quả sang trồng dâu nuôi tằm, mang lại thu nhập cao.  
 
Trước đây, vợ chồng ông Bùi Văn Liên (buôn Dắk Rơ Mứt) làm nghề thu mua nông sản tại địa phương. Khi tuổi đã cao, sức khỏe yếu không thể bươn chải khắp nơi thu mua nông sản, năm 2012 vợ chồng ông quyết định mua 4 sào đất trồng hoa màu để trồng dâu nuôi tằm và yên tâm gắn bó với công việc này. 
 
Trung bình mỗi tháng gia đình ông nuôi được 2 hộp, mỗi hộp thu được 50-70 kg kén. Với giá bán 140.000 đồng/kg kén, ông thu lãi 12 triệu đồng/tháng. Bên cạnh đó, mỗi năm gia đình ông còn bán được 2,5 tấn giống dâu, thu lãi thêm 10 triệu đồng. Ông Liên chia sẻ, tằm rất dễ nuôi, chỉ cần đảm bảo nhà nuôi luôn sạch sẽ, thoáng mát, cho tằm ăn đều đặn, đúng giờ... trong 15 ngày đã thu hoạch được kén. 
Ông Bùi Văn Liên đang cho tằm ăn.
Ông Bùi Văn Liên đang cho tằm ăn.
 
Chuyển đến sinh sống ở buôn Rơ Cai B, xã Krông Nô từ năm 2015, gia đình ông Lê Hữu Đồi mang theo cả nghề trồng dâu nuôi tằm đã từng làm ở Lâm Đồng trước đó. Nhờ đất đai, khí hậu ở đây thích hợp với việc trồng dâu nuôi tằm nên nghề này ngày càng phát triển. Ông Đồi cho biết, gia đình ông nuôi tằm dưới nền nhà xi măng nên tằm ít bị bệnh và cho năng suất, chất lượng cao. Ngoài ra, ông chọn trồng giống dâu S7 có lá to, thân dài và tuổi thọ cây cao, nên lượng thức ăn dồi dào luôn đảm bảo cho tằm phát triển tốt. Đến nay, gia đình ông Đồi đã có 1,2 ha đất trồng dâu, nuôi 4-5 hộp tằm mỗi tháng, mỗi hộp thu được 50-70 kg kén. Với giá bán hiện tại 140.000 đồng/kg kén (có thời điểm lên đến 220.000 đồng/kg kén), sau khi trừ hết chi phí gia đình ông thu lãi gần 30 triệu đồng mỗi tháng.
Mô hình nuôi tằm của hộ dân trong xã .
Mô hình nuôi tằm của hộ dân trong xã.

Theo ông Bùi Văn Quảng, Phó Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Krông Nô, người dân ở đây đã chuyển đổi nhiều diện tích đất khô cằn, dễ ngập úng sang trồng dâu nuôi tằm, có hiệu quả kinh tế cao. Đến nay, xã có hơn 100 hộ trồng dâu nuôi tằm, trung bình mỗi hộ có diện tích đất trồng dâu từ 3 sào đến 1 ha. Riêng Hội Cựu chiến binh xã có 20 hội viên phát triển mô hình này. Các hội viên chủ động hỗ trợ nhau về kỹ thuật, cây giống, con giống để cùng phát triển nghề.

Để người dân cũng như các hội viên thuận lợi hơn về đầu ra, có thể tự cung cấp giống dâu, giống tằm, bán kén trực tiếp cho công ty ở tỉnh Lâm Đồng mà không qua thương lái..., Hội đã quyết định thành lập hợp tác xã (HTX) và đang trong thời gian hoàn tất hồ sơ. Khi HTX đi vào hoạt động sẽ giúp người dân mở rộng diện tích nuôi trồng, phát triển bền vững mô hình, tăng thu nhập, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Phương Thảo


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.