Multimedia Đọc Báo in

Thú vị "tour" trải nghiệm nông nghiệp... 0 đồng

07:38, 12/10/2019

Với mong muốn tạo môi trường chia sẻ kiến thức làm nông nghiệp hiện đại cho thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, anh Y Thuyl Niê (buôn A Yun, xã Cư Pơng, huyện Krông Búk) đã mạnh dạn tổ chức “tour” trải nghiệm nông nghiệp... 0 đồng.

Ngày chủ nhật cuối tháng 9, chúng tôi có cơ hội tham gia “tour” trải nghiệm nông nghiệp ...0 đồng do anh Y Thuyl Niê tổ chức tại buôn Brăh, xã Cư Dliê Mnông (huyện Cư M’gar). Tham gia “tour” lần này có 10 thanh niên Êđê đến từ các xã thuộc hai huyện Krông Búk và Cư M’gar. Để buổi tham quan diễn ra suôn sẻ, anh Y Thuyl lập kế hoạch rồi chia sẻ lên trang Facebook cá nhân cho mọi người tham khảo, sắp xếp thời gian. Ngày đi “tuor”, anh Y Thuyl có mặt từ sớm tại cổng buôn Brăh để đón các thành viên từ nơi xa đến. Có người anh đã từng gặp, cũng có người mới biết nhau qua mạng xã hội... tất cả bỡ ngỡ ban đầu đã được xua tan bằng màn chào hỏi thân mến bên ly cà phê thơm lừng.

Thanh niên Êđê tham quan vườn cà phê nhà anh Y Dịu.
Thanh niên Êđê tham quan vườn cà phê nhà anh Y Dịu.

Khi sương sớm tan dần, Y Thuyl đưa đoàn thăm vườn cà phê tái canh hơn 2 năm tuổi đang cho quả trĩu cành. Chủ vườn là anh Y Dịu Ktla chia sẻ, nhà có 6 sào cà phê già cỗi, nhưng do thiếu vốn nên tái canh trước 2 sào vào cuối năm 2017. Điều anh Y Dịu lo lắng nhất khi tái canh là bệnh tuyến trùng trên cây cà phê. May nhờ anh bạn Y Thuyl thường xuyên lui tới vườn hướng dẫn quy trình trồng từ khâu xử lý mầm bệnh trong đất, chọn giống, sử dụng phân bón... nên vườn cây nhà anh Y Dịu phát triển tươi tốt, tỷ lệ cây tái canh thành công đạt trên 85%.

Vừa chỉ vào cây cà phê đang dần xanh lại, anh Y Thuyl phân tích: Khi cây đã nhiễm bệnh tuyến trùng phải dùng thuốc hóa học điều trị, cần tuân thủ liều lượng và thời gian dùng; nếu trị 2 - 3 lần mà không thấy hồi phục thì nhổ bỏ, xử lý kỹ phần đất tránh lây sang cây khác. Những cây “ăn” thuốc xanh lại thì ta dùng thêm các loại chế phẩm sinh học để kích thích cây ra rễ (bệnh tuyến trùng thường tấn công vào bộ rễ). Người dùng nên chia lượng phân bón ra 4 - 5 lần bón/năm, khuyến khích sử dụng phân bón sinh học để tiến tới giảm dần việc lạm dụng phân bón hóa học... Những chia sẻ của anh Y Thuyl đều được các thành viên lắng nghe, trao đổi và ghi chép lại đầy đủ.

Anh Y Ngọc (buôn Drao, xã Cư Né, huyện Krông Búk) là thành viên tích cực, luôn có mặt trong các cuộc tham quan và tỉ mỉ dùng sổ ghi lại thông tin cho hay, lâu nay anh trồng cà phê theo lối truyền thống, khi cây bị bệnh mới trị chứ không có giải pháp tổng thể từ trồng - chăm sóc - phòng và trị bệnh. Qua chuyến tham quan thực tế, Y Ngọc có thêm kiến thức quý báu để áp dụng vào vườn cây gia đình.

Anh Y Thuyl Niê (bìa phải) hướng dẫn quy trình đổ thuốc trị bệnh cho cây cà phê.
Anh Y Thuyl Niê (bìa phải) hướng dẫn quy trình đổ thuốc trị bệnh cho cây cà phê.

Anh Y Thuyl Niê, người mở “tour” trải nghiệm nông nghiệp... 0 đồng tâm sự, ý tưởng này xuất phát từ mong muốn tạo môi trường cho thanh niên, nhất là thanh niên dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh có cơ hội đi thực tế học hỏi, tích lũy kinh nghiệm làm nông nghiệp. Đối tượng Y Thuyl hướng đến là những thanh niên trẻ đam mê làm nông nghiệp nhưng đang loay hoay tìm hướng canh tác hiện đại. Hơn ai hết, Y Thuyl là người hiểu rõ các bạn ấy rất cần cù, siêng năng nhưng lại yếu trong việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất dẫn đến hiệu quả kinh tế thấp.

Bản thân anh cũng từng rơi vào hoàn cảnh như vậy và anh đã thoát khỏi “bế tắc” khi là người đầu tiên ở buôn A Yun dám phá bỏ thói quen canh tác nông nghiệp truyền thống. Những kiến thức Y Thuyl có được phần lớn tích lũy trong qua trình tham gia các tour trải nghiệm thăm vườn cây do các hội nhóm nông nghiệp trên mạng xã hội tổ chức. Anh nhớ lại 4 năm về trước, trong túi chỉ có ít tiền nhưng hễ nghe đâu có vườn cây đẹp là tìm tới tận nơi tham quan, chủ động kết bạn với những anh em mới quen để học hỏi kinh nghiệm. Nay có được vốn kiến thức nhất định, Y Thuyl mạnh dạn đứng ra làm người kết nối. Anh đặt mục tiêu mỗi tháng mở một “tuor”. Tiền xăng xe anh em tự chủ động, tham quan xong, mỗi người góp ít tiền tổ chức nấu ăn, giao lưu thắt chặt tình đoàn kết.

Thanh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.