Multimedia Đọc Báo in

Tự tin khởi nghiệp

08:57, 25/10/2019

Với tinh thần dám nghĩ dám làm, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã mạnh dạn, tự tin khởi nghiệp, vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương.

Khởi nghiệp từ mô hình hoa lan

Là người có niềm đam mê đặc biệt với hoa lan, chị Nguyễn Thị Diệu Thúy (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) đã từng bước xây dựng thương hiệu Vườn lan Hồ Điệp Hà Mi được khách hàng gần xa biết đến. Trước đây, chị thường cùng người thân nhập hoa lan về bán kiếm thêm thu nhập vào dịp Tết, dần dần nhận thấy nhu cầu chơi hoa của người dân rất lớn nên chị Thúy đã nảy ra ý tưởng tự trồng hoa lan để bán. Năm 2009, chị Thúy mạnh dạn đầu tư 100 triệu đồng để xây dựng nhà kính và mua 500 giò lan Hồ Điệp từ Đà Lạt về trồng.

Thời gian đầu, do chưa nắm vững kỹ thuật, cách chăm sóc cũng như trang thiết bị còn thiếu thốn nên chị hầu như trắng tay vì lan thường bị thối lá, vòi hoa ngắn và hoa nở không đúng thời điểm. Không nản chí, sau lứa hoa đầu tiên thất bại, chị kiên trì học hỏi từ các nhà vườn có kinh nghiệm và tìm hiểu thêm trên mạng Internet để tiếp tục trồng đợt tiếp theo. Sau 2 năm đổ vốn vào hoa lan thì chị mới thuần dưỡng thành công loài cây này, từ đó việc trồng lan dần đi vào ổn định. Theo chị Thúy, từ tháng 6 đến tháng 9 là thời điểm lan ra vòi và kết hoa thì đến cuối năm hoa đã tàn nên để lan nở vào đúng dịp Tết thì việc xây dựng nhà kính giúp cây tránh được những biến đổi thất thường của thời tiết. Cùng với đó, người trồng phải biết cách siết nước, siết phân và giữ nhiệt độ ổn định từ 32-35 độ C giúp hoa nở đều và đồng loạt.

Chị Nguyễn Thị Diệu Thúy (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc vườn lan.
Chị Nguyễn Thị Diệu Thúy (phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột) chăm sóc vườn lan.

Tuy nhiên, sau đó chị lại khó khăn trong việc tìm đầu ra cho sản phẩm mặc dù vườn lan của chị là nơi đầu tiên trên địa bàn tỉnh có lan nở đúng vào dịp Tết. Ban đầu, chị đưa hoa ra bày bán và giới thiệu tại chợ hoa Tết để người tiêu dùng biết đến. Khi có khách muốn mua, chị trực tiếp đưa khách xuống vườn lan để xem và lựa chọn nhằm tránh tình trạng di chuyển nhiều khiến hoa rơi cánh, dập nát. Nhờ sự uy tín trong kinh doanh và chất lượng của sản phẩm, ngày càng có nhiều người đặt mua hoa lan của chị và có cả những mối hàng lấy với số lượng lớn.

Đến nay, chị đang sở hữu vườn lan rộng 300 m2, với 4.500 giò lan cung cấp cho thị trường trong tỉnh và một số vùng lân cận như: Đắk Nông, Gia Lai, Phú Yên, Thừa Thiên Huế. Đặc biệt vào dịp Tết, vườn lan của chị luôn rơi vào tình trạng cháy hàng. Trung bình mỗi năm, chị xuất ra thị trường 12.000 - 15.000 giò lan, giá bán dao động từ 120.000 - 135.000 đồng/giò, sau khi trừ chi phí thu lãi khoảng 700-800 triệu đồng/năm. Khi bước vào mùa vụ thu hoạch, vườn lan của chị cũng đã tạo việc làm cho khoảng 15 lao động phổ thông, với mức lương từ 6-8 triệu đồng/tháng. Hiện chị Thúy đang đầu tư xây dựng thêm một nhà kính rộng 250 m2 để mở rộng quy mô trồng và thị trường tiêu thụ.

Đến mô hình nuôi dạy trẻ

Sau khi lập gia đình, chị Đào Thị Hà (xã Pơng Đrang, huyện Krông Búk) đành bỏ dở giấc mơ nuôi dạy trẻ để ở nhà hỗ trợ công việc thiết kế mỹ thuật cùng chồng. Trong thời gian này, chị đã học nghề may để kiếm thêm thu nhập trang trải cho cuộc sống gia đình. Nhưng sau khi sinh con, nỗi nhớ nghề và tình yêu dành cho con trẻ lại trỗi dậy nên chị muốn mở một cơ sở nuôi dạy trẻ để có thể vừa chăm sóc con nhưng vẫn có thu nhập.

Năm 2012, được sự cho phép của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Búk, chị Thúy đã bỏ ra 300 triệu đồng xây dựng Cơ sở mầm non Gia đình có tổng diện tích 280 m2 gồm 3 phòng học và các công trình phụ trợ để nhận nuôi dạy trẻ. Ban đầu, cơ sở chỉ có khoảng 30 cháu nên chị Hà đảm nhiệm công việc đứng lớp. Khi số lượng trẻ gửi ngày càng đông, chị đã tuyển thêm giáo viên chuyên ngành mầm non về làm việc và mua sắm thêm dụng cụ học tập, đồ chơi để phục vụ việc vui chơi, học tập của các cháu được tốt hơn. Để nâng cao chất lượng, hiệu quả của cơ sở cũng như trau dồi thêm năng lực, trình độ cho bản thân, năm 2014 chị đã đăng ký tham gia học khóa Quản lý giáo dục mầm non. Hiện cơ sở mầm non của chị nhận nuôi dạy khoảng 100 trẻ.

Chị Đào Thị Hà (thứ 3 từ bên phải qua) đang trao đổi với các giáo viên làm việc tại Cơ sở mầm non Gia đình.
Chị Đào Thị Hà (thứ 3 từ bên phải qua) đang trao đổi với các giáo viên làm việc tại Cơ sở mầm non Gia đình.

Mô hình nuôi dạy trẻ này không chỉ giúp chị Hà có nguồn thu nhập ổn định khoảng hơn 120 triệu đồng/năm mà còn tạo việc làm ổn định cho 4 giáo viên và 1 nhân viên cấp dưỡng với mức lương từ 3,5 - 4 triệu đồng/tháng, trong đó có 2 cô giáo là người dân tộc Êđê đang sinh sống tại địa phương.

Tăng thêm thu nhập nhờ làm thiệp xuất khẩu

Đầu năm 2019, chị Bùi Thị Tố Ny, hội viên Chi hội phụ nữ thôn 9, xã Tân Hòa (huyện Buôn Đôn) được một người quen giới thiệu nghề làm thiệp xuất khẩu. Thấy công việc phù hợp, chị học nghề và nhận nguyên liệu về nhà làm để kiếm thêm thu nhập. Sau khi thạo nghề, chị Ny hướng dẫn hội viên ở địa phương làm thiệp xuất khẩu để tăng thêm thu nhập cho gia đình.

Từ sự khởi xướng của chị Ny và sự hỗ trợ của chị Trà, chủ cơ sở làm thiệp chính tại TP. Buôn Ma Thuột và Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Tân Hòa, Chi hội thôn 9 đã thành lập nhóm gia công thiệp xuất khẩu với 10 thành viên, do chị Ny làm tổ trưởng. Đây là công việc rất phù hợp với chị em ở nhà chăm sóc con nhỏ, chị em không có việc làm ổn định, làm việc nhẹ nhàng vào buổi tối và những lúc nông nhàn. Để làm nghề, mỗi thành viên đầu tư bộ dụng cụ khoảng từ 200.000 – 300.000 đồng, học nghề từ 3 - 10 ngày là thành thạo. Tùy vào từng loại sản phẩm, cứ trung bình 5 - 7 ngày, các chị lại gom sản phẩm để chị Ny giao cho xưởng chính tại TP. Buôn Ma Thuột chuyển hàng cho công ty ở TP. Hồ Chí Minh để xuất khẩu sang Mỹ và Hàn Quốc.

Các thành viên nhóm đang làm thiệp xuất khẩu.
Các thành viên nhóm đang làm thiệp xuất khẩu.

Chị Ny cho biết: “Lúc đầu sản phẩm của các chị chưa được đẹp, nhiều thiệp không đạt yêu cầu bị công ty trả lại, tôi phải bồi thường 2.000 - 5.000 đồng cho mỗi sản phẩm bị lỗi”. Dần dần, nhờ chịu khó vừa làm vừa học, rút kinh nghiệm nên các chị đã làm ra sản phẩm đạt yêu cầu, có đầu ra ổn định. Mỗi tấm thiệp, các chị kiếm được từ 7.000 – 15.000 đồng, tùy loại. Từ việc làm những chiếc thiệp được trang trí thủ công tỉ mỉ, đẹp mắt với nhiều mẫu mã đa dạng đã mang đến cho chị em thu nhập 2 - 5 triệu đồng/tháng/người.

Với những cách làm mạnh dạn, sáng tạo trong khởi nghiệp, nhiều phụ nữ trên địa bàn tỉnh đã từng bước vươn lên trong cuộc sống, khẳng định được vị thế của phụ nữ trong gia đình và xã hội; góp phần thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới tại địa phương.


Tuyết Mai – Len Phạm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.