Tuổi trẻ với khát vọng khởi nghiệp
Những năm gần đây, phong trào khởi nghiệp của thanh niên trong tỉnh diễn ra sôi nổi, lan tỏa rộng khắp, thể hiện khát vọng vươn lên làm giàu của tuổi trẻ. Nhiều thanh niên đã vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Quyết tâm làm giàu trên mảnh đất quê hương
Tốt nghiệp Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh và có 6 năm công tác ở thành phố mang tên Bác nhưng chị Hoàng Thị Thơm (SN 1991, phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột) vẫn mong muốn được làm giàu trên mảnh đất quê hương. Năm 2017, chị Thơm trở về Đắk Lắk thành lập Công ty TNHH MTV Đầu tư thương mại và tư vấn Banme Central để sản xuất tinh dầu từ những sản phẩm địa phương như: dầu sả, hương nhu, húng quế, cam, chanh, bưởi… Kiên trì khởi nghiệp, chị nỗ lực vượt qua không ít khó khăn ban đầu, nhất là về mua sắm máy móc, thiết bị để chưng cất tinh dầu (giá từ 200 - 300 triệu đồng/nồi) và đầu ra cho sản phẩm khi người tiêu dùng chưa hiểu hết tác dụng của tinh dầu thiên nhiên. Dần dần, sản phẩm của công ty chị đã được người tiêu dùng đón nhận. Ngoài khách hàng mua lẻ, công ty còn liên kết với các khách sạn, công ty dược, phòng khám, bệnh viện… trong và ngoài tỉnh để mở rộng thị trường tiêu thụ, doanh thu từng bước ổn định và ngày càng tăng. Chị Thơm cho biết: “Mong muốn của tôi hiện nay là có sự trợ lực về vốn để tiếp tục đầu tư trang thiết bị, máy móc. Sắp tới, tôi sẽ khuyến khích người dân chuyển đổi canh tác ở các vùng đất kém hiệu quả sang trồng các loại cây cho tinh dầu để cải thiện thu nhập”.
Gian hàng thanh niên tham gia Ngày hội khởi nghiệp tỉnh lần thứ I năm 2019. |
Tương tự, dù đã tốt nghiệp Trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP. Hồ Chí Minh và có nhiều năm lập nghiệp xa quê nhưng chị Phan Thị Hồng Nhi (SN 1983, thị trấn Krông Năng, huyện Krông Năng) vẫn quyết tâm trở về quê hương mở cơ sở sản xuất cà phê sạch. Thời gian đầu, cơ sở của chị chỉ gửi bán ở những quán cà phê quen để khách hàng dùng thử, dần dần sản phẩm được khách hàng tin dùng, hiện nay đã bán rộng rãi trên thị trường trong và ngoài tỉnh. Trung bình mỗi tháng, cơ sở của chị bán ra thị trường 4 tạ cà phê bột, cho thu nhập hằng năm trên 200 triệu đồng. Chị Nhi cho biết: “Bây giờ khách hàng rất thích nông sản sạch. Mình cứ làm cà phê sạch thật nghiêm túc, tìm đối tác để bán trực tiếp chứ không qua khâu trung gian và chủ yếu “lấy công làm lời” nên người mua sẽ mua được hàng tốt còn mình cũng bán được với giá tốt”.
Gian hàng thanh niên tham gia Ngày hội khởi nghiệp tỉnh lần thứ I năm 2019. |
Hay như câu chuyện khởi nghiệp từ rượu cần truyền thống của anh Y Knap (SN 1989, xã Ea M’droh, huyện Cư M’gar) cũng khiến nhiều người bất ngờ. Y Knap từng có 3 năm công tác ở TP. Hồ Chí Minh với chuyên ngành điện tử nhưng khi lập gia đình lại cùng vợ về quê lập nghiệp. Trong một lần tình cờ được thưởng thức rượu cần truyền thống của người Êđê (Y Knap là dân tộc M’nông - PV) anh nảy sinh ý tưởng khởi nghiệp với rượu cần. Theo anh Y Knap, hiện nay chỉ còn những người lớn tuổi mới nắm được quy trình sản xuất rượu cần còn người trẻ hầu hết thờ ơ nên nghề này đang mai một dần. Anh quyết định khởi nghiệp từ rượu nhằm góp phần bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Êđê, đồng thời tăng thu nhập cho gia đình. Hiện tại, bình quân mỗi tháng anh nấu khoảng 20 ché theo đơn đặt hàng, vào dịp lễ, Tết số lượng tăng hơn, đem lại nguồn thu nhập ổn định…
Chị Phan Thị Hồng Nhi giới thiệu về quy trình sản xuất cà phê sạch. |
Khởi nghiệp từ sản phẩm xà bông thiên nhiên
Nắm bắt xu hướng người tiêu dùng đang ưa chuộng các sản phẩm từ thiên nhiên và thân thiện với môi trường, nhóm 5 sinh viên đến từ các chuyên ngành khác nhau của Trường Đại học Tây Nguyên đã mạnh dạn lên ý tưởng, lập kế hoạch khởi nghiệp với sản phẩm xà bông thiên nhiên và tinh dầu thảo dược.
Các thành viên trong nhóm của Trường Đại học Tây Nguyên cân nguyên liệu sản xuất xà bông thiên nhiên. |
Dự án “Thương mại hóa sản phẩm hương cao nguyên” với chủ đề “Mang đại ngàn đến với căn phòng của bạn” do sinh viên Lê Văn Đức (lớp Khoa học cây trồng K18, khoa Nông lâm nghiệp) và các bạn là: Lê Nguyễn Trung Hiếu (lớp Bảo vệ thực vật K18, khoa Nông lâm nghiệp), Nguyễn Thanh Hương (lớp Kinh doanh thương mại K18, khoa Kinh tế), Hoàng Văn Công (lớp Công nghệ sau thu hoạch K17, khoa Nông lâm nghiệp), Nguyễn Tấn Cảnh (lớp Công nghệ sau thu hoạch K17, khoa Nông lâm nghiệp)… thực hiện. Các sản phẩm là xà bông thiên nhiên và tinh dầu thảo mộc được tiến hành sản xuất ngay trong phòng thực nghiệm Trường Đại học Tây Nguyên và nhận được sự cố vấn, hỗ trợ của các giảng viên có chuyên môn sâu trong ngành để tạo sản phẩm với chất lượng tốt nhất.
Khi triển khai nghiên cứu đề tài, các thành viên trong nhóm gặp không ít khó khăn như xà phòng khó đông, chưa phù hợp về tỷ lệ hương thơm. Nếu pha chế không đúng màu, mùi hương không chuẩn hay bánh xà phòng không có hương thơm thảo dược, toàn bộ mẻ pha chế sẽ phải bỏ đi. Nhiều lần thất bại, nhóm tốn khá nhiều nguyên liệu để pha chế. Bạn Lê Văn Đức chia sẻ: “Có những lúc nhóm nghiên cứu bế tắc vì làm mãi không ra kết quả. Chúng em phải ngồi lại với nhau phân tích nguyên nhân và đọc tài liệu chuyên ngành, tạp chí khoa học, các bài báo quốc tế, cũng như miệt mài trên phòng thí nghiệm để tối ưu hóa quy trình. May mắn là chúng em nhận được sự hỗ trợ và cố vấn kịp thời của các thầy cô”.
Hơn một năm thực nghiệm với sản phẩm thiên nhiên, nhóm nghiên cứu đã tạo được nhiều loại xà phòng từ nghệ, trà xanh, quế, bạc hà và chanh... với màu sắc và hình dạng bắt mắt. Xà phòng được làm từ dầu dừa, dầu sa chi, dầu bơ… kết hợp với các loại tinh dầu, bột lá thảo dược (bột than tre, cà phê, chùm ngây, lá hương nhu, lá tía tô) với liều lượng phù hợp. Mỗi mẻ bánh xà phòng được thực hiện từ 6 - 12 giờ tùy vào số lượng và kích thước. Đặc biệt, xà phòng thảo dược làm được đóng gói bằng giấy kraft (dễ dàng phân hủy). Sản phẩm tinh dầu được các bạn sinh viên chiết xuất từ các nguồn nguyên liệu sẵn có ở Đắk Lắk như cà phê, hương nhu, sả chanh, bạc hà...
Do hoàn toàn từ tự nhiên nên sản phẩm an toàn, không gây kích ứng và phù hợp với da nhạy cảm, lại rất thân thiện với môi trường. Giá bán các sản phẩm cũng khá mềm, phù hợp với nhiều đối tượng người tiêu dùng. Tính từ tháng 4-2019 đến nay, nhóm đã sản xuất được 600 bánh xà bông thảo dược, 300 lít dầu dừa và hàng trăm chai tinh dầu thảo dược các loại.
Dự án “Thương mại hóa sản phẩm hương cao nguyên” của nhóm sinh viên Trường Đại học Tây Nguyên đã lọt vào tốp 50 dự án (trên tổng số 300 đơn vị gửi hồ sơ) tham gia Vòng chung kết cuộc thi: “Ngày hội khởi nghiệp quốc gia của học sinh, sinh viên năm 2019” tại Trường Đại học Bách khoa Hà Nội vào đầu tháng 10-2019.
"Các bạn thanh niên không nên khởi nghiệp theo phong trào, thiếu sự chuẩn bị mà cần có sự đầu tư nghiêm túc. Thời gian tới, rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa của các cấp, ngành về việc tạo cơ chế phù hợp để thanh niên khởi nghiệp”.
Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh Trần Doãn Tới
|
Chia sẻ về định hướng lâu dài cho dự án, Ths. Nguyễn Thị Thảo, giảng viên khoa Nông lâm nghiệp, một trong những giáo viên hướng dẫn nhóm cho biết: “Mục đích chính của dự án là tận dụng được nguồn nguyên liệu quý giá sẵn có ở địa phương, nâng cao giá trị nguyên liệu của người dân, tạo công việc làm thêm cho sinh viên và người dân trong vùng. Trong tương lai, nhóm sinh viên nghiên cứu với sự hỗ trợ của các thầy cô sẽ hướng tới tối ưu hóa quy trình tách tinh dầu từ thảo dược, nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo thêm những dòng sản phẩm đa dạng khác".
Tiếp sức cho thanh niên khởi nghiệp
Trong quá trình khởi nghiệp, thanh niên thường phải đối diện với những khó khăn về định hướng nghề nghiệp, thiếu vốn, kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Vì vậy, các cấp bộ Đoàn - Hội đã và đang có sự hỗ trợ để họ từng bước tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tinh thần sáng tạo để ngày càng có nhiều thanh niên khởi nghiệp thành công. Theo đó, Ủy ban Hội LHTN Việt Nam tỉnh đã ban hành "Đề án hỗ trợ thanh niên khởi nghiệp giai đoạn 2016 - 2019", chú trọng việc hỗ trợ, giới thiệu việc làm cho thanh niên, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, sinh viên; hỗ trợ các suất vốn khởi nghiệp và hướng dẫn thanh niên vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Từ năm 2014 đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 45 câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp và làm kinh tế giỏi; trao 38 suất vốn khởi nghiệp cho thanh niên phát triển kinh tế với tổng số vốn khoảng 620 triệu đồng; có 26 đề án sau khi được hỗ trợ đã làm ăn, kinh doanh có hiệu quả và hoàn trả vốn…
Tuy nhiên, khởi nghiệp là vấn đề không hề dễ dàng. Theo anh Trần Doãn Tới, Phó Chủ tịch Hội LHTN Việt Nam tỉnh, hiện nay nhu cầu khởi nghiệp của thanh niên trong tỉnh ngày càng tăng, một số ý tưởng, mô hình hay, sáng tạo được ghi nhận, đánh giá cao. Tuy nhiên, do một số khó khăn nhất định, đặc biệt là về nguồn vốn nên các mô hình vẫn chỉ nằm trên ý tưởng. Thực tế cho thấy, không phải ai cũng có thể khởi nghiệp, bởi tỷ lệ thành công rất thấp (khoảng 2%). Để khởi nghiệp thành công, một thanh niên cần có sự chuẩn bị về ý tưởng, kiến thức, kỹ năng, vốn và nhiều yếu tố khác. Nếu không có sự chuẩn bị kỹ khi thất bại sẽ để lại những hậu quả rất nặng nề về tâm lý, tốn kém tiền bạc, nguồn lực...
Thế Hùng - Đoàn Dũng
Ý kiến bạn đọc