Vị thế nào cho cây ca cao? (Kỳ 1)
Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sản xuất ca cao có hương vị tốt nhất thế giới. Hiện nay, sản xuất ca cao trong nước vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu thu mua của các đơn vị trong và ngoài nước để chế biến, xuất khẩu. Thế nhưng diện tích ca cao thì vẫn không tăng mà còn có xu hướng giảm dần, khó phục hồi. Vậy đâu là nguyên nhân của tình trạng này?
Kỳ 1: Nhiều lợi thế phát triển nhưng khó cạnh tranh
Mặc dù cây ca cao có lợi thế lớn khi được các doanh nghiệp thu mua, chế biến ca cao trong và ngoài nước “săn” hàng, tuy nhiên do phát triển sau nên phải cạnh tranh khốc liệt với các loại cây công nghiệp khác trên đất Tây Nguyên.
Khẳng định giá trị
Cây ca cao có mặt ở Việt Nam khá sớm (khoảng cuối thế kỷ 19), trong đó có Đắk Lắk. Nhưng mãi đến năm 2007, khi Dự án phát triển ca cao bền vững tại các nông hộ được triển khai thì cây ca cao mới thực sự có chỗ đứng trên vùng đất Tây Nguyên và một số tỉnh khác. Và cũng từ đó, sản lượng cũng như chất lượng ca cao tăng lên, góp phần đưa giá trị hạt ca cao của Việt Nam vượt qua Indonesia và được xếp vào nhóm nước có chất lượng sản phẩm cao như Brazil, Ghana, Bờ Biển Ngà. Đã có rất nhiều hộ nông dân trồng thành công cây ca cao và đem lại hiệu quả kinh tế cao, đơn cử như HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt (thôn 4, xã Ea Sar, huyện Ea Kar). Thành lập từ năm 2011, hoạt động của HTX đã có những bước phát triển vượt bậc với cây ca cao.
Ông Đường Văn Đình, Giám đốc HTX cho biết, nhận thấy hạt ca cao là sản phẩm tiềm năng ở vùng đất này nên ông lựa chọn cây ca cao để phát triển, đồng thời hướng dẫn nông dân canh tác theo quy trình Chứng nhận quốc tế UTZ và Thương mại công bằng (Fairtrade). Để phát triển bền vững, HTX đứng ra cung ứng cả đầu vào (giống, phân bón, quy trình chăm sóc…) và liên kết với doanh nghiệp bao tiêu đầu ra cho nông dân. Chính yêu cầu cao của đối tác là động lực cho các thành viên HTX chăm sóc tốt vườn cây, giúp năng suất ca cao của HTX tăng cao, đạt bình quân 2 - 2,5 tấn/ha.
Nông dân trồng ca cao ở xã Ea Sar (huyện Ea Kar) chăm sóc vườn cây. |
Theo Cục Trồng trọt, thời gian qua, mặc dù diện tích có sụt giảm, nhưng hiện nay ca cao đang có những tín hiệu rất tốt và có triển vọng. Đặc biệt, hạt ca cao Việt Nam đã được vào danh sách ca cao có hương vị tốt hàng đầu thế giới do Tổ chức Ca cao thế giới (ICO) công nhận vào năm 2015. Hiện trên thế giới có 60 nước sản xuất ca cao, nhưng để đạt được danh hiệu này không phải là nhiều. Đây là lợi thế rất lớn để Việt Nam tham gia vào các nước sản xuất ca cao hương vị chất lượng cao.
Hiện cả nước có 2 đơn vị sản xuất được cấp chứng nhận UTZ, với 286 hộ, 285 ha và sản lượng 330,3 tấn tại các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đồng Nai, Bến Tre. Ngoài ra, về chứng nhận nhà máy chế biến xuất khẩu ca cao hạt có 1 đơn vị, về chứng nhận chế biến chocolate và sản phẩm tiêu dùng 4 đơn vị, nhà thương mại 8 đơn vị. |
Ngoài ra, ca cao Việt Nam còn đứng trước cơ hội lớn nữa là nhu cầu về các sản phẩm ca cao trên toàn thế giới đang tăng cao. Thêm vào đó, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở châu Á xuất khẩu hạt ca cao lên men và có vị thế chiến lược để đáp ứng nhu cầu hạt ca cao lên men cho các nhà sản xuất chocolate… Hiện ca cao Việt Nam đã xuất khẩu hàng trăm tấn hạt ra thị trường thế giới, trong đó có thị trường khó tính như Nhật Bản. Đây chính là những tiền đề tốt cho việc phát triển cây ca cao trong tương lai.
Chưa tìm được chỗ đứng
Ban điều phối Phát triển Ca cao Việt Nam cho biết, việc phát triển diện tích ca cao Việt Nam tiếp tục gặp khó khăn, đỉnh cao về diện tích ca cao đạt được là vào năm 2012, với 25.700 ha, sau đó diện tích liên tục giảm và đến năm 2018 còn 5.833 ha, giảm 19.867 ha, bằng 22,7% so với năm 2012. Tỉnh Bến Tre có diện tích giảm nhiều nhất, hiện có 345 ha, giảm 9.655 ha, tiếp đó là Đắk Lắk hiện còn gần 1.400 ha, giảm trên 1.000 ha so với cuối năm 2012. Ngoài ra một số tỉnh có diện tích giảm nhiều gồm Bình Phước, Lâm Đồng, Bà Rịa - Vũng Tàu, Tiền Giang.
Hạt ca cao lên men được phơi sấy trên hệ thống giàn phơi để bảo đảm chất lượng hạt. |
Nguyên nhân là do giá ca cao biến động và ở một số thời điểm xuống thấp vào cuối năm 2012 đến năm 2013, trong khi đó một số cây trồng như bưởi da xanh, sầu riêng, dừa, cam… tại các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long có giá trị kinh tế cao hơn hẳn ca cao; ở Tây Nguyên và Đông Nam Bộ các cây trồng có hiệu quả cao như sầu riêng, bơ... nên người nông dân đã chuyển cao ca sang trồng cây khác. Ngoài ra, một số vùng sản xuất ca cao chưa phù hợp với điều kiện sinh thái, đất đai, điều kiện canh tác, những năm đầu phát triển chủ yếu dự vào các dự án tài trợ của nước ngoài vào một số địa phương.
Điều đáng nói là mục tiêu và địa bàn mà các dự án thường hướng đến là đối tượng hộ nghèo, hộ khó khăn; quy mô sản xuất nhỏ; hướng dẫn kỹ thuật chưa thấu đáo; trồng phân tán, nhỏ lẻ, khó đầu tư thâm canh. Vì vậy, một số diện tích sinh trưởng kém, sâu bệnh nhiều, năng suất thấp; một số diện tích trồng trong vùng không thích hợp thường xuyên thiếu nước vào mùa khô (Tây Nguyên và Đông Nam Bộ), nhiễm phèn mặn (Đồng bằng sông Cửu Long). Trong khi đó, chính sách hỗ trợ phát triển ca cao chưa nhiều và đủ mạnh để thúc đẩy sản xuất ca cao, liên kết sản xuất phát triển.
Theo Sở NN-PTNT, hiện Đắk Lắk đang dẫn đầu cả nước về diện tích ca cao, tuy nhiên vẫn không thể cạnh tranh về hiệu quả kinh tế với cây tiêu, cà phê và hiện tại là các loại cây ăn trái, nhất là bơ, sầu riêng. Do đó, diện tích ngày càng giảm và phát triển cây ca cao đã không đạt mục tiêu đề ra từ năm 2015 theo Nghị quyết số 40/2011/NQ-HĐND về phát triển cây ca cao trên địa bàn tỉnh, đó là diện tích trồng đạt 6.000 ha, trong đó 2.000 ha cho thu hoạch, sản lượng đạt 2.800 đến 3.000 tấn.
(còn nữa)
Minh Thuận - Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc