Multimedia Đọc Báo in

Vị thế nào cho cây ca cao? (Kỳ 2)

08:59, 08/10/2019

Kỳ 2: Giải pháp để phát huy lợi thế sẵn có

Không thể phủ nhận, ca cao Việt Nam nói chung và Đắk Lắk nói riêng đang có nhiều lợi thế trên thị trường toàn cầu. Tuy nhiên, vấn đề tăng giá trị sản phẩm ca cao và tạo thế cạnh tranh mạnh với những cây trồng khác đang đặt ra nhiều vấn đề cần giải quyết.

Đẩy mạnh liên kết

Thực tế trong sản xuất những năm qua cho thấy, ca cao được đánh giá là cây có nhiều tiềm năng, nhận được sự quan tâm hỗ trợ của các dự án, tổ chức, công ty trong và ngoài nước và hỗ trợ của ngành Nông nghiệp địa phương thông qua vật chất (cây giống, cho vay phân bón…), tập huấn kỹ thuật sản xuất, sơ chế và lên men ca cao. Đã có nhiều mô hình thành công trong sản xuất ca cao nhờ học hỏi kinh nghiệm, nắm bắt tốt kỹ thuật và đầu tư, chăm sóc đúng mức cho cây ca cao.

Mặc dù phát triển cây ca cao vẫn không đạt mục tiêu như kỳ vọng, nhưng Việt Nam cũng ghi nhận tín hiệu tích cực trong việc đầu tư sản xuất ca cao quy mô tập trung được một số tổ chức quốc tế, doanh nghiệp trong nước đầu tư. Điển hình như Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức liên kết với nông dân đầu tư phát triển vùng chuyên canh cây ca cao theo tiêu chuẩn UTZ.

Hiện tại vùng nguyên liệu do công ty đầu tư và thu mua đã lên hơn 600 ha trải rộng khắp trên ba tỉnh Đồng Nai (Trảng Bom, Thống Nhất, Xuân Lộc, Định Quán, Tân Phú), Lâm Đồng (Đạ Huoai, Đạ Teh, Đơn Dương, Đam Rông) và Bình Thuận (Tánh Linh, Đức Linh) với sản lượng lên đến gần 600 tấn hạt khô trong năm 2018. Mục tiêu thu mua của công ty trong năm 2019 khoảng 700 tấn hạt. Bên cạnh đó, để sản phẩm ca cao được biết đến nhiều hơn công ty đã mở trạm dừng chân “Thế giới ca cao” liên kết với các tour du lịch để khách tham quan có cơ hội tham gia trồng, chăm sóc, chế biến và thưởng thức hương vị đặc trưng, nguyên chất của các sản phẩm ca cao ngay tại công ty.

Thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt phơi sấy hạt ca cao lên men được làm theo quy trình chứng nhận FLO.
Thành viên HTX Nông nghiệp dịch vụ và thương mại Thành Đạt phơi sấy hạt ca cao lên men được làm theo quy trình chứng nhận FLO.

Theo đại diện Công ty TNHH Ca cao Trọng Đức, muốn ca cao phát triển bền vững và hiệu quả không chỉ nỗ lực của công ty là đủ mà còn cần có sự phối hợp của các tổ chức đại diện nông dân (hợp tác xã, tổ hợp tác) do đó việc củng cố hoạt động của các tổ chức này rất được đơn vị quan tâm. Hiện tại công ty đã hỗ trợ thành lập được 2 hợp tác xã ca cao và 17 tổ hợp tác trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, Bình Thuận. Để chuỗi liên kết phát huy được hiệu quả, công ty đã hỗ trợ về cách thức tổ chức và chi phí hoạt động cho tổ hợp tác và hợp tác xã thông qua hoạt động thu gom trái cho công ty.

Còn ông Trương Ngọc Quang, Giám đốc Công ty TNHH Ca cao Nam Trường Sơn cho hay, hiện đơn vị đã được Chi cục Phát triển nông thôn Đắk Lắk phê duyệt Dự án nâng cao giá trị ca cao từ trồng, thu hoạch đến chế biến và thương mại sản phẩm. Theo đó, công ty sẽ trực tiếp kết nối với bà con nông dân ở hai huyện Ea Kar và Krông Ana và một số hợp tác xã có trồng ca cao để cung ứng hạt cho công ty chế biến, thương mại ra thị trường. Hiện công ty cũng đang hợp tác với thương hiệu Miss Ede để đẩy mạnh vấn đề thương mại sản phẩm.

Hướng đến chiến lược toàn diện

Sản xuất ca cao của Việt Nam nói chung, Đắk Lắk nói riêng đang đứng trước nhiều cơ hội là nhu cầu tiêu thụ của thế giới đang tăng cao, đặc biệt là châu Á. Theo nhận định của các chuyên gia, vào năm 2020 thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 1 triệu tấn ca cao do nhu cầu tăng, cộng với sự sụt giảm về sản lượng của các nước có thế mạnh như Ghana và Bờ Biển Ngà vì diện tích ca cao già cỗi trong khi hoạt động trồng mới chưa thay thế kịp. Thêm vào đó, các nước trồng ca cao ở châu Á, đặc biệt là Indonesia, quốc gia sản xuất ca cao lớn nhất châu Á cũng giảm sản lượng và chất lượng.

Trong khi đó, chất lượng ca cao Việt Nam đang được đánh giá cao và có cơ hội chiếm lĩnh thị trường ca cao cao cấp. Hiện giá hạt ca cao khô của Việt Nam đang ở mức giá khá ổn định, được các doanh nghiệp thu mua dao động từ 50.000-80.000 đồng/kg, cao hơn mức giá của thế giới khoảng từ 10.000-20.000 đồng/kg do chất lượng ca cao Việt Nam ngon nhưng số lượng lại ít hơn các nước khác. Nếu so sánh về giá với các loại cây công nghiệp khác như tiêu, cà phê thì rõ ràng hiện nay cây ca cao đang dẫn đầu, tuy nhiên do chưa được quan tâm đầu tư nên năng suất chưa cao dẫn đến hiệu quả kinh tế mang lại chưa như mong đợi.

Chính vì vậy, từ lợi thế cây ca cao đã có nền tảng sản xuất tốt, về lâu dài cần có chiến lược toàn diện cho ngành ca cao, đó là phát triển theo hướng chất lượng, trên cơ sở thâm canh tăng năng suất, sản lượng và hiệu quả kinh tế, nâng cao thu nhập cho người dân. Giải pháp trước mắt là tiếp tục duy trì diện tích hiện có, phát triển diện tích trồng xen với điều, dừa, cây ăn quả tại những vùng tập trung có điều kiện sinh thái, đất đai, quy mô nông hộ đủ lớn, có nguồn lực đầu tư sản xuất, ưu tiên vùng có điều kiện nước tưới.

Bên cạnh đó, có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất, xây dựng vùng sản xuất tập trung thông qua liên kết sản xuất với nông dân; phát triển sản xuất ca cao trên cơ sở sản xuất theo hướng thâm canh, chất lượng, sản xuất chứng nhận; đẩy mạnh phát triển ngành chế biến ca cao trong nước, khuyến khích các mô hình sản xuất gắn với chế biến và tiêu thụ sản phẩm ca cao trong nước, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm ca cao của các công ty trong nước. 

Theo Ban điều phối Phát triển Ca cao Việt Nam, căn cứ vào quy hoạch tổng thể đã được Bộ NN-PTNT phê duyệt, các tỉnh rà soát, đánh giá tình hình phát triển ca cao trên địa bàn tỉnh, xác định vùng sản xuất phù hợp, quy mô diện tích đủ lớn. Đối với các tỉnh bổ sung ca cao vào đối tượng cây trồng trong Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp cần có kế hoạch đầu tư, hỗ trợ sản xuất. Phát triển ngành hàng ca cao theo chuỗi giá trị, từ sản xuất, chế biến đến tiêu dùng, đa dạng hóa sản phẩm, kết hợp sản xuất, sơ chế với du lịch; tăng cường quản lý Nhà nước về tiêu chuẩn chất lượng, đặc biệt là chất lượng ca cao xuất khẩu nhằm xây dựng thương hiệu ca cao Việt Nam ngay từ bây giờ.

Do chất lượng ca cao Việt Nam được đánh giá cao trên thị trường thế giới, đặc biệt là sản phẩm xuất xứ tại Đắk Lắk nên hiện nay đang xảy ra tình trạng không ít thương lái nhập bột ca cao từ các nước Indonesia, Malaysia rồi lấy nhãn hiệu ca cao Đắk Lắk để bán tràn lan trên thị trường trong nước với mức giá thấp hơn rất nhiều. Điều này không những làm ảnh hưởng uy tín của sản phẩm ca cao có nguồn gốc tại Đắk Lắk mà còn mất niềm tin của người tiêu dùng đối với ca cao Việt Nam nói chung.

Minh Thuận - Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.