Vùng trồng tiêu Cư Kuin lao đao vì dịch bệnh hoành hành
Sắp đến vụ thu hoạch nhưng hàng loạt vườn tiêu bị nhiễm bệnh vàng lá chết nhanh, chết chậm khiến người trồng tiêu ở huyện Cư Kuin không khỏi hoang mang, lo lắng.
Nhiều vườn tiêu mất trắng
Chỉ còn hơn 2 tháng nữa hồ tiêu bước vào vụ thu hoạch, nhưng hiện nay hầu hết người dân trồng hồ tiêu tại thôn 9 (xã Ea Bhốk) đang phải đối mặt với nguy cơ mất trắng do cây tiêu bị nhiễm bệnh. Bà Trần Thị Đào (thôn 9, xã Ea Bhốk) cho biết, kinh tế gia đình phụ thuộc vào 1 ha trồng hồ tiêu (4 sào trong vườn và 6 sào trồng ngoài rẫy), mới cho thu hoạch chính thức được 2 năm nay, sản lượng đạt 4 tấn/năm. Thời gian qua, tuy giá hồ tiêu xuống thấp, bệnh chết nhanh, chết chậm trên cây hồ tiêu xuất hiện gây hại rải rác trên vườn cây, nhưng gia đình bà Đào vẫn cố gắng đầu tư chăm sóc để duy trì vườn tiêu phát triển ổn định.
Riêng năm nay, gia đình bà đã đầu tư vào vườn tiêu hơn 30 triệu đồng gồm phân bón, thuốc… thế nhưng vào tháng 8-2019 trên địa bàn xảy ra mưa lớn, kéo dài khiến nhiều diện tích hồ tiêu bị ngập và sau mưa chừng 10 ngày, hồ tiêu gia đình có dấu hiệu bị vàng lá, chết nhanh. Đến nay, 300/400 cây hồ tiêu trồng tại vườn nhà đã bị chết khiến bà đứng ngồi không yên. Hiện nay, gia đình bà quyết định chặt bỏ hết số tiêu đã chết, chuẩn bị chuyển sang trồng cà phê.
Vườn tiêu của bà Trần Thị Đào (thôn 9, xã Ea Bhốk) bị chết gần hết. |
Tương tự, hộ anh Phan Đình Hiếu (thôn 9, xã Ea Bhốk) cũng đang phá bỏ hết 500 trụ tiêu của gia đình vì bị úng nước, vàng lá, rụng cành rồi chết hết toàn bộ diện tích. Vườn tiêu chuẩn bị cho thu hoạch nhưng lại đang quá non nên không thể vớt vát được gì. Anh Hiếu cho hay, ở khu vực này, mọi năm sau mưa hồ tiêu có xuất hiện bệnh chết nhanh, chết chậm nhưng chỉ xảy ra ở một số cây, chưa bao giờ chết đồng loạt như năm nay. Mất trắng vụ tiêu, gia đình phải dỡ bỏ cây tiêu và chặt cây muồng bán với giá 7.000 đồng/cây nhằm vớt vát chút ít để chuyển sang trồng cây khác.
Theo ông Trần Phùng Thảo (Trưởng thôn 9, xã Ea Bhốk), toàn thôn 9 có khoảng 70 ha trồng hồ tiêu, hiện đã bị chết hơn 15 ha, nhiều gia đình mất trắng toàn bộ. Thôn 9 là khu vực đất thấp, trũng thế nên khi mưa lớn gây ngập lụt, đây là vùng bị ảnh hưởng nhiều nhất.
Còn tại xã Ea Hu, đến thời điểm này, toàn xã cũng có hơn 100 ha tiêu chết. Nhiều vườn người dân đã phá bỏ, chuyển sang trồng điều, cà phê hoặc cây ăn quả. Theo ông Phạm Thanh Hoằng, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Hu, toàn xã hiện có 650 ha tiêu, năng suất bình quân đạt 2,6 tấn/ha, sản lượng 1.300 tấn. Ngoài tiêu bị chết, năm nay cây tiêu trên địa bàn cũng bị mất mùa, năng suất giảm mạnh từ 60 - 70%. Xã cũng đã khuyến cáo những vùng phù hợp cà phê thì chuyển sang cà phê, vùng nào hợp trồng tiêu thì cố gắng duy trì diện tích. Về dịch bệnh thì xã cũng đã có các văn bản về cách phòng chống bệnh cho cây tiêu trong mùa mưa để hướng dẫn người dân những phương pháp phòng bệnh trên cây tiêu, giảm thiệt hại về dịch bệnh.
Cần có giải pháp lâu dài
Huyện Cư Kuin là vùng có diện tích trồng hồ tiêu lớn của tỉnh, với hơn 4.500 ha, trong đó hồ tiêu kinh doanh có 3.300 ha; năng suất trung bình đạt 3,29 tấn/ha, sản lượng 11,640 tấn/năm. Tuy nhiên, vào tháng 8 và 9-2019 tại địa phương xảy ra mưa lớn, khiến một số vùng trồng tiêu của người dân bị ngập úng lâu ngày. Sau khi nước rút, nhiều diện tích hồ tiêu, nhất là tại xã Ea Bhốk xuất hiện tình trạng vàng lá chết nhanh gây chết hàng loạt trụ tiêu đang chuẩn bị cho thu hoạch, khiến người dân đang vô cùng lao đao.
Vườn tiêu của hộ ông Nguyễn An Thạnh (thôn 3, xã Ea Bhốk) bắt đầu chết rải rác. |
Để phòng chống bệnh cho cây tiêu, nhiều hộ dân đã tìm các giải pháp để xử lý nhằm giảm thiểu thiệt hại. Ông Nguyễn An Thạnh (thôn 3, xã Ea Bhốk) chia sẻ, gia đình có 2.000 trụ tiêu đang cho thu hoạch năm thứ 3, hiện vườn tiêu đang có biểu hiện chết nhanh gần 20 trụ. Ngay sau khi phát hiện, ông đã thực hiện đào rãnh thoát nước, xử lý chặt bỏ, tiêu hủy một số cây đã chết để tránh lây lan mầm bệnh, đồng thời nhờ Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên đến lấy mẫu đất kiểm tra tình hình để có giải pháp chữa trị, giảm thiệt hại kinh tế cho gia đình. Về lâu dài, người dân ở đây rất mong muốn được các cấp chính quyền quan tâm đầu tư, xây dựng hệ thống kênh mương thoát nước nhằm hạn chế rủi ro do thiên tai, yên tâm phát triển sản xuất.
Theo ông Nguyễn Cảnh Danh, Trạm trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, hiện tại huyện chưa thống kê được diện tích hồ tiêu bị chết do dịch bệnh trong năm nay. Tuy nhiên, sau đợt mưa lớn hồi tháng 8 và 9, Trạm đã có văn bản hướng dẫn người dân áp dụng các biện pháp canh tác tổng hợp phòng bệnh cho cây tiêu vì bệnh vàng lá chết nhanh chưa có thuốc đặc trị. Trong đó, khuyến cáo người dân thường xuyên khơi mương, không để đọng nước ở gốc tiêu nhằm tránh nấm phát sinh gây hại; vào mùa mưa không được sử dụng dụng cụ như cuốc, xẻng, cào… làm cỏ trong vườn tiêu vì sẽ gây vết thương cho rễ cây tiêu, tạo điều kiện thuận lợi cho nấm bệnh xâm hại vào cây tiêu; thường xuyên rong tỉa cây che bóng; sử dụng một số loại thuốc để phòng bệnh... Khi một trụ tiêu trong vườn đã xuất hiện bệnh, phải ngay lập tức xử lý chặt bỏ, đốt hết gốc, rễ, lá… ở xa khu vực rẫy hồ tiêu để tránh lây lan. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chuyển đổi một số cây trồng khác, phù hợp với vùng thấp trũng như cây mít lá bàng...
Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện Cư Kuin cho biết, đơn vị sẽ xây dựng một số mô hình chuyển đổi từ cây tiêu ở những vùng đất không thích hợp sang trồng các loại cây khác từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất của Chương trình xây dựng nông thôn mới. |
Thuận Nguyễn
Ý kiến bạn đọc