Xây dựng mã vùng trồng cho cây ăn quả: Còn nhiều thách thức (Kỳ 1)
Các thị trường nhập khẩu trái cây của Việt Nam đang ngày càng khó tính. Ngay cả thị trường Trung Quốc từng được xem là dễ tính nhất cũng đã siết chặt bằng các rào cản kỹ thuật. Chính vì vậy, xây dựng mã số vùng trồng là việc làm cấp bách, không những giúp truy xuất nguồn gốc mà còn thắt chặt sản xuất theo quy trình nhất định để đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu. Tuy nhiên, vấn đề cấp mã vùng trồng vẫn còn là một bài toán khó cho ngành chức năng lẫn người nông dân.
Kỳ 1: Đối mặt với áp lực thị trường xuất khẩu
9 tháng năm 2019, kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam đã không đạt như kế hoạch đề ra. Một trong những nguyên nhân là do vướng phải các hàng rào kỹ thuật của các nước nhập khẩu.
Thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính
Những năm gần đây, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu rau quả của Việt Nam tăng mạnh. Năm 2018, riêng kim ngạch xuất khẩu cây ăn quả đạt 3,13 tỷ USD, tăng 4,8% so với năm 2017 và chiếm 82,05% tổng xuất khẩu rau quả. Trung Quốc là thị trường dẫn đầu về nhập khẩu trái cây của Việt Nam, với 2,53 tỷ USD, tăng 4,3% so với năm 2017, chiếm 81% giá trị xuất khẩu trái cây. Tiếp theo là Hoa Kỳ 3,94%, Hàn Quốc 3,21%, Nhật Bản 2,99%, Hà Lan 1,65%... Sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam chủ yếu là các loại trái cây nhiệt đới như thanh long, nhãn, sầu riêng, vải, nhãn, xoài, chuối...
Vườn sầu riêng của hộ nông dân trên địa bàn xã Tam Giang (huyện Krông Năng). |
Tuy nhiên, giá trị xuất khẩu rau quả 9 tháng năm 2019 đã có dấu hiệu đi xuống, chỉ đạt 2,84 tỷ USD, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2018. Trung Quốc vẫn đứng vị trí thứ nhất về thị trường nhập khẩu rau quả của Việt Nam, nhưng cũng đã giảm 10,1% so với cùng kỳ. Nguyên nhân là do giá trị xuất khẩu một số mặt hàng rau quả chính giảm mạnh như: nhãn (giảm 43%), sầu riêng (giảm 20,2%), dưa hấu (giảm 26,3%), chôm chôm (giảm 7,3%)... Và đặc biệt là phía Trung Quốc đang áp dụng các chính sách thắt chặt nhập khẩu tiểu ngạch, đẩy mạnh chính ngạch. Đó là yêu cầu áp dụng truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm nhập khẩu, cụ thể trên bao bì phải có mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.
Hiện Việt Nam đã có 9 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường Trung Quốc, gồm: thanh long, dưa hấu, vải, nhãn, chuối, xoài, mít, chôm chôm và măng cụt. Riêng quả sầu riêng cũng đã được nước bạn đưa vào danh sách cuối năm 2018, nhưng cho đến nay Việt Nam vẫn còn loay hoay các văn bản pháp lý nên chưa thể đưa vào cung cấp chính ngạch được do bị vướng mắc khâu chứng minh nguồn gốc giống.
Không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà đối với các thị trường khó tính khác, ngoài yêu cầu thực hiện những biện pháp kiểm dịch thực vật, các nước nhập khẩu còn cử chuyên gia kiểm dịch thực vật đến làm việc tại Việt Nam để kiểm tra từng lô hàng tươi tại cơ sở xử lý kiểm dịch thực vật trước khi xuất khẩu, bên cạnh các tiêu chuẩn kỹ thuật và mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, mã số nhà máy xử lý đều phải đạt chuẩn.
Mã vùng trồng chưa nhiều
Để đáp ứng nhu cầu của các nước nhập khẩu, Cục Bảo vệ thực vật (BVTV) đã cấp trên 1.200 mã số vùng trồng và 564 nhà đóng gói, đồng thời tiếp tục cập nhật theo yêu cầu của địa phương. Tuy nhiên, theo đánh giá của Bộ NN-PTNT, hiện nay khối lượng trái cây đạt chứng nhận GAP, được cấp mã số vùng trồng còn rất ít, ảnh hưởng đến ký kết giao ước thu mua, tiêu thụ, hợp đồng xuất khẩu.
Mã số vùng là một chứng nhận mã số định danh cho một vùng trồng trọt nhằm tạo thuận lợi cho việc theo dõi và kiểm soát tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm. Đồng thời, bảo đảm nông sản đưa vào quá trình lưu thông trên thị trường phải đúng nguồn gốc tại vùng trồng đó nhằm hạn chế tình trạng trà trộn sản phẩm nơi khác vào vùng trồng đã được cấp mã số. |
Theo ông Nguyễn Quý Dương, Phó Cục trưởng Cục BVTV, để được cấp mã số vùng trồng, diện tích có thể dao động từ 6 - 10 ha/mã và phải là vùng sản xuất tập trung, không có nhà dân hoặc chợ, không chăn thả gia súc, gia cầm bên trong vùng trồng; phải trồng duy nhất một loại giống cây ăn quả. Đáng chú ý là vùng trồng trái cây xuất khẩu có thể không có chứng nhận VietGAP hoặc chứng chỉ tương đương, nhưng việc canh tác trong vùng phải tuân theo quy trình VietGAP hoặc các quy trình tương đương. Bên cạnh đó, tổ chức, cá nhân đăng ký xin cấp mã số phải có sổ sách để bảo đảm việc ghi chép đầy đủ mọi tác động lên cây trồng trong một vụ canh tác (đốn tỉa, chăm sóc, bón phân, phun thuốc…). Đồng thời, phải có một khu vực riêng để tập kết và tiêu hủy bao bì, chai lọ thuốc BVTV, phân bón, hoặc các loại giấy rác của cả vùng trồng. Vùng trồng trái cây xuất khẩu phải sử dụng một bộ thuốc BVTV (thuốc trừ bệnh, trừ sâu và thuốc cỏ) bảo đảm không chứa các hoạt chất hóa học mà nước nhập khẩu cấm sử dụng...
Sầu riêng của Đắk Lắk được trưng bày giới thiệu tại hội nghị về sản xuất cây ăn quả gắn với thị trường tiêu thụ của Bộ NN-PTNT. |
Những yêu cầu trên không chỉ là khó khăn của các vùng trồng cây ăn quả trong nước mà còn là một trong những thách thức, rào cản để trái cây Đắk Lắk xuất ngoại, nhất là sầu riêng. Hiện toàn tỉnh hiện có gần 20.500 ha cây ăn quả, với gần 7.200 ha cho sản phẩm, sản lượng bình quân hằng năm đạt gần 160.000 tấn; trong đó sầu riêng gần 7.000 ha, với sản lượng gần 50.400 tấn. Mặc dù chất lượng các loại cây ăn quả ở Đắk Lắk tốt, nhưng sản xuất vẫn còn nhỏ lẻ, chủ yếu trồng xen, khiến việc xây dựng mã vùng trồng gặp nhiều khó khăn hơn. Chính vì chưa có mã vùng trồng nên đầu ra cho sản phẩm trong năm 2019 gặp rất nhiều khó khăn, giá xuống thấp, số lượng thu mua không nhiều.
Theo đại diện Công ty Thái Huyền (ở Bình Phước, chuyên thu mua và xuất khẩu sầu riêng), những năm trước, một năm Trung Quốc đặt 300 - 500 container (1 container là 18 tấn), nhưng năm nay Trung Quốc đặt hàng rất hạn chế. Một trong những nguyên nhân là do sầu riêng của Việt Nam giá cao so với Thái Lan từ 20 - 25 nghìn đồng/kg vì chưa xuất theo đường chính ngạch được, phải đi theo đường khác nên chi phí đội theo cao.
Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật cho biết, đến thời điểm này Đắk Lắk chưa có loại trái cây nào được cấp mã số vùng trồng, chỉ có 12 cơ sở đóng gói được cấp mã số. Do đó, tỉnh cần nhanh chóng triển khai việc cấp mã số vùng trồng để đầu ra sản phẩm được ổn định.
(Còn nữa)
Kỳ 2: Ðẩy mạnh cấp mã số vùng trồng cho cây ăn quả: Bằng cách nào?
Minh Thuận
Ý kiến bạn đọc