Xây dựng thương hiệu "Trái cây Buôn Hồ"
Với việc xây dựng thương hiệu Nhãn hiệu chứng nhận “Trái cây Buôn Hồ” cho sản phẩm bơ và sầu riêng, thị xã Buôn Hồ đã mở ra nhiều cơ hội giao thương, nâng cao thu nhập cho người dân vùng sản xuất – kinh doanh; đặc biệt, nâng cao giá trị thương mại của sản phẩm, hạn chế những rủi ro về biến động giá, mở rộng thị trường tiêu thụ…
Phát triển mạnh diện tích cây ăn quả
Cách đây khoảng 7 năm, nhận thấy nhu cầu thị trường tiêu dùng trái cây ngày càng tăng cao, gia đình ông Bùi Thanh Huỳnh, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) trái cây Tây Buôn Hồ, phường An Bình đã chuyển đổi toàn bộ diện tích đất đang trồng cà phê sang trồng bơ theo tiêu chuẩn VietGAP. Hiện tại, trong tổng diện tích 2 ha đất sản xuất có khoảng 350 cây bơ booth và 150 cây bơ sáp đang thời kỳ kinh doanh.
Theo đánh giá của ông Huỳnh, cây bơ khá phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở Buôn Hồ, chỉ cần trồng và chăm sóc đúng quy trình thì vườn cây sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại nguồn thu nhập ổn định. Tương tự, hộ ông Lê Ngọc Thanh (thành viên HTX Tây Buôn Hồ) có 1,5 ha đất trồng cà phê già cỗi được chuyển sang trồng hồ tiêu và cây ăn quả. Hiện tại, vườn có 200 cây bơ booth, 150 cây sầu riêng, 3.000 trụ tiêu. Năm nay, gia đình ông thu về gần 4 tấn sầu riêng bán với giá 58 triệu đồng/tấn, 2 tấn bơ bán với giá 15 triệu đồng/tấn.
Thành viên HTX trái cây Tây Buôn Hồ chia sẻ kinh nghiệm trồng và chăm sóc cây bơ. |
Ở phường An Lạc, năm 2017 nhiều hộ dân đã liên kết thành lập HTX Nông nghiệp dịch vụ Thiện Bản nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hỗ trợ nhau phát triển sản xuất. Hiện tại, HTX có 15 thành viên và liên kết với các nông hộ sản xuất 120 ha cây ăn quả các loại như bơ hass, bơ booth, bơ 034, bơ reed, sầu riêng Dona, óc khỉ, sầu riêng thường… xen canh cà phê.
Ông Hoàng Văn Hùng, Phó Giám đốc HTX cho biết, khi tham gia vào HTX, các hộ dân đã thay đổi tập quán canh tác theo hướng khoa học, bài bản như sử dụng nước tưới, bón phân hợp lý, hạn chế phân bón hóa học, ưu tiên sử dụng phân bón hữu cơ, quản lý sâu bệnh hại tổng hợp… Nhờ đó, năng suất, chất lượng trái cây đã từng bước thay đổi. Được biết, hiện nay HTX đang cung cấp sản phẩm bơ và sầu riêng cho siêu thị Big C (1 tấn/ngày) và các đầu mối nông sản khác; tuy nhiên, các sản phẩm trái cây của đơn vị vẫn đang gặp khó trong đầu ra.
Thị xã Buôn Hồ hiện có trên 1.634 ha cây ăn quả, trong đó gần 884 ha cây bơ và gần 657 ha cây sầu riêng, còn lại là các loại cây ăn quả khác như nhãn, vải, mít, cam… Theo đánh giá của Phòng Kinh tế thị xã, những năm gần đây giá hồ tiêu, cao su và cà phê xuống thấp; mặt khác diện tích cà phê, hồ tiêu già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp chiếm tỷ lệ cao, trong khi đó thị trường tiêu thụ sản phẩm bơ và sầu riêng được ưa chuộng và giá thành cao nên nhiều hộ dân ở các xã, phường đã chuyển đổi cơ cấu cây trồng, trồng thêm cây ăn quả theo phương thức xen canh và thâm canh.
Trợ lực cho nông dân
Trước tình trạng người dân ồ ạt chuyển đổi diện tích đất sang trồng cây ăn quả, vụ mùa năm nay vấn đề đầu ra của bơ và sầu riêng gặp nhiều trở ngại khi năng suất đã giảm mà giá bán cũng thấp hơn nhiều so với các năm trước. Cụ thể nếu như vụ mùa năm 2018, giá bơ booth bán ra ở mức từ 30 - 50 triệu đồng/tấn thì năm nay thời điểm cao nhất chỉ được khoảng trên 20 triệu đồng/tấn, chưa kể chính vụ giá hạ xuống chỉ còn 15-17 triệu đồng/tấn. Sầu riêng cũng trong hoàn cảnh tương tự khi vừa mất mùa, giá cũng chỉ bằng một nửa năm trước. Cụ thể, vụ mùa năm nay giá sầu riêng đầu mùa, loại Dona đạt chất lượng bán ra cao nhất chỉ được gần 60 triệu đồng/tấn.
Hiện nay, thị xã Buôn Hồ đã xây dựng được vùng chuyên canh cây ăn quả, trong đó có gần 30 ha cây ăn quả (bơ và sầu riêng). |
Để phát huy những lợi thế của địa phương và tìm đầu ra cho sản phẩm bơ, sầu riêng, ngày 29-10-2018, UBND thị xã Buôn Hồ đã nộp đơn đề nghị đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, đến ngày 16-7-2019 được Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học và Công nghệ) cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu số 324063 cho “Trái cây Buôn Hồ”. Theo ông Nguyễn Văn Anh, cán bộ Phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ, việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Trái cây Buôn Hồ” sẽ là tiền đề, cơ hội cho Buôn Hồ xây dựng và phát triển cây ăn trái, từng bước đưa trái cây trở thành sản phẩm chủ lực để phát triển kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập cho người dân, hướng đến mục tiêu xuất khẩu.
Vườn bơ sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP của gia đình ông Bùi Thanh Huỳnh đã có thể thu hoạch nhưng chưa bán được vì giá thấp. |
Hiện nay, thị xã Buôn Hồ đang vận động các tổ chức, cá nhân tham gia vào sản xuất cây ăn trái theo hướng VietGAP, áp dụng những tiến bộ khoa học – kỹ thuật đáp ứng tiêu chuẩn, quy định thương hiệu “Trái cây Buôn Hồ”. Cùng với đó, các HTX, tổ hợp tác, hộ dân sau khi đăng ký và được cấp phép sử dụng nhãn hiệu này sẽ được hỗ trợ quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng dưới hình thức hội chợ triển lãm, chương trình xúc tiến thương mại… nhằm hướng đến việc phát triển kinh tế từ cây ăn quả một cách bền vững và đem lại hiệu quả cao.
Thúy Hường
Ý kiến bạn đọc