Buồn vui theo vịt chạy đồng
Mấy ngày qua, anh Nguyễn Hữu Đức (khối 6, thị trấn Krông Kmar, huyện Krông Bông) luôn trong tâm trạng thấp thỏm, liên tục cập nhật thông tin về cơn bão số 5 để lên phương án “lánh nạn” cho đàn vịt hơn 10 nghìn con.
Thế nhưng người tính không bằng trời tính, mới mờ sáng, mưa lớn trút xuống khiến mực nước suối Krông Kmar (nơi anh Đức cắm trại để nuôi đàn vịt cứng cáp trước khi thả ra đồng) bất ngờ dâng cao cuốn trôi hơn 200 con vịt nhỏ và gần 50 con vịt lớn. Đây là công sức, tiền của mà anh em nhà anh Đức chung vào nuôi vịt chạy đồng.
Cả nhà anh phải dầm mưa ra sức lùa đàn vịt gần 10 nghìn con lên trại cao. Đàn vịt đã đông, lại nghe mưa gió vần vũ chạy dáo dác, mọi người phải dùng đủ mọi cách mới đưa chúng lên bờ an toàn, rồi phải túc trực tại chuồng trại 24/24 giờ để kịp thời ứng phó nếu sự cố xảy ra, nếu không vốn liếng công sức sẽ trôi theo biển nước. Nhiều lần đối mặt với mưa bão, anh Đức đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm để ứng phó, trong đó điều cần nhất là phải bình tĩnh xử lý mọi việc khi ở giữa cánh đồng trơ trọi chỉ có mỗi bóng mình với lũ vịt loi nhoi.
Anh Nguyễn Hữu Đức chăm đàn vịt con trước khi cho chạy đồng. |
Trước đó, cơn bão số 3 gây mưa lớn cũng làm trôi hết hơn 300 con vịt lớn nhỏ của anh Nguyễn Văn Thanh - chủ đàn vịt hơn 8 nghìn con đang chăn thả ở cánh đồng lúa buôn Krang (xã Bông Krang, huyện Lắk). Anh Thanh quê ở TP. Phan Rang (tỉnh Ninh Thuận) mới lên đây hơn 2 tháng cùng người quen chung vốn nuôi vịt chạy đồng. Gia đình anh ba đời theo nghề nuôi vịt nên anh cũng theo nghề từ năm 10 tuổi.
Nghề nuôi vịt chạy đồng phụ thuộc lớn vào nguồn thức ăn tại các cánh đồng lúa sau thu hoạch nên vịt ở đâu, anh Thanh cắm lều ở đó, nay cánh đồng tỉnh này, mai đồng lúa tỉnh khác. Anh Thanh không nhớ mình đã băng qua bao nhiêu cánh đồng ở khắp các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Định, Đắk Lắk, hành trang anh mang theo chỉ vài bộ quần áo, xoong nồi, chén đũa, ít gạo, cá khô... gói gọn trong chiếc bao tải. Chuyện dãi nắng dầm mưa, ăn bờ ngủ bụi hay bị ghẻ lở, nứt nẻ tay chân... anh đã quen, chỉ buồn về nỗi thiệt thòi của người chăn vịt chạy đồng là thiếu hơi ấm gia đình. Những đêm sương gió lạnh buốt, một mình giữa đồng không mông quạnh là lúc anh tủi phận, nhớ nhà, nhớ vợ con da diết.
Anh Nguyễn Văn Thanh
|
Nghề nuôi vịt vất vả đã đành, lại thêm rủi ro cao như đánh số đề - anh Thanh ví von. Theo anh Thanh, vịt lấy thịt chỉ cần nuôi khoảng 3 tháng là xuất bán, nếu đàn vịt khỏe mạnh không bị dịch bệnh, giá bán từ 50-60 nghìn đồng/con thì người nuôi lãi cao; còn trúng mùa dịch chết hết thì lỗ trắng tay. Như những năm 2006-2008, anh mất sạch vốn liếng vì nuôi vịt. Năm 2006, đàn vịt bị dịch bệnh H5N1 buộc phải tiêu hủy toàn bộ; hai năm tiếp theo giá thịt vịt giảm sâu, anh rót thêm vốn nuôi thành vịt lấy trứng nhưng giá trứng cũng giảm, khó tiêu thụ.
Chán nản, anh bỏ nghề nuôi vịt sang lái xe kiêm buôn bán hàng hóa nhưng được 2 năm thì nhớ nghề nên quay lại. “Nghề nuôi vịt chạy đồng long đong là vậy nhưng đã vận vào người tôi như một cái nghiệp. Dứt ra thì lại thèm nghe tiếng vịt kêu, ngay cả cái mùi khó chịu của vịt, của rơm mục, của nước tù đọng, tôi cũng thấy nhớ. Vả lại đi theo chân vịt quen rồi, chuyển sang nghề khác tôi làm không hợp lắm. Để giảm bớt rủi ro, tôi thường chung vốn với người khác, vừa nuôi vịt vừa kiêm thêm nghề mua bán vịt giống, vịt thương phẩm và trứng”, anh Thanh trải lòng.
Đàn vịt 8000 con của anh Nguyễn Văn Thanh. |
Những ngày này, trên khắp các cánh đồng, xa xa thấp thoáng những người cầm gậy rong ruổi theo đàn vịt. Trên bờ kênh hoặc dưới chân ruộng mọc lên những tấm lều ni-lông của người chăn vịt đồng. Họ đang bắt đầu cuộc đổ quân “chạy đồng” theo con nước, theo đàn vịt.
Khi những ruộng lúa vừa thu hoạch chỉ còn trơ gốc rạ cũng là lúc các xe tải khắp nơi chở vịt đổ về các cánh đồng “cắm trại” bắt đầu một mùa vịt chạy đồng mới. Cuộc sống nay đây mai đó của những người đi theo chân vịt luôn đầy nỗi ưu tư vui, buồn xen lẫn mà chỉ ai trong cuộc mới thấm hiểu.
Thanh Thủy
Ý kiến bạn đọc