Multimedia Đọc Báo in

Chủ động ứng phó với cơn bão số 5

10:54, 01/11/2019
Đắk Lắk là một trong những tỉnh ở khu vực Tây Nguyên bị ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu cơn bão số 5 (tên quốc tế là Matmo). Do đó, công tác ứng phó với mưa, lũ đã được khẩn cấp triển khai xuống các địa phương trước khi bão đổ bộ vào đất liền.
 
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh, do ảnh hưởng của không khí lạnh ổn định kết hợp hoàn lưu cơn bão số 5 đổ bộ vào các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Khánh Hòa, từ chiều tối ngày 30-10, trên địa bàn tỉnh đã có mưa to đến rất to trên diện rộng.
 
Lượng mưa đo được từ 19 giờ ngày 30-10 đến 6 giờ ngày 31-10-2019 ở các vùng trong tỉnh phổ biến 40-50mm, riêng khu vực phía Bắc và Đông Bắc mưa rất to, cụ thể: Trạm Ea Sol (huyện Ea H’leo) 107,6mm; trạm Cư Klông (huyện Krông Năng)108,4mm; trạm Ea Sin (huyện Krông Búk) 77,6mm; trạm Ea Tul (huyện Cư M'gar) 78,6mm.
 
Đoàn  công tác  của Tổng cục Thủy lợi  đi kiểm tra tình hình  an toàn  hồ chứa  tại công trình Buôn Jung (huyện  Krông Pắc).
Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đi kiểm tra tình hình an toàn hồ chứa tại công trình Buôn Jung (huyện Krông Pắc).
Tại huyện Krông Năng, mưa lớn làm cho một số công trình thủy lợi bị hư hỏng. Cụ thể, tuyến kênh Tam Lực (xã Ea Tam) bị hỏng và sạt lở khoảng 10m, chiều sâu trung bình 2m; tràn xả lũ trên đất tự nhiên của đập Lộc Xuân 2 (xã Phú Lộc) bị sạt lở khoảng 2m, đây là công trình do bà con tự đắp tưới phục vụ cho khoảng 200 ha cà phê và tiêu. Phòng NN-PTNT huyện đã kiểm tra thực trạng và báo cáo tình hình với UBND huyện, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh để có giải pháp sửa chữa, kịp thời tích nước phục vụ cho vụ đông xuân sắp tới.
Theo Đài Khí tượng Thủy văn Đắk Lắk, dự báo trong vài ngày tới trên địa bàn tỉnh tiếp tục có mưa, có thời gian mưa gián đoạn. Mực nước trên các sông suối nhỏ vùng phía Đông, Đông Bắc tiếp tục lên. Các địa phương chủ động đề phòng xảy ra lũ quét, sạt lở đất trên các sông suối nhỏ, ngập lụt cục bộ tại các huyện M'Đrắk, Krông Năng, Krông Búk, Cư M’gar, Ea H’leo, Ea Kar và một số vùng lân cận; bố trí canh gác các khu vực ngầm tràn bị ngập sâu.

Theo Phòng NN-PTNT huyện, để kịp thời ứng phó với tình hình mưa bão, địa phương cũng đã triển khai các biện pháp quản lý an toàn hồ, đập, công trình đang thi công dở dang, nhất là các công trình hồ chứa có nguy cơ mất an toàn; rà soát phương án, sẵn sàng lực lượng, phương tiện ứng phó với các tình huống, sự cố bất thường; kịp thời cảnh báo tình hình mưa lũ để người dân biết và khuyến cáo nhân dân có biện pháp bảo vệ sản xuất, nuôi trồng thủy sản, đề phòng rủi ro gây thiệt hại. Hiện tại huyện đang tiến hành kiểm tra, nắm bắt tình hình thiệt hại do mưa bão tại các địa phương.

Tại huyện Ea Kar, được dự báo là một trong những địa phương bị ảnh hưởng trực tiếp của hoàn lưu bão số 5, có nguy cơ xảy ra mưa lớn nên công tác ứng phó được triển khai khẩn cấp. Huyện đã có công điện yêu cầu các xã, thị trấn theo dõi chặt chẽ tình hình diễn biến của thời tiết để chủ động triển khai các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”. 
 
Đối với các xã nằm trên lưu vực sông Krông Pắc, sông Krông Năng, tập trung ứng phó với tình trạng ngập lụt, lũ quét, sạt lở đất...; các đơn vị quản lý công trình thủy lợi phải bố trí lực lượng túc trực ở những công trình có nguy cơ mất an toàn để thực hiện quy trình vận hành, điều tiết hồ chứa khi có mưa lớn xảy ra. Ngoài ra, huyện còn chủ động thành lập 3 tổ công tác trực tiếp kiểm tra tại các địa phương, đơn vị...
 
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh cho biết, đến thời điểm này, trên địa bàn tỉnh đã ngớt mưa và không có thiệt hại về người, tài sản. Chỉ riêng huyện Krông Năng có báo cáo về tình hình hư hỏng một số công trình thủy lợi. Ban Chỉ huy đã liên hệ đôn đốc các địa phương kịp thời triển khai công điện của UBND tỉnh về việc triển khai ứng phó với áp thấp nhiệt đới, bão, mưa lũ; đồng thời, tổ chức trực ban 24/24 giờ theo quy định, chủ động sẵn sàng ứng phó với thiên tai, đặc biệt là các vùng trũng ven sông. 
 
Một gốc cây lớn tại tổ dân phố 1, thị trấn MĐrắk (huyện MĐrắk) bị gió bão số 5  đánh bật gốc.    Ảnh: T.Ninh
Một gốc cây lớn tại tổ dân phố 1, thị trấn M'Đrắk (huyện M'Đrắk) bị gió bão số 5 đánh bật gốc. Ảnh: T.Ninh
Trên cơ sở thông tin dự báo của Đài Khí tượng thủy văn tỉnh, Ban Chỉ huy đã chỉ đạo Văn phòng thường trực nhắn tin cảnh báo thiên tai, nội dung chỉ đạo công tác ứng phó thiên tai đến 841 thuê bao là Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn cấp huyện, cấp xã để hướng dẫn các địa phương chủ động phương án ứng phó với tình hình mưa lũ theo phương châm “4 tại chỗ”. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh đã triển khai công điện của UBND tỉnh, chuẩn bị lực lượng, trang thiết bị sẵn sàng ứng phó sự cố thiên tai...
 
Trước khi bão đổ bộ vào đất liền, Đoàn công tác của Tổng cục Thủy lợi đã đến kiểm tra tình hình bảo đảm an toàn hồ đập tại Đắk Lắk. Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát tổng thể an toàn hồ chứa trên địa bàn tỉnh, lọc ra những công trình, hạng mục công trình đã hư hỏng xuống cấp, không bảo đảm an toàn, tỉnh phải chủ động bố trí kinh phí khắc phục ngay để bảo đảm an toàn trong mùa mưa lũ.
 
Đối với những hồ chứa nước lớn có cửa van thì cần phải theo dõi sát thông tin dự báo khí tượng thủy văn, đặc biệt là lượng mưa trên khu vực để có sự điều tiết, xả lũ về hạ du hợp lý. Đối với những hồ chứa xung yếu đang thi công, bố trí người túc trực 24/24 giờ tại các công trình có nguy cơ mất an toàn để kịp thời phát hiện sự cố và có giải pháp ứng cứu nhanh nhất nhằm bảo đảm an toàn cho công trình và người dân vùng hạ du.
 
Minh Thuận
 

Ý kiến bạn đọc