Đổi thay ở vùng tái định cư thủy điện Krông Hnăng
Thực hiện Dự án di dời lòng hồ thủy điện Krông Hnăng, năm 2008 có 80 hộ đồng bào Êđê ở buôn Pa và buôn Năng cũ thuộc xã Cư Prao (huyện M'Đrắk) về tái định cư tại buôn Năng mới. Hơn 10 năm qua, cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước, sự hỗ trợ của Thủy điện Krông Hnăng, cuộc sống của người dân trong buôn đã có nhiều cải thiện.
Ông Y Quang Ksơr, Trưởng buôn Năng cho biết, chuyển về nơi ở mới, ngoài chế độ đền bù theo quy định của Nhà nước và được cấp 2.000 m2 đất ở, mỗi hộ dân còn được Thủy điện Krông Hnăng hỗ trợ hơn 65 triệu đồng và xe vận chuyển vật dụng gia đình về khu tái định cư. Cùng với đó, trong những năm qua nhờ sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, các công trình kết cấu hạ tầng như hệ thống giao thông, điện lưới, nhà cộng đồng... trong buôn đã được xây dựng phục vụ đời sống của người dân, tạo điều kiện thuận lợi cho việc đi lại và vận chuyển hàng hóa, nông sản.
Người dân buôn Năng, xã Cư Prao tham gia làm đường nông thôn mới. |
Ngày đầu tái định cư, bà con vẫn quen với lối canh tác lạc hậu, chủ yếu là trồng sắn, chăn nuôi thả rông; tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo chiếm trên 90% dân số. Để tạo điều kiện cho người dân vùng tái định cư ổn định cuộc sống, từng bước vươn lên thoát nghèo, cấp ủy, chính quyền địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, “cầm tay chỉ việc” giúp bà con sớm thay đổi nhận thức, tập quán canh tác.
Theo đó, UBND xã Cư Prao đã chỉ đạo các ngành và đoàn thể, đội ngũ khuyến nông, lâm, thú y xã xuống tận buôn Năng phối hợp với Ban tự quản buôn khảo sát, lắng nghe tâm tư, nguyện vọng và hướng dẫn người dân cách chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi; cách chăm sóc, phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi, trồng trọt; biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm. Đồng thời, phối hợp với các phòng, cơ quan chuyên môn của huyện tổ chức các lớp tập huấn nông nghiệp, mở 2 lớp dạy nghề chăn nuôi bò bán công nghiệp, xây dựng dân dụng cho người dân; tạo điều kiện giúp hộ nghèo trong buôn tiếp cận với các nguồn vốn vay hỗ trợ sản xuất, chăn nuôi để phát triển kinh tế gia đình.
Nhờ vậy, đời sống của bà con đã thay đổi rõ rệt. Các tuyến đường chính vào buôn đã được bê tông hóa. Đến nay, hơn 80% hộ dân trong thôn đã khai thác các diện tích đồi núi trống sang trồng rừng nguyên liệu, xem đây là nguồn thu nhập ổn định và lâu dài. Bên cạnh trồng rừng, chăn nuôi, nhiều hộ dân trong buôn đã biết làm thêm các dịch vụ, kinh doanh hàng hóa…
Từ 90% là hộ nghèo và cận nghèo năm 2008 thì nay số lượng hộ nghèo trong buôn giảm còn 63 hộ (chiếm 36%), hộ cận nghèo còn 19 hộ (chiếm trên 10,9%). Buôn Năng hiện có 173 hộ dân với 690 khẩu thì 100% hộ dân đã có ti vi, xe máy, điện thoại; trên 90% người dân được sử dụng điện lưới quốc gia; 100% trẻ em trong độ tuổi đều được đến trường. Bà con trong buôn chủ động hiến đất làm đường xây dựng nông thôn mới. An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm. Buôn Năng được công nhận là buôn văn hóa.
Anh Y Hoan Niê chăm sóc vườn keo của gia đình. |
Là một trong những hộ dân vừa vươn lên thoát nghèo, anh Y Hoan Niê chia sẻ: Khi chuyển về vùng tái định cư, gia đình anh được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho vay 30 triệu đồng. Kết hợp số tiền do Thủy điện Krông Hnăng hỗ trợ, anh đã đầu tư chăn nuôi bò, trồng rừng, thu nhập gia đình từng bước được cải thiện. Hiện nay, gia đình anh đã trồng được hơn 10 ha rừng keo, 3,5 sắn và chăn nuôi bò. Thu nhập ổn định, gia đình thoát nghèo, các con anh đều được đến trường.
Còn anh Y Sương Mlô, nhờ được học nghề xây dựng mở tại buôn, thu nhập của gia đình anh đã được cải thiện. Hiện nay, ngoài nương rẫy, anh cùng một số người dân trong buôn đi phụ hồ và nhận làm một số công trình phụ cho người dân với tiền công 200.000 đồng. Bên cạnh đó, gia đình anh còn được Ngân hàng Chính sách xã hội huyện hỗ trợ vay vốn hộ nghèo để phát triển kinh tế. Đến nay gia đình anh Y Sương đã thoát nghèo, mua được các vật dụng sinh hoạt đắt tiền phục vụ cuộc sống.
Mỹ Sự
Ý kiến bạn đọc