Động lực phát triển từ tư duy đột phá
Những định hướng của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường tại cuộc làm việc của Thường trực Tỉnh ủy đối với Sở Giao thông vận tải và Sở Kế hoạch – Đầu tư vào ngày 9-11 vừa qua thể hiện quyết tâm đổi mới, đột phá xây dựng Đắk Lắk xứng đáng là trung tâm vùng Tây Nguyên...
Quyết liệt hơn trong thu hút nguồn lực đầu tư
Theo báo cáo của Sở Kế hoạch - Đầu tư, trong số 18 chỉ tiêu của năm 2019 đề ra, ước đến hết năm có 15/18 chỉ tiêu đạt và vượt kế hoạch; 2 chỉ tiêu cơ bản đạt, chỉ có 1 chỉ tiêu không đạt kế hoạch. Trong đó, một số chỉ tiêu phát triển kinh tế quan trọng đạt và vượt kế hoạch như: GRDP ước đạt 56.250 tỷ đồng, tăng trưởng kinh tế đạt 9,23% (bằng 100,45% kế hoạch); thu ngân sách 6.910 tỷ đồng đạt 126,9% dự toán Trung ương giao, tăng 17,6% so với năm 2018…
Ngã Sáu Buôn Ma Thuột. Ảnh: A. Long |
Kết quả này cho thấy những khởi sắc trong bức tranh kinh tế - xã hội của toàn tỉnh năm 2019. Tuy nhiên, nếu so sánh với tiềm năng, lợi thế của tỉnh thì sự phát triển này chưa tương xứng. Theo Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường, các lợi thế so sánh của địa phương vẫn chưa được chính quyền chú trọng phát huy. Trong bức tranh về thu hút nguồn lực của Trung ương giai đoạn 2015 - 2019, Đắk Lắk là tỉnh trung tâm vùng Tây Nguyên nhưng đã không tận dụng được lợi thế này, cho nên tổng nguồn vốn huy động từ Trung ương thấp hơn ngay cả các tỉnh trong khu vực.
"Nguyên nhân là gì? Đó có phải là do thiếu sự liên kết, phối hợp giữa các ngành; việc kiến nghị, đề xuất chưa quyết liệt, thiếu sự quan tâm, đeo bám? Đây không chỉ là vấn đề của ngành Kế hoạch đầu tư mà còn là trách nhiệm chung các ngành trong tỉnh. Cho nên các “tư lệnh” của ngành phải cùng nhau ngồi lại, suy nghĩ, thay đổi để có cách làm mới, năng động, sáng tạo, quyết liệt hơn trong thu hút các nguồn lực đầu tư.” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy đặt vấn đề.
Đồng chí Bùi Văn Cường cho rằng, việc kêu gọi, thu hút đầu tư cần tập trung ở những lĩnh vực tiềm năng, lợi thế; việc phân bổ nguồn lực đầu tư cần ưu tiên vào những lĩnh vực, dự án thực sự tạo ra động lực mạnh mẽ phát triển, tránh theo lối mòn, dựa trên cái cũ, đã có sẵn; tập trung đầu tư vào trục tuyến có vai trò quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, hạn chế tối đa tình trạng đầu tư dàn trải, hiệu quả thấp.
Xây dựng cao tốc - tư duy đột phá về giao thông
Dù được xem là trung tâm vùng Tây Nguyên nhưng thực tế cho thấy sự phát triển kinh tế - xã hội của Đắk Lắk vẫn còn khó khăn, hạ tầng kỹ thuật, giao thông vẫn còn nhiều hạn chế, chưa có bước đi đột phá nào để thành động lực phát triển cho cả vùng. Đây cũng là những trăn trở của đồng chí Bí thư Tỉnh ủy trong buổi làm việc với Sở Giao thông vận tải. Đồng chí dẫn chứng thực tế: TP. Buôn Ma Thuột chỉ cách TP. Nha Trang chỉ 180 km nhưng phải mất 4 - 6 giờ di chuyển. Đoạn đường không dài, nhưng một phần xuống cấp, phần đèo dốc quanh co khiến vừa mất nhiều thời gian, vừa tốn kém và tiềm ẩn mất an toàn. Điều này không chỉ khiến việc kết nối du lịch từ Nha Trang lên Buôn Ma Thuột chưa được như kỳ vọng mà còn ảnh hưởng đến chi phí trong vận chuyển hàng hóa, các dịch vụ logistics cũng chưa phát triển.
Đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông sẽ góp phần thu hút đầu tư và thúc đẩy du lịch phát triển. Trong ảnh: Một góc huyện Lắk nhìn từ trên cao. Ảnh: A.Long |
Cơ sở hạ tầng của Đắk Lắk vẫn còn thiếu đồng bộ, chậm phát triển, là rào cản lớn đối với việc phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, nhưng càng khó thì càng phải quyết tâm. Có rất nhiều việc phải làm nhưng phải xác định cho được việc cần ưu tiên".
Bí thư Tỉnh ủy Bùi Văn Cường
|
Đồng chí Bùi Văn Cường cho rằng, giao thông rẻ nhất là đường thủy, nhì là đường sắt, trong khi Đắk Lắk không có cả hai loại hình phương tiện này. Giao thông đường bộ vốn đắt đỏ thứ ba thì với Đắk Lắk - Tây Nguyên lại càng đắt hơn miền xuôi vì nhiều năm qua chưa có những đầu tư tương xứng cho vùng này. Chính vì vậy, xây dựng cao tốc Đắk Lắk – Khánh Hòa sẽ là đột phá về giao thông vận tải, tạo điều kiện thiết yếu để thông thương và mời gọi đầu tư. “Ngành Giao thông vận tải phải bắt tay vào câu chuyện này, phối hợp với các sở ngành liên quan để thực hiện. Có nghĩa là phải mời chuyên gia giúp tỉnh phóng tuyến, khái toán bước đầu về tổng mức đầu tư, chiều dài toàn tuyến, phương thức huy động các nguồn lực đầu tư…” - đồng chí Bí thư Tỉnh ủy lưu ý.
Từ câu chuyện cao tốc Đắk Lắk - Khánh Hòa, đồng chí Bùi Văn Cường cũng chỉ ra những yếu kém trong công tác quy hoạch, đầu tư phát triển của ngành Giao thông vận tải tỉnh là chủ yếu vẫn xoay quanh việc nâng cấp, sửa chữa một số tuyến đường cũ... "Kể cả khi làm việc với Chính phủ, Đắk Lắk vẫn chưa có kiến nghị, đề xuất phương án xây dựng tuyến đường mới mang tính đột phá cho cả vùng Tây Nguyên. Do đó, ngành Giao thông vận tải phải có những thay đổi trong tư duy, cách làm không chỉ trong câu chuyện tính toán kết nối giữa Đắk Lắk đối với khu vực trong cả nước mà còn trong việc phát triển giao thông liên kết giữa các trục Nam – Bắc; Đông – Tây của tỉnh", đồng chí Bí thư Tỉnh ủy gợi ý.
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc