Hỗ trợ xuất khẩu lao động - giải pháp giảm nghèo hiệu quả
Trong những năm qua, việc triển khai thực hiện chính sách hỗ trợ xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở tỉnh ta không chỉ giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo bền vững mà còn góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phát huy hiệu quả nguồn lao động.
Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), những năm qua công tác XKLĐ trên địa bàn tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, số người đi XKLĐ ngày càng nhiều, với các ngành, nghề chủ yếu như: cơ khí, sản xuất chế tạo, xây dựng, lắp ráp điện tử, nông nghiệp, giúp việc gia đình...
Trong hai năm 2018 - 2019, toàn tỉnh có trên 1.730 lao động đi làm việc tại các thị trường Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc và một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác với thu nhập bình quân 25 triệu đồng/người/tháng. Trong đó, một số thị trường có thu nhập cao như Hàn Quốc (30 - 35 triệu đồng/người/tháng), Nhật Bản (30 triệu đồng/người/tháng). Tổng thu nhập của người lao động tích lũy được sau khi hết hạn hợp đồng về nước (3 năm) khoảng từ 750 - 800 triệu đồng.
Ngoài việc nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống, khi trở về nước, trình độ tay nghề, kiến thức ngoại ngữ, tác phong công nghiệp, ý thức tổ chức kỷ luật của người lao động được nâng lên đáng kể. Một số lao động trở thành nguồn nhân lực có kỹ thuật cao cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đầu tư vào Việt Nam.
Người lao động trên địa bàn huyện M'Đrắk tìm hiểu các thông tin về xuất khẩu lao động. |
Tuy nhiên, hoạt động XKLĐ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp khó khăn, chưa tương xứng với tiềm năng lao động tại địa phương. Nguyên nhân được xác định là do công tác tuyên truyền, tư vấn, vận động người lao động tham gia XKLĐ chưa thường xuyên, liên tục; nội dung, hình thức tuyên truyền chưa đa dạng, phong phú nên chưa thay đổi được nhận thức của người dân về vai trò, lợi ích mà XKLĐ mang lại… Một nguyên nhân nữa là do trình độ tay nghề, ngoại ngữ, tác phong lao động công nghiệp của người lao động trước khi đi xuất khẩu lao động còn hạn chế; trình độ chuyên môn, kỹ thuật chưa cao hơn so với lao động của các nước khác.
Lắk là một trong hai huyện của tỉnh được hưởng lợi từ chính sách ưu đãi đặc biệt về XKLĐ dành cho các huyện nghèo trong cả nước theo Nghị định 61/2015/NĐ-CP của Chính phủ (Quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm). Tuy nhiên, thực tế cho thấy, quá trình triển khai thực hiện chính sách này vẫn đang còn gặp nhiều khó khăn. Số lao động tham gia đăng ký và đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng vẫn còn ít, chưa tương xứng với lực lượng lao động hiện có. Hiện nay toàn huyện chỉ có gần 70 lao động đang làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng lao động, tập trung ở Nhật Bản, Malaysia, Ả rập Xê út, Nga… Nguyên nhân chủ yếu là người lao động vẫn chưa nhận thức đầy đủ về hiệu quả của công tác XKLĐ, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo và lao động dân tộc thiểu số. Người lao động vẫn còn tâm lý sợ đi làm việc xa, bất đồng ngôn ngữ, phong tục tập quán...
Ông Lê Hạnh, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH)
|
Xác định hoạt động XKLĐ là một kênh giải quyết việc làm có hiệu quả, góp phần xóa đói giảm nghèo, UBND huyện Lắk vẫn tiếp tục tập trung thực hiện nhiều giải pháp, trong đó, đẩy mạnh công tác tuyên truyền về lợi ích của XKLĐ cũng như chính sách ưu đãi của Trung ương, địa phương hỗ trợ người lao động đi XKLĐ đến từng thôn, buôn. Bên cạnh đó, huyện cũng phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chức năng để nâng cao chất lượng hoạt động tư vấn về XKLĐ, góp phần tạo tâm lý yên tâm, tin tưởng cho người lao động...
Ông Lê Hạnh, Trưởng Phòng Việc làm - An toàn lao động (Sở LĐ-TB&XH) cho biết, để đẩy mạnh hoạt động XKLĐ, góp phần thực hiện hiệu quả chính sách giảm nghèo bền vững, Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về XKLĐ; giới thiệu, quảng bá trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác động tích cực của XKLĐ đối với vấn đề việc làm, giảm nghèo. Ngoài ra, Sở LĐ-TB&XH cũng phối hợp với các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn tổ chức hội nghị tham vấn, tư vấn về XKLĐ để giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các chính sách hỗ trợ; khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi thu hút các doanh nghiệp XKLĐ có uy tín mở chi nhánh, đặt văn phòng đại diện tại một số địa phương để tư vấn, tuyển chọn lao động...
Lê Hương
Ý kiến bạn đọc