Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: Nâng cao hiệu quả hoạt động của mô hình kinh tế tập thể

08:35, 26/11/2019

Nhờ tích cực đổi mới, linh hoạt trong cách làm, nhiều mô hình kinh tế tập thể, trong đó nòng cốt là hợp tác xã (HTX) ở huyện Krông Búk đã phát huy hiệu quả, mang lại thu nhập cao cho các hộ thành viên.

Đưa nguồn vốn đến người dân

Quỹ Tín dụng nhân dân (QTDND) xã Pơng Drang thành lập năm 1994. Đối tượng mà QTDND xã hướng đến là nông dân vay vốn để phục vụ sản xuất nông nghiệp và kinh doanh buôn bán.

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động, ngoài chú trọng đầu tư trang thiết bị và trụ sở làm việc, QTDND xã đưa ra nhiều gói dịch vụ cho vay với các mức lãi suất phù hợp, đặc biệt là gói dịch vụ vay trả góp hằng tháng, đáp ứng nguyện vọng của người dân có thu nhập thấp; thủ tục nhanh gọn, đơn giản, tạo điều kiện để các thành viên được tiếp cận nguồn vốn chính thống; ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý, giao dịch, bảo đảm an toàn, chính xác trong mọi hoạt động.

Ông Trương Quang Trung, chủ mô hình trồng trọt kết hợp chăn nuôi ở thôn 4 (xã Ea Ngai) chia sẻ: “Nhờ thủ tục đơn giản, nhanh chóng và lãi suất ổn định nên hơn 20 năm nay tôi luôn trung thành với nguồn vốn vay của QTDND xã. Từ nguồn vốn vay ưu đãi, gia đình tôi mở rộng quy mô sản xuất, tạo việc làm cho nhiều lao động ở địa phương. Là thành viên của QTDND,  tôi còn được chia lợi tức cổ phần hằng năm”.

Một mô hình sản xuất cà phê bền vững của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận Phát (xã Ea Ngai).
Một mô hình sản xuất cà phê bền vững của HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận Phát (xã Ea Ngai).

Đến nay, QTDND xã đã mở rộng phục vụ nhu cầu vay vốn và huy động tiền gửi của nhân dân ở các xã: Pơng Drang, Ea Ngai, Chư Kbô và phường Đạt Hiếu (thị xã Buôn Hồ) thu hút 2.282 thành viên tham gia với tổng nguồn vốn khoảng 121 tỷ đồng. Bình quân mỗi năm, QTDND xã giải quyết cho 850 lượt thành viên vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh.

 
“Huyện Krông Búk có 16 HTX đang hoạt động, gồm: 15 HTX nông nghiệp, 1 HTX tín dụng. Đa số các HTX đã từng bước khắc phục khó khăn, đổi mới phương thức hoạt động, nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, góp phần tích cực vào quá trình phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”.
 
Ông Huỳnh Chiến Thắng, Bí thư Huyện ủy Krông Búk

Theo ông Nguyễn Tấn Trị, Giám đốc QTDND xã Pơng Drang, với phương châm “Tất cả vì sự phát triển kinh tế của địa phương”, sau 25 năm hoạt động, QTDND xã không chỉ giải quyết kịp thời nhu cầu vay vốn cho người có thu nhập thấp, hộ gia đình, doanh nghiệp nhỏ khó tiếp cận được nguồn vốn của các ngân hàng thương mại mà còn góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước đẩy lùi nạn cho vay nặng lãi, đặc biệt là “tín dụng đen” ở địa phương.

Hướng đến sản xuất bền vững

HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận Phát ở thôn 9 (xã Ea Ngai) thành lập năm 2014 với mục tiêu hợp tác, hình thành vùng nguyên liệu, hỗ trợ các thành viên tăng thu nhập. Ngay sau khi thành lập, HTX đã ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Đắk Man (TP. Buôn Ma Thuột) để liên kết sản xuất, tiêu thụ cà phê sạch bền vững. Tham gia HTX, các thành viên phải tuân thủ yêu cầu, quy trình kỹ thuật về phun thuốc, bón phân, cắt cành; thu hái đạt tỷ lệ quả chín 80% trở lên; cà phê sau khi thu hoạch phải đưa vào hệ thống chế biến ướt trong vòng 24 giờ. Sản phẩm cà phê nhân làm ra đáp ứng đủ các tiêu chuẩn được cấp chứng nhận FLO-CERT.

Khách hàng giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân xã Pơng Dang.
Khách hàng giao dịch tại Quỹ Tín dụng nhân dân xã Pơng Dang.

Để nâng cao chất lượng cà phê, đáp ứng yêu cầu của đơn vị liên kết, HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận Phát đã phối hợp với các ngành chức năng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật từ khâu gieo trồng, chăm sóc, điều trị bệnh đến thu hoạch cho người dân; tuyên truyền, vận động các thành viên thay đổi tập quán canh tác lạc hậu; đầu tư máy móc, trang thiết bị phục vụ sản xuất, như: nhà kính phơi sấy cà phê, dây chuyền chế biến ướt cà phê công suất 1 tấn/giờ… với tổng trị giá hơn 500 triệu đồng. Nhờ vậy, đến nay hầu hết thành viên của HTX đã tuân thủ nghiêm các quy định, tích cực ứng dụng khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. 

Bà Nguyễn Thị Ngọc Diệp ở thôn 9 (xã Ea Ngai) cho biết: “Tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững của HTX tôi thấy tốc độ già hóa của vườn cây chậm hơn trong khi đó năng suất cà phê tăng khoảng 15% so với trước đây. Bên cạnh đó, tôi còn được HTX hỗ trợ giá thu mua cao hơn giá thị trường từ 3.000 - 10.000 đồng/kg nên rất yên tâm”

Nhận thấy hiệu quả thiết thực, đến nay HTX đã thu hút 49 thành viên tham gia chương trình sản xuất cà phê bền vững với tổng diện tích 105 ha. Năm 2018, tổng doanh thu trong lĩnh vực sản xuất cà phê của HTX là 15 tỷ đồng, tăng hơn 30% so với năm 2014.

Như Quỳnh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.