Khởi nghiệp với tinh bột nghệ
Năm 2014, nhận thấy hiệu quả kinh tế của sản phẩm tinh bột nghệ, chị Trần Thị Kim Luyến (xã Ea H’đing, huyện Cư M’gar) quyết định khăn gói đi học nghề tại Hải Dương và bắt tay thử nghiệm các loại tinh bột nghệ chất lượng, đầu tư bài bản từ khâu thu mua cho đến khâu sản xuất. Với sự hướng dẫn của Hội Phụ nữ địa phương, đầu năm 2019 chị mạnh dạn đăng ký thương hiệu tinh bột nghệ Trần Thị Kim Luyến và mở cơ sở sản xuất tinh bột nghệ.
Để bảo đảm nguồn hàng cho người tiêu dùng, chị đã đầu tư hàng trăm triệu đồng trang bị máy móc chế biến, hoạt động liên tục từ sáng đến tối. Thời gian đầu, do chưa có kinh nghiệm, sản phẩm bán ra thị trường chưa được nhiều người biết đến nên chị bị thua lỗ hàng trăm triệu đồng. Tuy nhiên, chị Luyến không nản lòng, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm, học hỏi từ những người đi trước. Một lần tham dự hội chợ tại TP. Buôn Ma Thuột, chị đã may mắn kết nối với một công ty Nhật Bản để tiêu thụ sản phẩm, cứ 2 tháng công ty lại đến tận cơ sở của chị để test chất lượng 2 tạ tinh bột nghệ, đóng gói và nhận hàng.
Chị Luyến giới thiệu sản phẩm tinh bột nghệ. |
Đến nay, sản phẩm của cơ sở sản xuất tinh bột nghệ của chị được tiêu thụ ở Mỹ, Nhật Bản, Singapore và nhiều địa phương trên cả nước như Quảng Ninh, Tuyên Quang, Bến Tre... Trung bình mỗi năm, cơ sở của chị Luyến sử dụng khoảng 80 tấn nghệ tươi, sản xuất khoảng gần 2 tấn tinh bột nghệ vàng, nghệ trắng truyền thống. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận thu về mỗi năm khoảng 300 triệu đồng, tạo việc làm cho khoảng 7 lao động với mức lương mỗi tháng từ 5 - 6 triệu đồng/người. Cơ sở của chị không sản xuất thủ công mà có hệ thống máy móc vận hành quy trình từ rửa, nghiền cho đến lọc bỏ phần tạp chất và váng dầu để thu được tinh dầu nghệ lắng phía dưới. Nhờ sấy bằng máy, tinh bột nghệ thành phẩm của cơ sở chị Luyến có màu sáng, đẹp, độ ẩm ổn định, bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và bảo quản trong thời gian lâu hơn tinh bột nghệ sản xuất theo phương pháp thủ công.
Chị Thái Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN xã Ea Tar nhận xét, chị Trần Thị Kim Luyến đăng ký kinh doanh tại xã Ea H’đing nhưng lại có hộ khẩu thường trú, đất sản xuất tại xã Ea Tar. Mô hình sản xuất tinh bột nghệ của gia đình chị Luyến là một trong những mô hình kinh tế mới trên địa bàn xã, vừa có hiệu quả cao, vừa tạo việc làm cho một số hội viên phụ nữ tại địa phương. Cơ sở sản xuất của chị Luyến còn cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật trồng nghệ cho bà con, giúp bà con phát triển diện tích vùng nguyên liệu trên địa bàn xã.
Phạm Thị Len
Ý kiến bạn đọc