Lão nông biến đất hoang thành đồng lúa
Nhờ dám nghĩ, dám làm và mạnh dạn áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, ông Lã Như Kỹ (SN 1956, ở thôn Sơn Cường, xã Buôn Tría, huyện Lắk) đã biến vùng đất hoang hóa trở thành những cánh đồng lúa bạt ngàn, mở ra hướng phát triển nông nghiệp đầy triển vọng...
Đi lên từ... cây lúa
Năm 1978, ông Kỹ cùng vợ từ vùng quê nghèo của huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vào xã Buôn Triết lập nghiệp với hai bàn tay trắng. May mắn được người dân thôn Sơn Cường cho khoảnh đất dựng tạm căn chòi để có chỗ “cắm dùi”. Hằng ngày, hai vợ chồng ông phải đi làm thuê cuốc mướn, đồng thời khai khẩn đất hoang để trồng lúa.
Tích cóp dần dà, đến đầu những năm 1990, ông Kỹ mua được chiếc máy cày trị giá 45 triệu đồng để đi khai hoang, đào vét kênh mương dẫn nước cho đồng ruộng. Đến năm 1996, gia đình ông có 25 ha lúa. Thế nhưng, vụ hè thu năm đó, nước lũ từ thượng nguồn đổ về khiến toàn bộ diện tích lúa của gia đình chưa kịp thu hoạch bị chìm trong biển nước. "Còn nước còn tát", ông Kỹ khăn gói xuống tỉnh Khánh Hòa tìm mua gần 3.000 con vịt giống đưa về thả đồng để ăn lúa ngập úng. Ngày bán đàn vịt, ông Kỹ thu về được 10 cây vàng (khoảng 50 triệu đồng thời điểm đó).
“Cứ nghĩ tài sản và bao công sức của gia đình đã tiêu tan theo dòng nước lũ, nào ngờ “trong cái khó lại ló cái khôn”. Chi phí mỗi con vịt giá chỉ 10.000 đồng, sau 2 tháng tôi bán được 30.000 đồng/con, lãi gấp 3 lần” - ông Kỹ nhớ lại.
Ông Lã Như Kỹ (đứng giữa) cùng các xã viên HTX thăm cánh đồng lúa tím ở huyện Ea Súp. |
Năm 2009, ông Kỹ thay mặt các hộ dân trong vùng đứng ra xin thành lập Hợp tác xã (HTX) Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8-4, hoạt động chủ yếu là liên kết sản xuất giữa các hộ trồng lúa và phục vụ việc bơm nước từ sông Krông Na dẫn về đồng ruộng của người dân trong vùng. HTX do ông Kỹ làm giám đốc hiện có gần 100 hộ xã viên liên kết sản xuất trên 80 ha lúa nước và quản lý 5 trạm bơm chính phục vụ tưới nước cho 900 ha lúa thuộc các xã Buôn Triết, Buôn Tría và Đắk Liêng.
Hằng năm, ông Kỹ kêu gọi các công ty giống cây trồng, doanh nghiệp dịch vụ nông nghiệp trong và ngoài tỉnh về đầu tư, hỗ trợ các hộ xã viên về kỹ thuật canh tác hiện đại, đưa các giống lúa mới năng suất chất lượng cao vào trồng, tạo điều kiện để xã viên mua phân bón trả chậm... Cách làm đó đã giúp năng suất lúa của HTX luôn đạt cao và ổn định từ 7-9 tấn/ha/vụ.
Tiềm năng từ giống lúa mới
Năm 2016, HTX Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8-4 được UBND tỉnh phê duyệt cho thuê 200 ha đất hoang hóa thuộc tiểu khu 226, ở thôn 14A, xã Ya Tờ Mốt (huyện Ea Súp) để triển khai dự án sản xuất lúa giống. Tuy nhiên, khi tiếp cận thực tế thì HTX chỉ được nhận 30 ha "đất sạch", số diện tích đất còn lại đều bị người dân lấn chiếm từ trước đó. Nhiều lần các xã viên trong HTX đưa máy cày vào khu vực đất được giao để cải tạo thì bị người dân địa phương phản đối. Trước thực tế đó, HTX phải bỏ tiền ra để mua lại được 20 ha đất do người dân lấn chiếm.
"Từ khi HTX Dịch vụ nông nghiệp cánh đồng 8-4 đầu tư sản xuất lúa tím như “thổi cho vùng đất cằn này một luồng gió mát”, mở ra triển vọng phát triển nông nghiệp mới cho địa phương".
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp
|
Sau khi cải tạo đất, đào thêm hệ thống mương nhỏ để dẫn nước vào ruộng, năm 2018, ông Kỹ liên hệ với một số chuyên gia của Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương tại Hà Nội để đưa giống lúa Huyết rồng Phúc Thọ và Lứt đen Phúc Thọ (gọi chung là lúa tím) từ Hà Nội về trồng thử nghiệm theo hướng hữu cơ sinh học trên diện tích gần 6 ha.
Nhờ phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu của vùng, giống lúa tím phát triển rất tốt, lại ít bị sâu bệnh, năng suất đạt trên 8 tạ/sào (hơn hẳn các giống lúa thường trong vùng bình quân khoảng 1 tạ/sào), cơm dẻo, ngon. Vụ đầu tiên HTX thu hoạch được 35 tấn lúa, thu về 350 triệu đồng. Sau khi thẩm định về năng suất, chất lượng lúa nơi đây, Công ty Cổ phần Giống cây trồng Trung ương đã quyết định ký hợp đồng cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật sản xuất và bao tiêu toàn bộ sản phẩm của HTX với giá 10.000 đồng/kg, trong khi lúa truyền thống thời điểm cao trên thị trường cũng chỉ 5.000 - 5.500 đồng/kg.
Ông Lã Như Kỹ đang chăm sóc ruộng lúa tím. |
Sau một vụ mùa thuận lợi, nhận thấy hiệu quả cao từ mô hình trồng lúa tím, nhiều người dân có đất trong vùng đã tự nguyện xin liên kết với HTX. Và thật bất ngờ, trong số những hộ liên kết này có cả một số người đã lấn chiếm đất và trước đó kiên quyết ngăn cản không cho ông Kỹ cải tạo đất để trồng lúa. Vụ đông xuân năm 2018 - 2019 vừa qua, HTX đã có thêm 10 hộ dân đăng ký tham gia liên kết trồng lúa tím, nâng tổng diện tích trồng lúa của HTX lên trên 80 ha.
Ông Nguyễn Ngọc Phú, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Ea Súp cho biết, trước đây, vùng đất của tiểu khu 226 thuộc xã Ya Tờ Mốt còn hoang hóa, một số người dân lấn chiếm để tỉa ngô, đậu vào mùa mưa. Phòng NN-PTNT huyện đã và đang phối hợp với chính quyền xã thường xuyên truyên truyền, vận động người dân trả lại đất cho HTX để triển khai dự án. Để hỗ trợ người dân trong việc khai hoang, HTX cũng ưu đãi mua lại những phần đất mà họ đã lấn chiếm trước đó. Nhiều hộ còn xin vào liên kết sản xuất lúa với HTX. Đây là tín hiệu đáng mừng, cho thấy sự hài hòa lợi ích giữa HTX với người dân.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc