Multimedia Đọc Báo in

Người dân Ea Trang nỗ lực vươn lên để thoát nghèo

08:34, 26/11/2019

Các chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất, đầu tư cơ sở hạ tầng nông thôn từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững đã giúp đời sống vật chất, tinh thần người dân xã Ea Trang (huyện M’Đrắk) từng bước được cải thiện.

Xã Ea Trang có gần 1.400 hộ, trên 6.000 nhân khẩu, trong đó đồng bào dân tộc thiểu số chiếm trên 95%. Nằm trong khu vực có nhiều đồi núi bao quanh, độ dốc cao nên xã thường xuyên đối mặt với hạn hán, mưa lũ gây nhiều khó khăn cho sản xuất và đời sống.

Ông Y Đôi Niê, Chủ tịch UBND xã cho biết, là xã đặc biệt khó khăn nên công tác giảm nghèo được cấp ủy, chính quyền địa phương xác định là nhiệm vụ hàng đầu. Trước tiên, xã tập trung đánh giá, khảo sát nhu cầu hỗ trợ của hộ nghèo, cận nghèo, trên cơ sở đó có các chính sách hỗ trợ sát thực, phù hợp tới từng hộ gia đình. Đồng thời tăng cường tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức, khơi dậy tinh thần chủ động, vươn lên thoát nghèo. Đặc biệt là tiếp nhận, sử dụng có hiệu quả chính sách, nguồn lực hỗ trợ của Nhà nước, cộng đồng để làm “đòn bẩy” giúp người dân vươn lên thoát nghèo bền vững.

Mô hình chăn nuôi bò sinh sản giúp nhiều gia đình ở xã Ea Trang thoát nghèo.
Mô hình chăn nuôi bò sinh sản giúp nhiều gia đình ở xã Ea Trang thoát nghèo.

Từ Dự án Hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo trong Chương trình 135, nhiều gia đình ở thôn Ea Boa (xã Ea Trang) đã thoát nghèo nhờ nuôi bò sinh sản. Đơn cử như hộ anh Triệu Văn Sình trước đây là một trong những hộ nghèo ở địa phương, nhưng từ năm 2018 đến nay gia đình anh đã có thu nhập 50 triệu đồng/năm từ lúa rẫy, sắn và nuôi bò. Anh Sình hồ hởi nói: “Được hỗ trợ một con bò sinh sản từ Chương trình 135, gia đình tôi tập trung chăm sóc. Từ một con bò mẹ ban đầu, sau 4 năm đã tăng lên 7 con. Đàn bò phát triển tốt giúp gia đình tôi có điều kiện nuôi con cái ăn học”.

 
“Công tác giảm nghèo ở xã Ea Trang vẫn còn nhiều thách thức, nhưng qua điều tra, rà soát hộ nghèo năm 2019, tỷ lệ hộ nghèo của xã còn 33,78% (giảm 9,13% so với đầu năm 2019)".
 
Ông Y Đôi Niê, Chủ tịch UBND xã Ea Trang

Tương tự, gia đình anh Hứa Văn Cờ cũng vừa thoát nghèo nhờ được hỗ trợ bò giống. Anh Cờ phấn khởi: “Gia đình tôi được hỗ trợ bò năm 2016; đến nay đã bán 3 lượt bê con, mỗi đợt được 10 triệu đồng. Từ số tiền này, tôi mua cây keo giống về trồng và mở rộng chuồng trại chăn nuôi”.

Ngoài hỗ trợ phát triển sản xuất, xã Ea Trang còn được thụ hưởng đầu tư về cơ sở hạ tầng giao thông từ Dự án giảm nghèo khu vực Tây Nguyên. Điển hình là công trình đường giao thông liên thôn đoạn từ buôn Bơn B vào làng Ea Kiu (cũng thuộc thôn Ea Boa) dài 450 m và đoạn đường nội làng Ea Kiu dài 300 m mới được hoàn thành và đưa vào sử dụng. Anh Hoàng Văn Cường, Trưởng thôn Ea Boa cho hay, làng Ea Kiu cách trung tâm xã hơn 10 km, gần như cách biệt với bên ngoài bởi đường đi lại khó khăn. Tháng 8 vừa qua, được Nhà nước đầu tư xây dựng các tuyến đường bê tông, việc đi lại, giao thương hàng hóa của bà con ở đây thuận lợi hơn.

Việc đi lại của người dân thôn Ea Boa (xã Ea Trang) thuận lợi từ khi có đường bê tông.
Việc đi lại của người dân thôn Ea Boa (xã Ea Trang) thuận lợi từ khi có đường bê tông.

Năm 2019, xã Ea Trang được hỗ trợ 22 con bò cho hộ nghèo, xây dựng 480 m đường giao thông với tổng kinh phí hơn 1,4 tỷ đồng; sửa chữa, xây dựng mới 18 căn nhà theo Chương trình 167 giai đoạn 2; xây dựng trường tiểu học; hỗ trợ cây, con giống, khoa học kỹ thuật và máy móc nông nghiệp cho 29 hộ nghèo với tổng kinh phí gần 2,8 tỷ đồng… từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. "Những hỗ trợ thiết thực của Nhà nước là động lực giúp nhiều hộ nghèo trong xã thoát nghèo"- Chủ tịch UBND xã Y Đôi Niê khẳng định.

Thùy Linh

 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.