Multimedia Đọc Báo in

Ươm mầm những ý tưởng khởi nghiệp trong học đường

08:52, 15/11/2019

Mặc dù tuổi đời còn rất trẻ và vẫn còn ngồi trên ghế nhà trường nhưng không ít học sinh, sinh viên trên địa bàn tỉnh đã phát huy trí tuệ và tài năng, mạnh dạn thực hiện những ý tưởng khởi nghiệp của mình, góp phần tạo sự lan tỏa phong trào khởi nghiệp chung của tỉnh.

Những học sinh giàu ý tưởng

Sinh ra và lớn lên ở vùng đất Buôn Hồ với nhiều tiềm năng phát triển các loại cây công nghiệp, cây ăn trái… nên ý tưởng khởi nghiệp của em Trần Văn Thái và Nguyễn Ngọc Dũng (học sinh lớp 10A4, Trường THPT Hai Bà Trưng) cũng "nảy mầm" từ đó. Thái và Dũng chia sẻ, gia đình các em trồng rất nhiều bơ nhưng sau khi thu hoạch và chế biến thì hạt bơ bị loại bỏ hoàn toàn. Với mong muốn tiết kiệm và tận dụng tối đa nguồn nguyên liệu, các em đã mày mò nghiên cứu về thành phần trong hạt bơ và nhận thấy hàm lượng các chất dinh dưỡng có trong hạt bơ rất lớn nhưng thường con người lại không sử dụng, vậy tại sao không dùng làm thức ăn cho các vật nuôi.

Từ ý nghĩ đó, Thái và Dũng đã chế biến hạt bơ thành thức ăn trong chăn nuôi ở cả hai dạng thô và ướt. Đầu tiên các em tiến hành khử chất đắng trong hạt bơ, sau đó nấu chín rồi xay và lọc để có thành phẩm là một loại bột sệt. Nếu muốn có sản phẩm khô thì các em sấy hoặc phơi. Thử nghiệm trên một số loại vật nuôi trong đó có loài cá, Thái và Dũng thấy thức ăn từ hạt bơ được cá ưa chuộng hơn các loại thức ăn khác mua ngoài thị trường. Từ đó các em đã xây dựng thành công đề tài “Nghiên cứu chế biến bột hạt bơ Booth làm thực phẩm, thức ăn trong chăn nuôi” dưới sự hướng dẫn của giáo viên trong trường.

Em Phạm Quốc Cường (lớp 11A10, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu về loài lan rừng giả hạc do mình nhân giống.
Em Phạm Quốc Cường (lớp 11A10, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu về loài lan rừng giả hạc do mình nhân giống.

Thạc sĩ Nguyễn Thị Kim Hạnh, Giáo viên bộ môn Hóa học, Trường THPT Hai Bà Trưng đánh giá, ý tưởng của các em tuy chưa được hiện thực hóa bằng việc đưa ra thị trường vì còn đi học nhưng nó mang nhiều ý nghĩa thực tế và rất mới lạ. Đây cũng là tiền đề để các em tiếp tục nghiên cứu phát triển trong tương lai.

Còn đối với em Phạm Quốc Cường (lớp 11A10) và Hồ Trúc Linh (lớp 12A4), Trường THPT Lê Quý Đôn (TP. Buôn Ma Thuột) thì ý tưởng nhân giống loài lan rừng giả hạc được nhen nhóm khi các em chứng kiến nạn tận diệt lan rừng đã và đang diễn ra trên địa bàn tỉnh. Với tình yêu thiên nhiên và hoa cỏ, Linh và Cường đã cùng nhau xây dựng thành công đề tài “Nghiên cứu phương pháp nhân giống và chăm sóc cây con của loài lan rừng giả hạc EASO ghép trên gốc cây cà phê già cỗi”. Đầu năm 2018, Linh và Cường cùng nhau lên ý tưởng, sau đó nhờ thầy cô hướng dẫn và tự tìm hiểu thêm qua sách, báo, Internet… về loài lan rừng giả hạc EASO. Khi bắt tay vào làm, những lần đầu nhân giống cả hai gặp rất nhiều khó khăn. Sau nhiều lần bất thành, cả hai phải mất 2-3 tháng mới có được những cây lan con đầu tiên và mất cả nửa năm sau để chăm sóc chúng đến khi nở hoa.

Em Hồ  Trúc Linh  (lớp 12A4, Trường THPT Lê Quý Đôn,  TP. Buôn Ma Thuột)  giới thiệu  về loài lan rừng giả hạc  do mình  nhân giống.
Em Hồ Trúc Linh (lớp 12A4, Trường THPT Lê Quý Đôn, TP. Buôn Ma Thuột) giới thiệu về loài lan rừng giả hạc do mình nhân giống.

Sự cố gắng của Linh và Cường đã được đền đáp khi giống lan các bạn nghiên cứu có thể sinh trưởng và phát triển tốt, đặc biệt, đề tài “Nghiên cứu phương pháp nhân giống và chăm sóc cây con của loài lan rừng giả hạc EASO ghép trên gốc cây cà phê già cỗi” của hai em là 1 trong 6 đề tài được chọn để dự  thi Cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học toàn quốc.

Sáng tạo nguồn nguyên liệu mới

Xuất thân là những sinh viên ngành Nông lâm của Trường Đại học Tây Nguyên, Nhóm Tuổi trẻ Tây Nguyên đã cùng nhau mày mò nghiên cứu để tạo ra một sản phẩm độc đáo, mới lạ từ chuối xanh. Từ những kiến thức học được trên giảng đường cùng với việc tham khảo thêm các nguồn thông tin khác và sự hướng dẫn của giáo viên trong trường, 4 bạn sinh viên trong nhóm nhận thấy trong chuối xanh có chứa hàm lượng tinh bột kháng tiêu hóa cao, không chứa Gluten và không chuyển hóa thành đường khi ăn… nên đã cùng lên ý tưởng tạo ra sản phẩm cho người ăn kiêng.

Bạn Trần Thị Mỹ Duyên, Trưởng Nhóm Tuổi trẻ Tây Nguyên chia sẻ, nguồn thực phẩm chống béo phì, giảm cân và ổn định đường huyết đang là xu hướng lựa chọn của rất nhiều người trong khi nguyên liệu từ chuối xanh hoàn toàn đáp ứng được các yêu cầu trên nên các em đã bắt tay vào nghiên cứu và chế biến quả chuối xanh thành bột. Bột chuối xanh có hàm lượng tinh bột cao, hoàn toàn có thể thay thế được các loại bột mì đa dụng. Hơn nữa, trong trường lại trồng được rất nhiều chuối nên cả nhóm có điều kiện thuận lợi cho việc nghiên cứu.

Bột chuối xanh và các sản phẩm từ bột chuối xanh được Nhóm Tuổi trẻ Tây Nguyên giới thiệu  tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ 1 năm 2019.
Bột chuối xanh và các sản phẩm từ bột chuối xanh được Nhóm Tuổi trẻ Tây Nguyên giới thiệu tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ 1 năm 2019.

Từ nguồn nguyên liệu mới này, Nhóm Tuổi trẻ Tây Nguyên đã chế biến ra bột chuối xanh và các sản phẩm làm từ bột chuối xanh như bánh quy và xây dựng mô hình “Bột chuối xanh và sản phẩm”. Mô hình đã đoạt giải Ba trong Hội thi “Sản phẩm sinh viên sáng tạo” tại Ngày hội Sinh viên sáng tạo tỉnh Đắk Lắk năm 2019 và trở thành một trong những sản phẩm khởi nghiệp tiêu biểu được UBND tỉnh tuyên dương tại Ngày hội khởi nghiệp tỉnh Đắk Lắk lần thứ 1 năm 2019.

Đề tài “Nghiên cứu chế biến bột hạt bơ Booth làm thực phẩm, thức ăn trong chăn nuôi” và đề tài “Nghiên cứu phương pháp nhân giống và chăm sóc cây con của loài lan rừng giả hạc EASO ghép trên gốc cây cà phê già cỗi” đều đoạt giải Nhất trong Cuộc thi khoa học, kỹ thuật dành cho học sinh trung học tỉnh Đắk Lắk năm học 2018-2019.

Khả Lê


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.