Xã Cư Elang (huyện Ea Kar): Cam, quýt vàng lá, thối rễ chết hàng loạt
Dồn vốn liếng chuyển đổi từ cà phê, hoa màu sang trồng cây ăn quả, nhiều nông dân ở xã Cư Elang (huyện Ea Kar) đang ngậm đắng vì cam quýt bị vàng lá, thối rễ, chết hàng loạt.
Từng thành công với mô hình trồng cam quýt VietGAP, song anh Đặng Quang Đức (thôn 3) đang rầu rĩ vì toàn bộ 2 ha cam, quýt đều bị nhiễm bệnh vàng lá thối rễ. Anh Đức bắt đầu trồng cam, quýt vào năm 2012, khi phong trào trồng cam quýt trong vùng đang nở rộ. Những cây mắc bệnh đầu tiên xuất hiện từ năm 2017.
Qua trao đổi với những người có nhiều kinh nghiệm trồng cam, quýt, anh Đức tự xử lý bằng cách cắt bỏ bớt trái trên cây, xới đất sâu để loại bỏ một phần rễ rồi bón thêm phân hữu cơ. Tuy cây không chết nhưng cũng ngưng phát triển, cho trái èo uột, không đảm bảo chất lượng. Tình trạng này lan nhanh trên toàn bộ diện tích, anh đã thử chặt bỏ một phần và trồng lại những cây cam, quýt mới thì những cây này cũng nhanh chóng nhiễm bệnh, phải nhổ bỏ để trồng loại cây khác.
Cây cam sành bị vàng lá, thối rễ tại vườn của anh Đặng Quang Đức. |
Tương tự, ông Trần Văn Chinh (thôn 6B) cũng bị thiệt hại trên toàn bộ diện tích 3 ha trồng cam, quýt. Thấy bà con trong vùng trồng cam, quýt đạt lợi nhuận lên đến 300 triệu đồng/ha/năm, ông cũng chặt bỏ gần 1 ha cà phê để trồng 700 cây quýt đường. Sau hơn 2 năm chăm sóc, cây quýt chậm phát triển, vàng lá, không bung đọt. Ông nhờ kỹ sư nông nghiệp của một số công ty cung ứng vật tư nông nghiệp kiểm tra thì được biết khả năng cao là cây giống bị nhiễm mặn, không thể phục hồi. Vì thế, năm 2016 ông chặt bỏ quýt, trồng lại cam sành và cam xoàn, mở rộng diện tích canh tác lên 3 ha với khoảng 3.000 cây.
Ban đầu, cây sinh trưởng khá tốt do ông tận dụng được nguồn phân hữu cơ từ phân chuồng và vỏ trấu. Đến năm 2018, cây bắt đầu bị vàng lá, thối rễ, lây lan nhanh. Cây ngưng sinh trưởng rồi chết dần dù ông đã thử can thiệp bằng nhiều biện pháp như phun thuốc kích rễ, bón phân vi sinh, vi lượng, chống ngập úng... Ông nhẩm tính, thiệt hại từ việc đầu tư cam, quýt thất bại lên đến hàng tỷ đồng.
Theo ghi nhận, cây cam, quýt được người dân đưa vào trồng thử nghiệm tại Cư Elang từ hơn 10 năm trước do canh tác các loại hoa màu và cây công nghiệp không hiệu quả. Phong trào trồng cam, quýt nở rộ vào khoảng năm 2011 - 2012 khi bà con thấy những diện tích đầu tiên cho năng suất cao, thị trường ưa chuộng. Tuy nhiên, việc canh tác đều mang tính tự phát, bà con tự học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau hoặc tham khảo trên các phương tiện truyền thông, Internet chứ chưa có sự nghiên cứu, khuyến cáo cụ thể từ các cơ quan chức năng. Ngay cả cây giống cũng không được chọn lọc kỹ, người dân thường mua giống do thương lái hoặc chính những người trong vùng mang từ nơi khác về bán ngay tại địa phương, mù mờ về nguồn gốc, xuất xứ.
Diện tích trồng cam xoàn năm thứ 3 của ông Trần Văn Chinh hầu như ngưng sinh trưởng do bị vàng lá, thối rễ. |
Ông Nguyễn Trọng Tứ, cán bộ nông nghiệp xã Cư Elang cho biết, toàn xã hiện có khoảng 500 ha cam, quýt, phân bố rải rác ở tất cả các thôn. Tình trạng cây có biểu hiện vàng lá, thối rễ xuất hiện từ năm 2016, và lan nhanh từ năm 2018 đến nay. Các đơn vị chuyên môn của huyện đã nhiều lần đến kiểm tra, khuyến cáo người dân một số biện pháp can thiệp nhưng không hiệu quả. Ước tính có trên 200 ha đã nhiễm bệnh, không thể phục hồi, gây thiệt hại nặng nề về kinh tế. Nhiều hộ đã chuyển sang trồng các loại cây ăn quả khác như nhãn, vải, hồng xiêm… Người dân rất mong mỏi các cơ quan chức năng, các đơn vị nghiên cứu quan tâm, tìm hiểu về nguyên nhân của tình trạng trên để giúp bà con tìm biện pháp khắc phục cũng như khuyến cáo đến các vùng trồng cam, quýt trên toàn tỉnh để các hộ khác chủ động phòng tránh, giảm thiểu rủi ro khi đầu tư chuyển đổi cây trồng.
Theo thống kê của ngành Nông nghiệp, diện tích cây ăn quả trên địa bàn tỉnh trong vòng 5 năm (từ 2014 đến 2018) đã tăng hơn 2,3 lần. Riêng diện tích cây cam, quýt năm 2018 đã tăng gấp 3 lần so với năm 2014, đạt 1.325 ha, năng suất bình quân 9 tấn/ha. |
Đinh Nga
Ý kiến bạn đọc