Multimedia Đọc Báo in

Bảo đảm an toàn thủy điện trên sông Sêrêpốk

18:28, 29/12/2020

Một trong những tiềm năng to lớn của sông Mê Công đang được các nước trong khu vực khai thác mạnh mẽ là thủy điện.

Theo đánh giá của Ủy hội sông Mê Công, tiềm năng thủy điện toàn lưu vực sông Mê Công có thể khai thác vào khoảng 53.900 MW, trong đó phần thượng lưu sông Mê Công thuộc lãnh thổ Trung Quốc – sông Lang Thương là 23.000 MW. Còn lại phần hạ lưu thuộc bốn quốc gia Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam là 30.900 MW, trong đó Việt Nam là 2.000 MW.

a
Một đoạn sông Sê San được chặn dòng làm thủy điện

Lưu vực sông Mê Công ở Việt Nam có diện tích khoảng 71.000 km2 , chiếm hơn 8% diện tích toàn lưu vực. Ở Tây Nguyên, các sông Sê San, Sêrêpôk là 2 sông nhánh chính phía bờ trái của sông Mê Công. Trong đó, sông Sêrêpốk có chiều dài dòng chính 291 km, phần lớn diện tích lưu vực nằm trong tỉnh Đắk Lắk (khoảng 10.400 km2), phần còn lại nằm ở các tỉnh Đắk Nông, Gia Lai và Lâm Đồng. Do dòng sông rất dài, được hợp bởi nhiều con sông, suối nhỏ bắt nguồn và được nuôi dưỡng trong những cánh rừng đại ngàn nên có lưu lượng nước rất lớn, tạo nên một nguồn lợi to lớn về thủy điện. Trên địa bàn tỉnh hiện có 24 nhà máy thủy điện đang hoạt động với tổng công suất 957 MW, trong đó, 14 công trình có hồ chứa, hạ du ảnh hưởng trực tiếp đến các huyện Lắk, Buôn Đôn, Krông Ana và TP. Buôn Ma Thuột. Để công trình thủy điện thực sự phát huy hiệu quả, công tác quản lý, vận hành công trình hồ đập bảo đảm an toàn cho vùng hạ du các công trình thủy điện trên sông Sêrêpốk được đặc biệt chú trọng.

Đơn cử, tại Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah do Công ty Thủy điện Buôn Kuôp quản lý, vận hành, hồ chứa có dung tích gần 800 triệu m3, công tác bảo đảm an toàn hồ đập công trình được thực hiện một cách nghiêm ngặt nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ hồ và các cơ quan chức năng từ điều tiết nước đến xả lũ, trong đó, quy định cụ thể cơ chế phối hợp, ứng phó trong các tình huống cụ thể. Theo đó, trong mùa mưa lũ, mỗi khi hồ Buôn Tua Srah xả với lưu lượng lên đến 50 m3/s, chủ hồ có trách nhiệm thông báo đến Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện, UBND các xã bị ảnh hưởng trước thời điểm xả 30 phút; đồng thời, phát thông báo trên các trạm cảnh báo được bố trí dọc theo sông vùng hạ lưu hồ. Trong trường hợp xả điều tiết lũ với lưu lượng lên 600 m3/s, chủ hồ thường xuyên thông báo diễn biến cơn lũ đến cơ quan chức năng của tỉnh, huyện và các xã bị ảnh hưởng để có biện pháp ứng phó hữu hiệu trong trường hợp khẩn cấp, đột xuất. Tùy tình hình thực tế, đơn vị sẽ sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc một cách nhanh nhất.

Đặc biệt, công tác vận hành, điều tiết cố sự phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị quản lý công trình trên lưu vực sông. Từ năm 2011 đến nay, Nhà máy thủy điện Buôn Tua Srah đã thực hiện quy chế phối hợp vận hành với các công trình nằm ở thượng lưu và hạ lưu hồ Buôn Tua Srah gồm: Thủy điện Sêrêpôk 4, Krông Nô 2, 3. Việc phối hợp này giúp điều tiết lưu lượng nước phục vụ chạy máy sản xuất điện của các nhà máy, đồng thời, chia sẻ thông tin vận hành trong mùa lũ, cung cấp thông số về mực nước hồ, lưu lượng xả tràn. Nhờ vậy, công tác dự báo và tính toán lưu lượng lũ về hồ Buôn Tua Srah được thực hiện một cách hiệu quả để từ đó đưa ra phương án xả lũ tốt nhất, bảo đảm an toàn cho người và tài sản vùng hạ du.

a
Lũ lụt gây thiệt hại hoa màu vùng hạ du

Bên cạnh đó còn phải kể đến vai trò của chính quyền địa phương trong công tác bảo đảm an toàn cho người và tài sản trong khu vực hạ du các công trình. Chẳng hạn như xã Ea Rbin (huyện Lắk) có khoảng 500 ha thuộc vùng hạ du thủy điện Buôn Tua Srah bị ảnh hưởng trực tiếp khi hồ này xả lũ. Trong thời gian qua, địa phương đã phối hợp với nhà máy điều tiết nước theo tình hình thủy văn ở từng thời điểm. Đồng thời yêu cầu nhà máy thủy điện xây dựng 2 cống ngăn ngập tại địa bàn bị ảnh hưởng để khi nhà máy xả nước gây ngập lụt thì dừng chạy máy để mở cống thoát nước nhằm tránh gây tổn thất hoa màu cho người dân. Ngoài ra, chính quyền xã cũng phối hợp với các nhà máy thủy điện, trường học để tuyên truyền cho người dân, học sinh về bảo vệ các trạm thủy văn trên lưu vực, trạm cảnh báo, bảng chỉ dẫn và cọc tiêu báo lũ hạ du hồ chứa; thường xuyên thông tin đến người dân về thời gian, lưu lượng xả lũ, điểm ngập và điểm tránh lũ theo phương án phòng chống lũ lụt đã được phê duyệt...

Các công trình thủy điện trên lưu vực sông  Sêrêpốk do nhiều chủ đầu tư xây dựng và quản lý. Để nâng cao hơn nữa tính an toàn của các công trình thủy điện trên lưu vực sông, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn với địa phương có liên quan, kiểm tra thực địa hiện trạng dòng chảy thoát lũ ở hạ lưu và xử lý các vi phạm ảnh hưởng tới khả năng thoát lũ của công trình .

 

Hoa Hồng (Tổng hợp)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.