Ea Bhốk mở rộng mô hình nuôi thỏ
Thỏ được nhiều người dân xã Ea Bhốk (huyện Cư Kuin) nuôi từ lâu, nhưng chủ yếu là quy mô nhỏ lẻ để cung cấp cho các nhà hàng trên địa bàn huyện. Gần đây, một số hộ chăn nuôi thỏ trong xã đã liên kết để nhân rộng mô hình, tìm kiếm thị trường tiêu thụ lớn.
Gia đình ông Trần Văn Giang (thôn 3) là một trong những hộ đầu tiên nuôi thỏ tại địa phương. Năm 2017, ông Giang xem chương trình phát triển kinh tế nhờ mô hình nuôi thỏ trên tivi, thấy nuôi thỏ cần ít diện tích đất, công chăm sóc, chi phí đầu tư thấp trong khi nguồn thức ăn cho loài vật nuôi này dồi dào, phù hợp để phát triển lâu dài.
Sau khi tìm hiểu về kỹ thuật chăn nuôi thỏ, ông Giang mua 12 con thỏ giống về nuôi. Thỏ sinh sản tương đối nhanh, trung bình từ 6 - 9 lứa/năm, ông Giang phải trồng thêm 3 sào ngô, rau để chủ động nguồn thức ăn. Trong 2 năm qua, ông Giang đã xuất bán trên 1.000 con thỏ thịt, khoảng 200 - 400 thỏ giống, với giá trung bình 75.000 đồng/kg, trừ chi phí gia đình ông lãi hơn 50 triệu đồng/năm. Hiện nay, ông Giang sở hữu một trang trại thỏ 70 m2, với hơn 200 con thỏ giống.
Trang trại của ông Trần Văn Giang (thôn 3, xã Ea Bhốk) hiện có hơn 200 con thỏ. |
Tương tự, gia đình anh Nguyễn Xuân Lan (thôn 3) cũng phát triển chăn nuôi thỏ từ 2 năm trước. Anh Lan cho hay: “Trước đây, gia đình tôi chăn nuôi heo, nhưng giá cả bấp bênh, lại thường xuyên bị dịch bệnh nên chuyển sang nuôi thỏ. Tận dụng diện tích chuồng trại có sẵn, tôi mua 12 con thỏ giống về nuôi, trồng thêm 1 sào rau từ khu vực đất trồng kém hiệu quả để chủ động thức ăn cho thỏ”. Theo anh Lan, thỏ dễ nuôi, ít dịch bệnh hơn so với heo, bò, gà… Ở thỏ chủ yếu chỉ xuất hiện bốn loại bệnh: ghẻ, tiêu chảy, tụ huyết trùng, cầu trùng. Để thỏ phát triển tốt, anh Lan xây dựng chuồng trại cao ráo, thoáng mát, chú ý giữ gìn vệ sinh, đặc biệt là tiêm phòng vắc-xin cho chúng đầy đủ. Mô hình nuôi thỏ với những ưu điểm ít dịch bệnh, sinh sản nhanh, thị trường tiêu thụ lớn, ổn định nên nhiều người dân trong thôn đã tìm đến anh Lan học hỏi nuôi thỏ.
Anh Nguyễn Xuân Lan (thôn 3, xã Ea Bhốk) đang chăm sóc thỏ. |
Tháng 3-2019, ông Trần Văn Giang cùng bốn gia đình đang phát triển chăn nuôi thỏ tại thôn 3 (xã Ea Bhốk) thành lập tổ hợp tác chăn nuôi thỏ nhằm chia sẻ kinh nghiệm, tìm thị trường mới và mở rộng quy mô. Với kinh nghiệm và quy mô chăn nuôi khá lớn, ông Giang được tín nhiệm làm Tổ trưởng Tổ hợp tác. Dù hiện nay đầu ra của thỏ đang ổn định, nhưng "phòng xa" khi số lượng thỏ tăng lên, gặp khó khăn về đầu ra, Tổ hợp tác đã chủ động liên kết với Hợp tác xã Nông nghiệp và Du lịch Phú Nông Buôn Đôn (huyện Buôn Đôn) để thu mua sản phẩm. Nhờ vậy, các thành viên trong tổ an tâm phát triển loại vật nuôi này.
Theo phương án hoạt động của Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ thôn 3, ngoài tăng số lượng thành viên và mở rộng quy mô chăn nuôi, các thành viên trong tổ đang chuẩn bị các điều kiện để phát triển chăn nuôi theo quy trình kỹ thuật tiên tiến (xử lý chất thải theo công nghệ biogas, quy hoạch khu trồng thức ăn xanh, an toàn…), tiến đến xây dựng liên kết chuỗi giá trị từ cung ứng vật tư, dịch vụ đầu vào, tổ chức sản xuất, sơ chế hoặc chế biến gắn với tiêu thụ sản phẩm từ thỏ.
Huyện Cư Kuin có 25 hộ chăn nuôi thỏ, quy mô từ 20 - 200 con, trong đó Tổ hợp tác chăn nuôi thỏ thôn 3 (xã Ea Bhốk) có quy mô khá lớn, với tổng diện tích chuồng trại 850 m2, nuôi 800 con thỏ (gồm: 100 thỏ bố mẹ, 700 thỏ con). |
Thùy Dung
Ý kiến bạn đọc